, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/02/2021, 08:02

Thế giới quan tâm hơn đến nông nghiệp

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Sau hơn một năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá, thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải. Đó là tình trạng dịch bệnh tiếp tục lây lan, ngành y tế bị quá tải trầm trọng; kinh tế bị suy thoái và nạn thất nghiệp gia tăng; nạn đói đang trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn đối với rất nhiều người trên khắp hành tinh. Trong bối cảnh nói trên, nhiều nhà hoạch định chính sách đang quan tâm hơn đến nông nghiệp như một lĩnh vực có thể giúp xử lý nhiều vấn đề mà đại dịch gây ra.

Hình minh họa.

Sự quan tâm hơn của thế giới đến nông nghiệp là điều khá dễ hiểu

Trước hết, không có nông nghiệp thì không có an toàn lương thực, thực phẩm. Không có an toàn lương thực thực phẩm thì không thể có ổn định xã hội. Không có ổn định xã hội không thể có điều kiện để chống đại dịch Covid-19 thành công; không thể có điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, phát triển nông nghiệp là cần thiết để đối mặt với nguy cơ thiếu đói đang lan rộng. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về “Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” cho thấy đến cuối năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm cho 130 triệu người trên khắp hành tinh rơi vào tình trạng thiếu đói. Điều đáng nói, con số khổng lồ này chỉ là các nạn nhân mà đại dịch bổ sung thêm vào cho 690 triệu người đã rơi vào tình trạng thiếu đói kinh niên kể từ năm 2019. Tình trạng này chắc chắn sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng, nếu nền nông nghiệp cũng tiếp tục bị chìm sâu vào suy thoái. Hiện nay, nhiều người cho rằng, lương thực, thực phẩm đang có đủ để đáp ứng nhu cầu cho tất cả mọi người trên hành tinh. Vấn đề chỉ là khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm là không đồng đều. Những người nghèo, những người thất nghiệp tiếp cận với lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Tuy nhiên, những người này tiếp cận lương thực, thực phẩm sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều, nếu các nhà hoạch định chính sách không quan tâm đầy đủ đến việc đầu tư để phục hồi và phát triển nông nghiệp. Điều dễ hiểu là một sự thiếu hụt về lương thực, thực phẩm cho dù rất nhỏ cũng sẽ đẩy giá cả tăng cao đột biến. Mà như vậy thì việc tiếp cận của người nghèo, người thất nghiệp sẽ còn khó khăn hơn gấp bội, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô vọng.

Để có những phản ứng chính sách phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp, quan trọng là phải nhận biết đại dịch Covid-19 đã tác động đến hệ thống lương thực, thực phẩm như thế nào? Theo Báo cáo của Tổ chức OECD, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân và những người làm nông nghiệp khác.

Thứ nhất, sự hạn chế đi lại vì dịch bệnh đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần nhiều lao động mùa vụ. Sự thiếu hụt lao động này tất yếu dẫn đến việc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp sẽ không kịp thời. Các sản phẩm nông nghiệp mang tính mùa vụ sẽ bị tổn thất. Sự thiếu hụt cung trên thị trường sẽ xảy ra.

Mặt khác, do sự đứt gãy của hệ thống giao thông và logistics, nhiều sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng. Điều này gây sức ép lên hệ thống kho bãi, nhà chứa và làm phát sinh chi phí. Ngoài ra, ở đây, các sản phẩm nông nghiệp lại có thể bị hư hỏng, bị tổn thất thêm một lần nữa. Chi phí và tổn thất phát sinh làm giảm đáng kể thu nhập của các chủ trang trại, các nông dân.

Thêm vào đó, do việc lưu chuyển khó khăn vì dịch bệnh, các vật tư đầu vào cho nông nghiệp cũng bị thiếu hụt và tăng giá. Điều này cũng làm cho sản xuất nông nghiệp đắt đỏ hơn và thu nhập của nông dân bị giảm sút.

Thứ hai, tác động lên nông nghiệp là sự thay đổi cầu của người tiêu dùng. Phần lớn các nền kinh tế đang bị suy thoái vì đại dịch Covid-19. Theo tính toán của Tổ chức OECD, cứ mỗi tháng áp dụng các biện pháp để khống chế dịch bệnh sẽ làm giảm sản phẩm đầu ra tương đương với khoảng 2% GDP. Điều này tất yếu sẽ làm giảm tổng cầu và tăng thất nghiệp. Trong bối cảnh đó, cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ giảm. Mức giảm cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp ở các nước phát triển sẽ ít hơn. Nhưng mức giảm cầu ở một số nước, đặc biệt là các nước nghèo sẽ rất lớn. Cầu giảm thì nhiều sản phẩm nông nghiệp, trước hết là các sản phẩm ở phân khúc cao, phân khúc được bổ sung giá trị bởi các dịch vụ sẽ không có thị trường.

Cầu về các sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có sự thay đổi rất lớn. Các sản phẩm thường được tiêu thụ ở nhà hàng, nhà ăn tập thể, trường học sẽ bị giảm cầu vì các lệnh đóng cửa nhà hàng, trường học và lệnh giãn cách xã hội. Các sản phẩm mua ở siêu thị để về nấu ăn ở nhà sẽ tăng cầu. Những thay đổi này ban đầu là bắt buộc, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của công chúng. Sự thay đổi cơ cấu tiêu dùng này chắc chắn sẽ tác động lên cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề cung cấp dịch vụ có liên quan.

Thứ ba, tác động lên nông nghiệp còn là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. Các biện pháp được đưa ra để khống chế sự lây lan của dịch bệnh đang cản trở việc vận hành của chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. Sự thiếu hụt lao động cộng với các biện pháp phòng chống dịch (như giãn cách, mua sắm các vật tư, thiết bị phòng chống dịch), cũng làm cho chi phí của ngành lương thực, thực phẩm tăng cao. Tất cả những điều này, cuối cùng đều tác động đến nông nghiệp. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng sẽ tác động đặc biệt tiêu cực đến thị trường rau quả và các sản phẩm nông nghiệp khó bảo quản khác.

Trong bối cảnh nói trên, một chuỗi cung ứng mạnh mẽ, nhưng mềm dẻo - từ trang trại đến người tiêu dùng- là rất quan trọng để vận hành hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm. Các giải pháp được Tổ chức OECD đề ra ở đây là:

1. Bảo đảm các thị trường quốc tế về nông nghiệp và lương thực, thực phẩm phải mở, phải minh bạch và dự đoán trước được. Để làm được điều này quan trọng là phải cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường; tránh các giải pháp hạn chế thương mại; mở cửa thị trường trong nước, thị trường vùng và thị trường quốc tế.

2. Hạn chế đến tối thiểu chi phí thương mại của các giải pháp khống chế dịch Covid-19. Bảo đảm các giải pháp được đưa ra tương ứng với rủi ro của dịch bệnh, không làm đứt gãy thương mại một cách không cần thiết; chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép: vừa khống chế dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

3. Xử lý vấn đề thiếu hụt lao động trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. Coi việc thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là một vấn đề cấp thiết; giảm bớt các quy định cứng nhắc về việc thuê mướn, tuyển dụng lao động nông nghiệp thời vụ; tìm cơ hội cho các chủ trang trại thuê mướn các nguồn lao động thay thế như từ lĩnh vực dịch vụ, từ sinh viên; bảo đảm an toàn và sức khỏe cho lực lượng lao động nông nghiệp.

4. Hỗ trợ sự luân chuyển của các sản phẩm nông nghiệp, kể cả qua các kênh thay thế. Cải thiện hệ thống logistics; tìm kiếm cách thức bảo đảm các mối liên kết vận tải; hợp tác với tư nhân để xử lý những ách tắc trong chuỗi cung ứng…

Tóm lại, đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nông nghiệp. Quan tâm hơn đến nông nghiệp là định hướng chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là điều kiện tiên quyết để vừa chống dịch, vừa bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, bảo đảm ổn định và an toàn xã hội.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Ninh Bình có một địa danh khác mà ngàn năm nay vẫn luôn là chốn cho bao thế hệ làm thơ: núi Thúy sông Vân…


Dù là hàng nhập khẩu chính ngạch nhưng dâu tây Trung Quốc khi bán lẻ lại bị tiểu thương đổi xuất xứ thành hàng Đà Lạt tại TP.HCM.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất