, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 24/12/2016, 08:41

Thay "áo mới" cho mô hình hợp tác xã nông nghiệp

MINH TÙNG

Châu Âu hiện có gần 290.000 HTX với 140 triệu thành viên. Trong đó, Đức là một trong những quốc gia đi đầu với sự xuất hiện HTX ở châu lục này từ thập niên 1940. Tuy cơ cấu kinh tế của Đức có nhiều thay đổi, ngành công nghiệp và dịch vụ lấn lướt kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nhưng HTX Đức vẫn hoạt động hiệu quả, bền vững. Bí quyết và cũng là nguyên tắc kinh doanh quan trọng nhất trong hệ thống HTX tại Đức là “Quy mô là lợi thế, sỉ tốt hơn lẻ”. Nhờ đó mà các thành viên trong HTX cũng chính là khách hàng chủ yếu. Quy tắc vào HTX là phải có quyền lợi đã hấp dẫn và gắn chặt các thành viên lại, khiến HTX tại đây rất gắn kết.

Ở Mỹ, Blue Diamond là HTX của những người trồng hạnh nhân, chiếm khoảng 1/3 thị phần thế giới - Ảnh: SACBEE
Ở Mỹ, Blue Diamond là HTX của những người trồng hạnh nhân, chiếm khoảng 1/3 thị phần thế giới - Ảnh: SACBEE

HTX không chỉ là nơi cung cấp sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mà còn cung cấp sản phẩm là dịch vụ nhằm hỗ trợ năng suất của các thành viên. Trong đó có thể kể đến các dịch vụ: thủy lợi, điện, hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc; tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới; cung cấp nhà kho, bảo quản đông lạnh, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ tài chính (vay vốn, bảo hiểm). Bên cạnh đó còn có các HTX cung cấp các dịch vụ khác như: làm đất, cung cấp máy nông nghiệp, dụng cụ lao động, vật tư chuồng trại, xăng dầu, chất đốt. Ngoài ra, các thành viên trong HTX còn linh động cung cấp thêm những dịch vụ bảo đảm chất lượng sản phẩm ở mức tối ưu như quản lý chợ, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ vật liệu xây dựng, dịch vụ sấy khô, đóng gói sản phẩm… Ý thức được việc phải cạnh tranh trước làn sóng các mặt hàng đến từ các thương hiệu tên tuổi, đứng ngoài HTX, các HTX phải nghĩ đầu ra cho các mặt hàng của thành viên bằng cách tư vấn tiếp cận thị trường, tăng giá trị thương mại của sản phẩm, đa dạng hóa các hình thức mặt hàng của cùng một sản phẩm. Ngoài ra, nắm bắt xu hướng chung của thế giới, các HTX đưa ra định hướng cho nông dân, ví dụ, hướng đến thực phẩm sanh-xạch. Một vòng tròn khép kín với từ đầu vào đến đầu ra giúp các HTX có thể tập trung vào việc sản xuất đúng sản phẩm cần thiết. Thu nhập của HTX đến từ việc thu phí dịch vụ đầu vào và đầu ra khi cung cấp các dịch vụ cho thành viên và HTX luôn cân đối mức thu để tránh gây áp lực tài chính cho các thành viên.

            Với vai trò là “cái nôi” của mô hình HTX trên thế giới, Phần Lan chú trọng đến hoạt động của HTX đến mức, gần như mỗi người dân nước này đều có liên hệ với HTX trong một hay nhiều lĩnh vực của đời sống. HTX ở Phần Lan gắn bó với nhiều ngành nghề, từ công nghiệp lương thực đến ngân hàng, bảo hiểm, nông nghiệp đến dịch vụ bán lẻ. Để củng cố mô hình HTX, Phần Lan không ngừng cập nhật những kiến thức mới cho người tiêu dùng, giáo dục kiến thức về các tiêu chuẩn sản phẩm cho họ, từ đó dẫn dắt họ hướng đến sử dụng các sản phẩm mà HTX cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn ấy. Ở Mỹ hiện có 50.000 HTX hoạt động, trong đó số HTX nông nghiệp là 3.500. Một trong những đặc điểm quyết định sự thành công của các HTX ở Mỹ là đi theo hướng chuyên ngành. Ví dụ, Blue Diamond là HTX của những người trồng hạnh nhân, chiếm khoảng 1/3 thị phần thế giới, Sunmaid là HTX chế biến nho khô, Ocean Spray là HTX trồng việt quất. Chính sự liên kết mạnh mẽ này tạo nên sức cạnh tranh lớn cho họ.

Các HTX của Đức tận dụng các buổi hội thảo, triển lãm nông nghiệp nhằm giới thiệu đầu ra cho sản phẩm của thành viên - Ảnh: agro.mashovgroup.net
Các HTX của Đức tận dụng các buổi hội thảo, triển lãm nông nghiệp nhằm giới thiệu đầu ra cho sản phẩm của thành viên - Ảnh: agro.mashovgroup.net

            Ở Nhật Bản, một trong những quốc gia đi đầu trong hiện đại hóa nông nghiệp, HTX chia làm hai nhóm: HTX nông nghiệp và HTX tiêu dùng. Liên hiệp các HTX quốc gia Nhật Bản (BEN-NOH) chính thức được thành lập năm 1972 với nhiệm vụ được giao là phát triển nông nghiệp, nông thôn. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của HTX nông nghiệp Nhật Bản là hợp tác trong phân phối, không hợp tác trong sản xuất. Hai nhiệm vụ chính của HTX nông nghiệp là: cung cấp cho nông dân các yếu tố đầu vào như trang thiết bị, kỹ thuật, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi và tiếp theo là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. HTX nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính với 90% lúa gạo, trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi. Xác định nông nghiệp là ngành chủ chốt, chính phủ Nhật Bản định hướng xã hội hóa ngành nông nghiệp và yêu cầu các ngành phải hỗ trợ HTX.

            Mô hình HTX tưởng chừng đã cũ nhưng qua cách tiếp cận mới mẻ đã trở thành một trong những “công cụ” hữu ích, khuyến khích ngành nông nghiệp phát triển dựa trên tiêu chí hỗ trợ tối đa, cùng làm cùng có lợi, mở ra một xu hướng HTX hiện đại mà bất cứ quốc gia nào cũng có thể cân nhắc áp dụng.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất