, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 21/09/2022, 07:56

Thất thoát dinh dưỡng và lãng phí thực phẩm đe dọa an ninh lương thực của Trung Quốc

LÊ KIÊN
(Tổng hợp)
Cơ quan nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu của Trung Quốc cho biết, nước này cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng thất thoát chất dinh dưỡng và lãng phí thực phẩm nếu muốn đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 1,4 tỷ dân của mình.
Trung Quốc đang bị đe dọa bởi tình trạng thất thoát chất dinh dưỡng do quá trình chế biến, đóng gói, xử lý và vận chuyển. (Ảnh: Tân hoa xã)

Các nhà chức trách Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng cường tuyên truyền xung quanh vấn đề bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tuyên bố cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm vào hồi tháng 8/2020.

Đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè và hạn hán trong vài tháng trở lại đây đã một lần nữa đưa vấn đề an ninh lương thực trở thành tâm điểm chú ý. Nông dân và chính phủ Trung Quốc đang lo lắng về sản lượng vụ thu hoạch sắp tới trong bối cảnh nhiều cánh đồng lúa và ngô cũng như các trang trại nuôi trồng thủy sản đều lâm vào tình cảnh thiếu nước. 

Bên cạnh vấn đề mùa màng liên quan đến thời tiết, một nghiên cứu mới của Học viện khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) cũng chỉ ra mối đe dọa an ninh lương thực do mất đi các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thông qua quá trình chế biến, đóng gói, xử lý và vận chuyển.

Các nhà chức trách Trung Quốc thúc đẩy người dân áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Hình ảnh công nhân đang phân loại và làm sạch rau ở Shufu thuộc khu tự trị Tân Cương. (Ảnh: Tân hoa xã)

Thất thoát chất dinh dưỡng và lãng phí thực phẩm 

Báo cáo do CAAS công bố vào cuối tuần qua cho biết, sự thất thoát chất dinh dưỡng hàng năm của Trung Quốc trên toàn hệ thống thực phẩm có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của khoảng 190 triệu người, tương đương 13,6% dân số.

Mei Xurong – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu cho biết, việc người Trung Quốc tiêu thụ ngũ cốc vốn không phải là lương thực chính, bao gồm rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa là không đủ và việc chế biến quá mức đã gây nên tình trạng mất dinh dưỡng. 

“Trung Quốc nên thúc đẩy các hệ thống sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo định hướng dinh dưỡng”, tờ China Science Daily dẫn lời ông Mei Xurong. 

Trong khi kêu gọi mọi người giảm tình trạng lãng phí thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”, nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, các nhà chức trách nên thúc đẩy một chế độ ăn uống lành mạnh hơn bao gồm ngũ cốc thô, sản phẩm thủy sản và thịt nhạt màu như thịt gia cầm, thỏ, bê, lợn… Thông điệp về lãng phí thực phẩm phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng của các nhà hoạch định chính sách về tính bền vững của sản xuất lương thực, đặc biệt là ngũ cốc.

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine đã khiến cho giá nhập khẩu ngũ cốc và phân bón tăng cao, trong khi sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Các vùng sản xuất lúa chính bao gồm Tứ Xuyên, Trùng Khánh và một số tỉnh dọc theo sông Dương Tử đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng kể từ tháng 8.

An ninh lương thực là điều cần thiết đối với cái gọi là “chiến lược vòng tuần hoàn kép” của Bắc Kinh, nhằm khai thác tiềm năng của thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc và dựa vào sự đổi mới bản địa trên nhiều lĩnh vực kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Tình trạng lãng phí đồ ăn ở đất nước 1,4 tỉ dân đã khiến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải ra tuyên bố cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. (Ảnh minh họa: RC)

Các mối quan tâm lớn đối với an ninh lương thực của Trung Quốc

Về nông nghiệp, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách phục hồi ngành công nghiệp hạt giống, bảo tồn ít nhất 120 triệu héc-ta đất nông nghiệp và đặt ra các mục tiêu cho chính quyền địa phương về sản xuất ngũ cốc và rau quả.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng ngũ cốc trong nước bao gồm gạo, lúa mì, đậu tương và ngô đạt mức cao kỷ lục 682,9 triệu tấn vào năm ngoái. Mặc dù có khả năng tự cung cao về lúa mì và gạo - 2 loại lương thực chính trên bàn ăn của người Trung Quốc, tuy nhiên vào năm ngoái, nước này cũng đã nhập khẩu hơn 80% đậu nành và hơn 10% ngô.

Khi áp lực sản xuất ngũ cốc trong nước ngày càng tăng, các phương pháp tiếp cận mới đang được chính quyền thảo luận và triển khai một cách kỹ lưỡng. 

Ngoài ra Trung Quốc cũng quan tâm đến vấn đề ngăn chặn tình trạng lãng phí lương thực thực phẩm. Theo ước tính, việc lãng phí lương thực thực phẩm ở Trung Quốc lên tới khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 28,5 tỷ USD) mỗi năm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất