, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/02/2023, 09:15

Tháng Giêng của nhà nông

THÙY DUNG
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, dân gian hay nói vậy. Thế nhưng, chuyện này giờ không còn phổ biến nữa. Thử lướt các trang báo trong những ngày đầu năm âm lịch Quý Mão sẽ thấy một không khí lao động hừng hực lan tỏa. Từ Nam chí Bắc là cảnh người nông dân nhộn nhịp ra đồng, ngư dân ra biển. Với bà con, những chuyến xuất hành đầu năm mang nhiều ý nghĩa cầu mong mọi sự hanh thông, mùa màng may mắn.
Nông dân phấn khởi ra đồng trong những ngày đầu năm.

“Xông vườn” đầu năm

Tây Nguyên đang vào mùa cao su thay lá. Một rừng cây bạt ngàn không chiếc lá, bên dưới là lớp lá vàng phủ dày mặt đất. Khung cảnh nên thơ như trong phim Hàn. Thế nhưng những chủ vườn cao su lại khá vất vả để dọn dẹp đống lá rụng này. Trong tiết trời se lạnh của Tây Nguyên ngày mùng 5 Tết, ông Bùi Đức Hanh (thôn Trung Tâm, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, lá cao su rụng gần như suốt ngày với mật độ dày, rất dễ bắt lửa nên dù còn đang ăn Tết, ông vẫn tranh thủ vô vườn dọn lá nhằm phòng cháy mùa khô và diệt các bệnh gây hại cho cây. Cũng theo ông Hanh, thời điểm này, nhà vườn cao su nào cũng phải tập trung vệ sinh vườn và dưỡng cây để chuẩn bị cho mùa thu hoạch nhựa mới.

Không chỉ những hộ trồng cao su, các hộ nông dân trồng tiêu cũng “xông vườn” từ rất sớm. Hôm trước vừa cúng tiễn ông bà thì sáng hôm sau - mùng 4 Tết, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu (thôn 7, xã Đắk Wil) đã cắp cơm vào vườn. Bữa ăn trưa mang theo hôm ấy vẫn còn dư vị Tết với bánh chưng, dưa hành, khoanh giò lụa… Vườn tiêu rộng hơn 2ha của gia đình bà Thu đang vào vụ thu hoạch. Những trụ tiêu cao quá đầu nên phải bắc thang để hái. Chân bám chặt vào thang, vừa thoăn thoát hái từng chuỗi tiêu hạt to tròn, căng bóng, bà Thu vừa kể: “Hôm trước Tết, vợ chồng tôi đã hái được một ít. Nay vừa Tết xong là vô vườn hái tiếp chứ để tiêu chín rụng là phải đi nhặt, vừa cực, vừa hao”. “Làm nông mà, cứ đến vụ là phải làm, không làm không được, cây tiêu nó đâu có đợi mình ăn Tết xong rồi mới chín”, chồng bà Thu cười vui tiếp lời.

Mùa thu hoạch tiêu Tây Nguyên sẽ bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 3. Tiêu chín mà không thu hoạch kịp thời sẽ khô, rụng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt cũng như làm giảm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trong vụ sau. Do đó, thời điểm này, hầu hết hộ nông dân trồng tiêu đều tập trung chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Bà Phạm Thị Sáu (thôn Trung Tâm, xã Đắk Wil) phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có hơn 10ha tiêu. Ngay sau khi ăn Tết xong, tôi phải tất bật thuê người để thu hoạch vì tiêu đã chín rộ. Nhờ chăm sóc tốt, đúng thuốc, đúng phân nên tiêu rất sai, chất lượng hạt cao. Năm nay dự kiến vườn tiêu của nhà tôi sẽ cho hơn 7 tấn”. Sau khi thu hoạch, các nhà vườn sẽ lại tiếp tục chăm sóc để cây tiêu “hồi sức”, nào cắt cành, bón phân, làm cỏ... Công việc cứ liên tục, tuần hoàn, không ngưng nghỉ...

Bà Phạm Thị Sáu thăm vườn tiêu.

Nông dân phấn khởi ra đồng

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước, đông đảo người dân cũng ra đồng từ những ngày đầu năm. Không khí Tết như chuyển dần từ nhà ra đồng. Với nhiều người, ra đồng trong ngày đầu năm cũng là một cách gieo niềm hy vọng cho một năm mới bội thu. Mùng 6 Tết, trên trà lúa rộng hơn 2ha của ông Bùi Văn Thống ở ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), máy bơm đã xình xịch dẫn nước vào ruộng. Ông Thống lội giữa đám lúa đương thì con gái, xanh mướt để kiểm tra từ gốc đến ngọn. “Dòm lúa lên tốt thấy mà mê!” - ông Thống phấn khởi. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa, ông Thống cho biết trước, trong và sau Tết là thời điểm sâu, bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp nên trong những ngày Tết ông vẫn thường xuyên thăm đồng để có dấu hiệu gì là ứng phó liền. Ông Thống tự hào chia sẻ: “Nông dân bây giờ tiên tiến lắm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết chăm sóc lúa theo đúng quy trình, đúng thời điểm. Do vậy ăn Tết nhưng không có lơ là đồng ruộng”. Niềm tin vào khoa học đã giúp bà con nông dân hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp, nề nếp hơn hẳn.

Cách đó không xa, ông Bùi Trọng Nhân (ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông) cũng đang đi thăm ruộng lúa của gia đình. Ông Nhân cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha lúa Đông Xuân, giống OM576. Những ngày qua, mặc dù vui xuân nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình lúa. Hiện lúa của gia đình tôi đã được hơn 40 ngày tuổi và phát triển tốt, ít bệnh, sâu rầy không nhiều. Trước Tết, tôi đã phun xịt một đợt thuốc để trị bọ trĩ. Ra Tết, tôi chuẩn bị bón phân cho lúa giai đoạn rước ngọn. Mong sao năm nay mưa thuận, gió hòa để cây lúa cho năng suất, sản lượng cao”.

Tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, thời điểm này, bà con nông dân đã bước vào mùa thu hoạch lúa Đông Xuân. Những cánh đồng trở nên nhộn nhịp. Theo ông Nguyễn Văn Văn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, vụ lúa Đông Xuân năm nay toàn huyện Tri Tôn xuống giống khoảng 41.000ha. Hiện giờ bà con chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đặc sản và áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng lúa gạo. Sau những ngày vui xuân, nông dân đang tập trung thu hoạch lúa. Bà con rất phấn khởi vì năng suất lúa vụ này khá cao, bình quân đạt từ 7 tấn/ha.

Những cánh đồng lúa ở Tri Tôn (An Giang) đang vào mùa thu hoạch.

Đặc biệt, những trà lúa mùa nổi – một trong những giống lúa đặc sản của huyện Tri Tôn được trồng tại 2 xã Vĩnh Phước, xã Lương An Trà năm nay “trúng” đậm. Nhiều hộ nông dân trồng lúa mùa nổi phấn khởi cho biết nước lũ năm nay lớn, lên nhanh và rút chậm nên lúa mùa nổi đạt năng suất cao, có trà đạt 3,8 tấn/ha. Toàn bộ sản lượng lúa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng thu mua với giá cố định 16.000 đồng/kg thông qua Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước. Nhờ đó, nông dân hợp tác trồng lúa mùa nổi đạt thu nhập khoảng 5 triệu đồng/công 1.000m2, hiệu quả cao hơn nhiều so canh tác lúa cao sản thông thường. Ông Nguyễn Văn Văn cho biết dự kiến địa phương sẽ thu hoạch rộ trong tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng 2 là thu hoạch dứt điểm vụ lúa Đông Xuân.

Mùa xuân về, mọi miền đất nước đều ngập tràn trong âm thanh và sắc màu của hàng trăm lễ hội lớn nhỏ. Nhà nông thời @ vẫn vui xuân nhưng không xao lãng đồng áng. Tháng Giêng giờ lại là khoảng thời gian bà con tất bật với nương rẫy, đồng áng bởi là điểm khởi đầu cho một tinh thần mới, nguồn động lực mới, khí thế mới để có một tương lai mà ngày nào cũng vui như Tết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất