, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/08/2022, 06:05

Thắng cảnh Quảng Bình qua sách địa dư và du ký

PHÚC TOÀN
Nói đến Quảng Bình, nhiều người ngày nay nghĩ ngay đến hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ, hang Sơn Đoòng… những điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.

Người hiểu biết một chút về lịch sử, nói đến Quảng Bình hẳn sẽ nhớ đến hai lần đất nước bị chia cắt mà Quảng Bình chính là nơi được chọn làm ranh giới. Lần đầu, là giới tuyến sông Gianh khi Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627 - 1672). Lần thứ hai là năm 1954, sau ngày Hiệp định Gèneve được ký kết, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến tạm thời chia đôi đất nước - cuộc phân chia tưởng chỉ hai năm đã kéo dài thành 21 năm đằng đẵng…

Cảnh Đèo Ngang và Hoành Sơn quan.

Tuy là vùng đất có chiều ngang hẹp nhất Việt Nam (50km), được ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước, nhưng Quảng Bình cũng là nơi được thiên nhiên ưu đãi với địa thế “lưng tựa núi cao mắt nhìn biển rộng”, lại có cả sông, cả suối. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều tác phẩm du ký, địa dư đã đề cập đến Quảng Bình như một vùng đất đẹp…

Trong Ấu học địa dư Quảng Trị - Quảng Bình (Impr. Tonkinoise, Hà Nội, tr.20) do Hồ Đắc Đệ và Hồ Đắc Hàm biên soạn năm 1916, hai danh sĩ họ Hồ mô tả phong cảnh Đồng Hới của Quảng Bình như sau: “Thành Đồng Hới ở trên sông Nhựt Lệ, từ thành ra đến bờ sông chỉ có bốn trăm thước Tây, trên phố thì nhà cửa xúm xít, dưới sông thì ghe cộ nhộn nhàng nhứt là trong mùa hạ. Dọc bờ sông xe qua ngựa lại, cũng là chốn dạo mát tiêu khiển cho khách thanh tao, dưới tam tòa cây cối sum suê, nhà thờ đạo có nóc cao chót vót. Trông xa cửa Nhựt Lệ có hai bên đụn cát, để cho thuyền bè ẩn núp, ấy là cảnh trí tự nhiên. Khi trời yên thì biển lặng, phát như tấm gương soi chẳng có chút nào bụi bặm, chiều chiều thuyền cá ghe câu từ ngoài khơi trương buồm vô cửa, hình như chim liệng bướm bay, cảnh Đồng Hới ngó ra cũng đẹp”.

Còn trong hai quyển địa dư Quảng Bình địa dư tiện đọc (1926) và Quảng Bình thắng tích lục (1937) do Trần Kinh, Đốc giáo các trường Sơ đẳng của Quảng Bình, biên soạn, các danh thắng của Quảng Bình như Hoành Sơn, Cửa Roon, chợ Ba Đồn, sông Gianh, động Phong Nha, động Chân Linh, bãi Đá nhảy, phá Hạc Hải… đều được mô tả tỉ mỉ. Nói về Mâu Sơn (núi Đầu Mâu) trong Quảng Bình thắng tích lục (Impr - Lib. Lê Văn Tân, Hà Nội, tr.47), Trần Kinh viết:

“Cứ đi chẳng quản đỗi đường xa
Chốc tới Mâu Sơn sẽ nghỉ à
Chất ngất ngàn tầng tòa thạch trụ
Chon von mấy chóp mũi can qua
Trường thành bao bọc quanh chân núi,
Tiên động nguy nga kể mấy tòa
Hoàng phủ xưa kia chơi ở đó
Sao nay vắng mặt tệ chưa mà?”

Đầu thế kỷ XX, văn hóa phương Tây du nhập đã mang lại nhiều lối sinh hoạt mới. Một bộ phận theo Tây học sinh sống ở thành thị có khuynh hướng thích “xê dịch”, khám phá những danh lam thắng cảnh, hiện tình đất nước. Khác với các thế hệ trước, họ sử dụng loại hình du ký mới mẻ của văn học phương Tây để ghi chép lại hành trình của mình.

Các sách giới thiệu về Quảng Bình đầu thế kỷ XX.

Trên bước đường vào Huế dự lễ Tế giao của vua Khải Định năm 1918, chủ bút Nam Phong Phạm Quỳnh đã mô tả vẻ đẹp của Đèo Ngang, ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, trong Nam phong tạp chí (số 10, tháng 4/1919, tr.200): “Phong cảnh ở đây mới thực là ngoạn mục, chẳng khác gì một bức tranh sơn thủy vậy”.

Hơn 10 năm sau, cũng trên Nam phong tạp chí (số 129, tháng 5/1928, tr.460), một cây bút khác mô tả chi tiết hơn về cảnh đèo Ngang: “Đi lúc nữa đến núi Hoành Sơn, là một chi núi nhỏ ở núi Tràng Sơn (Trường Sơn) chạy rẽ ngang ra bể như hình chữ nhất, không cao, độ trăm thước tây thôi, đường ô tô đi có một chữ “chi” thì lên đến đỉnh đèo. Ở hai đỉnh đèo có hai cái cổng xây gạch, một cái nhỏ ở sườn núi và một cái lớn ở giữa đỉnh. Hai bên cổng có bức tường bằng đá và gạch, chạy theo chiều dài đỉnh đèo, thực là một cái giới hạn nam bắc thiên nhiên vậy”. Ngày nay, chiếc cổng bằng gạch được nhắc đến trong bài du ký này vẫn còn hiện hữu ở đèo Ngang với hàng chữ “Hoành Sơn quan”.

Trong quyển Du lịch Quảng Bình (Nhà in Tiếng Dân, tr.48) của Nguyễn Kinh Chi, tác giả dành nhiều lời khen tặng động Phong Nha: “…Có nhà du lịch đã đem hang Phong Nha sánh với các hang đẹp nhất thế giới - cho nên người Pháp đến đây không ai không đi xem hang ấy.” Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội năm 1922, Nguyễn Kinh Chi về công tác tại bệnh viện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Với con ngựa được cấp, ông có cơ hội đi khắp nơi trong tỉnh để chữa bệnh giúp dân cũng như hướng dẫn người dân vệ sinh phòng dịch. Chính những ngày rong ruổi ấy đã giúp ông có đủ tư liệu để viết tác phẩm Du lịch Quảng Bình.

Theo Nguyễn Kinh Chi, đã có nhiều chuyến thám sát động Phong Nha của ông Barton người Anh năm 1924, ông Antoine trường Quốc học năm 1928 và ông Bouffier Phó Công sứ tỉnh Quảng Bình năm 1929. Nguyễn Kinh Chi cũng mô tả nhà thám hiểm người Anh Barton đã từng ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của Phong Nha: “Trong động có vẻ đẹp thiên nhiên, lộng lẫy không bút nào nào tả ra được cho đúng, tôi ở đó 15 ngày mà chưa chán. Khách du lịch bước chân vào đấy hình như bước vào một cảnh thần tiên…”.

Dưới bút pháp tả thực, trực quan sinh động của thể loại du ký và cô đọng, chuẩn mực của sách địa dư cũ, có thể thấy Quảng Bình từ lâu đã là vùng đất đẹp và nhiều thắng cảnh của Quảng Bình đã có sức hấp dẫn du khách từ xa xưa…

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất