, //, :: GTM+7

Theo chân vịt đàn

TRƯƠNG THÚY
Đàn vịt trắng ước đến vài trăm con đang cần mẫn mò mẫm trên cánh đồng. Cánh đồng sau cơn mưa, nước loang loáng gốc rạ. Chẳng biết có nhiều cá tôm, có lắm cua ốc không mà đàn vịt chăm đến thế? Chúng cứ cúi đầu, dúi mỏ xuống mà khua khoắng khắp mặt ruộng, vừa mò vừa cạp cạp trò chuyện, kêu gọi hay than vãn gì chẳng biết mà rộn rã cả lên. Chúng chăm chỉ mò hết ruộng nọ rồi lại rủ nhau tràn sang ruộng kia.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lúa đã được gặt từ cuối tháng trước, bây giờ cánh đồng chỉ còn gốc rạ, lưa thưa mạ non mọc từ những hạt thóc rơi rụng còn sót lại. Bởi vậy, đàn vịt tha hồ dàn hàng tung tăng khắp cánh đồng mà người chăn cũng chẳng phải lo lắng điều gì. Chúng ồn ã ở mấy khoảnh ruộng ngay sát đường đi khiến tôi phải dừng xe khi đang ngang qua đó. 

Ngày xưa nhà tôi cũng nuôi vịt đàn. Những buổi không đi học, tôi theo cha đi chăn vịt, cho chúng kiếm ăn dọc những con mương. Tôi một bên bờ, cha một bên bờ. Mỗi người sẽ cầm một cái cây dài gần hai mét, đầu cây buộc một chùm vải đã cắt tua rua để lùa vịt. Lúc lúa chưa gặt, cứ phải để mắt tới chúng luôn bởi chúng chỉ chờ thời cơ mình lơ đi một chút là mon men lên bờ bứt những bông lúa đang trĩu căng rủ xuống mời gọi. Một con ăn được, kiểu gì cũng kêu ầm lên báo cho cả đàn biết. Tôi vội chạy tới, giơ chiếc cây đuổi ra, xua chúng quay trở lại mương. Mình không nhanh, chúng kéo nhau sà cả vào ruộng lúa là vừa mệt vừa áy náy với chủ ruộng. 

Thích nhất là chăn vịt lúc cánh đồng sau mùa thu hoạch, không phải canh chúng phá lúa, tôi có thể một mình trông chừng chúng để cha về làm việc nọ việc kia. Chiều đến, cha ra cùng tôi lùa vịt về, có khi mình tôi lùa về cũng được.

Sau mùa gặt, đàn vịt được phép tràn lên cánh đồng, đi mò những hạt thóc rụng còn sót lại trong những vũng nước trên ruộng hay những con cua con ốc. Chúng đi đến đâu, ruộng nước đục ngầu tới đó. Có khi chúng đuổi theo những con châu chấu, cào cào, muồng muỗng trên ruộng. Vừa đuổi vừa há mỏ kêu to loạn xạ “cạc cạc”, “cạc cạc” như kiểu để uy hiếp tinh thần của con mồi. Tưởng như lũ vịt lạch bạch chẳng bao giờ có thể bắt được những con côn trùng nhỏ bé có đôi cánh màu xanh bay rất nhanh kia. Nhưng không. Chúng đông, trùng trùng vây đuổi, những con mồi bay trốn mãi cũng mệt, không bị lọt vào miệng tên vịt này thì cũng bị mụ vịt kia xơi tái.

Chừng nào no nê chán chê, chúng sẽ đứng lên dọc bờ ruộng rỉa lông rỉa cánh. Có con còn tranh thủ co một chân lên lim dim đôi mắt ngủ gà ngủ gật, có con thì nằm xuống, quay đầu gối lên thân, giấu chiếc mỏ vào đám lông mà mơ màng nhắm mắt.

Những lúc như vậy tôi rảnh tay nhất. Có khi tôi tha thẩn dọc theo các bờ ruộng để móc cua. Bữa nào cha con tôi đi chăn vịt, mẹ tôi chẳng dúi cho cái giỏ tre đeo lủng lẳng bên hông: gặp con cua, con ốc thì bỏ vào đó. Mẹ tôi dặn vậy. Khi về, kiểu gì chẳng được ít cua ốc. Cua nhiều thì giã luôn nấu canh, ít thì cứ sống vào chiếc thùng, vài bận sẽ được một bữa. Còn ốc, nhiều nhiều mẹ sẽ luộc lên, khêu lấy ruột nấu chuối xanh với tóp mỡ. Cứ nghĩ đến món chuối xanh nấu ốc thơm ngậy hấp dẫn là tôi lại chăm chỉ lội ruộng để bắt.

Đối với một đứa trẻ miền quê của một thời nghèo khó, để động viên, “dụ dỗ” không gì hiệu quả hơn bằng việc đưa cho chúng một món ăn mà chúng yêu thích. Tôi cũng không ngoại lệ. Món ốc nấu chuối xanh, tóp mỡ mà mẹ hứa hẹn đã làm tôi say sưa lội hết ruộng nọ đến ruộng kia, bắt từng con ốc quên cả thời gian. Để đến khi ngẩng lên mới hoảng hốt vì trời không còn sớm, vội vàng lùa đàn vịt về.

Nhớ có lần thả vịt, tôi và mấy đứa bạn trong xóm rủ nhau đuổi bắt châu chấu. Thực ra bắt châu chấu thì ít mà đùa nghịch thì nhiều. Chỉ có thằng Tí là chịu khó nhất đám, nó như con cò dò dẫm từng bước để bắt từng con ốc con cua. Người nó cúi xuống mặt ruộng cứ như sợ ngẩng lên sẽ để xổng mất con mồi. Bỗng nó reo lên: “A, chúng mày ơi, tao bắt được quả trứng vịt này”. Cả bọn đổ xô tới vây quanh thằng Tí, những con mắt dồn cả vào quả trứng to còn ướt nằm trên tay nó. Rồi có đứa chốt: “Trứng vịt này chỉ của vịt nhà cái Gái đẻ rơi thôi. Mày phải trả lại nó”.

Tôi nhìn thằng Tí với cái nhìn chờ đợi. Thằng Tí vẫn cầm chắc quả trứng trong tay, rõ ràng nó không có ý định trả lại. Nó lí nhí nói với tôi: “Mày cho tao được không? Mẹ tao đẻ em bé, mấy ngày nay toàn ăn rau”. Tôi lưỡng lự vài giây rồi gật đầu, chạy ra chiếc giỏ để đầu bờ của mình lấy luôn ba quả trứng nữa đưa cả cho thằng Tí, tự nhiên lúc đó lại ước vịt nhà mình đẻ rơi nhiều hơn chút nữa. Tự nhiên thằng Tí có thêm mấy quả trứng mà lại rớm nước mắt. 

Vậy mà vèo cái đã mấy chục năm trôi qua. Hình ảnh cô bé đen nhẻm đi theo đàn vịt giữa cánh đồng xưa kia chỉ còn lại trong kí ức. Còn đàn vịt hiện tại… Tôi mở điện thoại, chụp một tấm hình đàn vịt trắng tự do giữa cánh đồng lơ thơ mạ non xanh, đăng lên facebook với dòng trạng thái vui vẻ: “Chăn vịt đàn, ngày xưa ai đã từng?” Tự mỉm cười, kiểu gì bạn bè ở quê lại chẳng vào rôm rả bao chuyện ngày xưa!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất