, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 14/01/2023, 07:00

Thị dân Hàn muốn làm... nông dân trẻ

MAI QUỲNH
(theo Economist)
Khi Kim Ji-un sống ở Seoul, cô ấy lo lắng về việc tìm một công việc tốt và một nơi ở tử tế. Giờ đây, cô lo rằng liệu hạn hán có thể ảnh hưởng đến việc trồng khoai tây và ngô hay không. Cô gái 23 tuổi này và chị gái bắt đầu làm nông trại vào năm ngoái ở Nonsan, một thành phố thuộc tỉnh Nam Chungcheong. Vụ thu hoạch đầu tiên của cô đã thành công tốt đẹp và Kim Ji-Un ngạc nhiên rằng đậu nành đen đã mang lại hiệu quả tốt hơn dâu tây.
Hình minh họa. (Nguồn: Aboutamazon)

Khi Lee Jae-hun, 39 tuổi, chuyển khỏi ngôi nhà ở thị trấn nhỏ của mình ở Bắc Jeolla để trở thành bác sĩ, anh ấy chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ trở về quê để lập nghiệp, chứ chưa nói đến việc trở thành một nông dân.

“Dù có một sự nghiệp thành công, tôi ngày càng cảm thấy mệt mỏi với những áp lực cao của cuộc sống thành phố,” Lee nói. “Cuối cùng khi tôi thừa nhận với bản thân rằng mình không hạnh phúc, tôi bắt đầu xem xét một sự nghiệp khác, bên ngoài đô thị.” Lee hiện có một trang trại trồng nấm tại một thị trấn nông nghiệp nhỏ ở quận Muju, Bắc Jeolla.

Chị Kim hay anh Lee là một phần của hiện tượng được gọi là kwichon, hay “trở về cuộc sống nông thôn”. Được đặt ra cách đây một thiên niên kỷ, thuật ngữ này xuất hiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn, khi cư dân thành phố buộc phải chuyển về quê hương của họ, thường là để làm nông. Trước đại dịch, nhiều “nông dân mới” như chị Kim có thể chưa từng sống ở quê bao giờ. Giờ đây, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích họ. Điều này làm “lay động” xu hướng đổ xô đến thủ đô Seoul của người Hàn Quốc và kwichon được coi là một cách để hồi sinh các vùng nông thôn đang bị thu hẹp. Bằng cách khuyến khích những người nông dân trẻ lập nghiệp ở các vùng nông thôn trong thời điểm hiện tại, chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ gặt hái được những phần thưởng lớn trong tương lai.

Kế hoạch của chính phủ đang hoạt động tốt. Năm 2021, gần 380.000 người chuyển đến nông thôn. Gần một nửa trong số họ trẻ hơn tuổi 40, và đây là mức cao kỷ lục.  So với những người đi trước, thế hệ mới của Hàn Quốc ít quan tâm hơn đến việc kiếm được chỗ làm tại một trong những chaebol danh tiếng của Hàn Quốc , chẳng hạn như Hyundai hoặc Samsung.

Chae Sang-heon, Giáo sư tại Đại học Yonam ở tỉnh Nam Chuncheong, cho biết một số người trẻ không muốn có cuộc sống giống như cha của họ - những người  “không làm gì ngoài công việc”. Những người khác có cái nhìn không tươi sáng về triển vọng công việc ở thành thị và cho rằng họ “biết mình sẽ không bao giờ thành công như cha của họ”.

Lee Seon-hwa, 38 tuổi, cho biết cô quyết định bỏ công việc thiết kế cấp cao tại một công ty nội thất khi nhận thấy cơ hội cải thiện doanh số bán hàng cho một hiệp hội nông nghiệp ở quê hương Jukshin, Nam Jeolla.

Cô trồng lúa mạch vào ban ngày và thiết kế sản phẩm vào buổi tối, những nét hiện đại của Lee trong thiết kế bao bì kết hợp với các chiến lược tiếp thị trực tuyến đã mang đến thành công ngay lập tức.

Theo ông Cho Kyung-ik, Giám đốc Trung tâm “Học làm Nông dân mới”, một tổ chức trực thuộc chính phủ chuyên đào tạo những người muốn học kwichon có văn phòng gần khu Gangnam (một khu vực sang trọng của Seoul), người trẻ có lợi thế khi bắt đầu sự nghiệp làm nông dân mới vì họ khá thoải mái khi cần vận dụng công nghệ số. Họ bán sản phẩm tươi sống trên Instagram và Naver, công cụ tìm kiếm lớn nhất của Hàn Quốc.

Trung tâm này cũng dạy các kỹ thuật mà giới trẻ Hàn Quốc có xu hướng ít quen thuộc hơn như cách sử dụng máy kéo hoặc chọn những loại cây tốt nhất. Họ sắp xếp một khoảng thời gian để người học thử nghiệm ở vùng nông thôn, trong thời gian này, những người nông dân tham vọng sống và làm việc dưới sự huấn luyện của một nông dân lão luyện, học ý nghĩa của việc lao động chân tay từ bình minh đến tối. Ông Cho nói rằng thời gian thử nghiệm sẽ thúc đẩy cơ hội chuyển đổi thành công.

Bài học quan trọng nhất trong giáo trình là làm thế nào để hòa nhập với người dân địa phương. Đời sống ở nông thôn có tính cộng đồng hơn, và những người mới đến được mong đợi sẽ từ bỏ lối sống đô thị nguyên bản của họ. Những người dân trong làng cũng được cung cấp những lời khuyên về cách cư xử đối với người mới đến, đặc biệt là những người trẻ tuổi, thông qua các buổi thực hành nhập vai.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất