, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 03/10/2020, 08:09

Thanh long chuỗi - dễ mà khó?

Theo KIỀU HẰNG (baobinhthuan.com.vn)

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kết thúc năm 2020, những nốt thăng trầm, trồi sụt của giá cả thanh long vẫn khiến nông dân thấp thỏm quanh mùa. Bài toán ổn định đầu ra, giá cả nông sản tưởng chừng như dễ, nhưng lại ràng buộc những rào cản kỹ thuật khiến không phải ai cũng làm được… 

 

Anh Trần Quốc Thắng giới thiệu thanh long GlobalGAP của trang trại.
Anh Trần Quốc Thắng giới thiệu thanh long GlobalGAP của trang trại.

Chuỗi… bao tiêu

Những ngày đầu tháng 10, thanh long cuối vụ mùa rộ chín ở Hàm Thuận Nam. Dọc tuyến quốc lộ, đi sâu vào tận vùng thanh long dưới chân núi Tà Cú, thanh long chín đỏ đang được thu hoạch, vận chuyển đến các cơ sở thu mua khẩn trương. Đúng vào dịp Tết Trung thu, lại rơi vào thời điểm giao mùa giữa vụ mùa và chong đèn, nên thanh long có giá tương đối cao, bình quân ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg. Đó là niềm vui, an ủi lớn cho những nông dân đúng vào dịp thu hoạch trái chín.

Tôi đi cùng một người quen vào tận vùng thanh long sát chân núi Tà Cú, thuộc thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh. Gặp gỡ  anh Trần Quốc Thắng- chủ trang trại thanh long Hùng Linh. Anh Thắng vừa là người trồng thanh long, vừa thu mua theo chuỗi liên kết với nông dân và trực tiếp xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Mỹ, châu Âu, Úc. Ngắm nhìn 20 ha thanh long đang kỳ quả xanh của trang trại, khoảng 1 tuần nữa sẽ thu  hoạch, anh Thắng chia sẻ rằng, toàn bộ diện tích thanh long ruột trắng được chăm sóc theo chuẩn GlobalGAP, với hơn 20 công nhân lao động, ăn ở tại chỗ. Đây cũng là nơi tập trung sơ chế thanh long sau khi doanh nghiệp đi thu mua của các trang trại, hộ gia đình theo liên kết chuỗi với diện tích khoảng 150 ha.

Trang trại Hùng Linh trồng thanh long từ năm 2006 và  thực hiện liên kết chuỗi từ năm 2012 đến nay với các nhà vườn với giá thu mua ổn định từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Các trang trại, hộ gia đình liên kết thu mua với doanh nghiệp gồm trang trại thanh long Hoàn Mỹ (Thuận Quý), hộ anh Dương Hồng Sơn (Tân Tiến), anh Trần Phi Hùng (Hàm Minh)... Qua đó, giúp nông dân yên tâm sản xuất và không lo lắng đầu ra sản phẩm. Đổi lại, người trồng thanh long buộc phải đảm bảo chất lượng trái, tuyệt đối không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Về phía doanh nghiệp, do yêu cầu các đơn hàng phải đáp ứng có nguồn hàng thường xuyên, đảm bảo các yêu cầu về rào cản kỹ thuật như chiếu sạ, gia nhiệt và tuyệt đối không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, doanh nghiệp đã đầu tư máy móc sơ chế, kho trữ lạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Xuất khẩu chính ngạch

Để tiêu thụ thanh long ổn định sau khi làm ra vốn dĩ là bài toán khó đối với tất cả nông dân và sở ngành liên quan. Đây cũng là nút thắt, dẫn đến sự trồi sụt giá ngoài tầm kiểm soát của nông dân, khiến hiệu quả sản xuất không như mong muốn. Xác định được điều này, chủ trang trại thanh long Hùng Linh đã tìm kiếm thị trường để tiêu thụ chính ngạch. Hiện tại doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu chính ngạch thị trường châu Âu, Mỹ và Úc, bình quân mỗi năm doanh nghiệp tiêu thụ từ 1.500 - 2.000 tấn (thông qua công ty xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh). Riêng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc được bán cho doanh nghiệp thu mua Sơn Trà (Hàm Thuận Nam) khoảng 2.000 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của doanh nghiệp khoảng 400 - 600 triệu đồng/năm.

Từ chuỗi liên kết hiện tại, anh Thắng chia sẻ: Bản thân anh rất muốn xây dựng liên kết chuỗi, thu mua của nhiều hộ gia đình để tạo điều kiện cho nông dân có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, các nhà vườn phải tuân thủ theo phương thức canh tác an toàn mà trang trại đưa ra. Nhất là ở thị trường Mỹ, các đơn hàng chỉ yêu cầu hàng nhỏ 10 trái/kg và 8 trái/3 kg ở thị trường châu Âu (380gr đến 780 gr/trái). Đặc biệt, yêu cầu trái phải đạt chất lượng GlobalGAP, tuyệt đối không bị dư lượng. Nếu phát hiện dư lượng, buộc doanh nghiệp phải hủy đơn, nông dân phải đền tiền cước vận chuyển máy bay ở thời điểm hiện tại khoảng 5 USD/kg. Đây là điều kiện ràng buộc khi liên kết, nên không phải hộ sản xuất nào cũng đáp ứng được.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến nay diện tích thanh long toàn tỉnh đã lên đến 32.665 ha. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và kết nối được 11 chuỗi cung ứng thanh long an toàn với sản lượng 88.975,0 tấn sản phẩm. Dự kiến đến cuối năm 2020 xây dựng, kết nối thêm 4 chuỗi/13.000 tấn. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa được ổn định, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Một bộ phận người sản xuất chưa có ý thức đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm… Chính vì vậy, việc vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP, thanh long hữu cơ để mở rộng thị trường châu Âu là những việc làm rất cần thiết ngay thời điểm này, nếu nông dân muốn có giá cả và đầu ra ổn định khá.

Sản xuất thanh long theo chuỗi, lợi ích đã thấy rõ, nhưng vẫn khó với nhà vườn thanh long.

Theo KIỀU HẰNG (baobinhthuan.com.vn)

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất