, //, :: GTM+7

Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản: Giải pháp căn cơ trong nông nghiệp

NGỌC QUỲNH
(hanoimoi.com.vn)
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm khắc phục những khó khăn nội tại, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là giải pháp căn cơ trong nông nghiệp, tránh tình trạng 'được mùa, mất giá', nâng cao thu nhập cho nông dân.
Huyện Thanh Trì phát triển vùng trồng rau tập trung liên kết với doanh nghiệp phục vụ tiêu thụ trong nước. Ảnh: Quỳnh Dung

Còn những bất cập

Hiện nay, việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Công ty đã hợp tác liên kết với nhiều hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất rau, củ quả ở một số tỉnh, thành phố, nhưng nhiều địa phương chưa có vùng sản xuất tập trung, việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ còn hạn chế nên không thể đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại.

Còn theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy, doanh nghiệp đã tham gia cánh đồng lớn để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, nhưng thực tế triển khai ở nhiều địa phương chưa phù hợp, dẫn tới hiệu quả không cao…

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh nhận định, việc phát triển các vùng nguyên liệu nông sản còn nhiều “rào cản” như: Sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún; việc liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng...

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hà Nội đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo điều kiện cho hợp tác xã liên kết sản xuất nguyên liệu phục vụ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản. Tuy nhiên, Hà Nội chưa có nhiều doanh nghiệp đủ tầm để liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất tập trung, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định…

Tạo liên kết vùng sản xuất hiệu quả

Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thanh Công nhận định: Để hình thành vùng nguyên liệu tập trung cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp có vai trò trung tâm - cung cấp vật tư đầu vào, giống và định hình các tiêu chuẩn kỹ thuật… bảo đảm sản phẩm của vùng sản xuất chuyên canh đáp ứng được yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Còn Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng cho rằng: Cần huy động nguồn lực xã hội hóa và đẩy mạnh số hóa trong quá trình tổ chức thực hiện, từ quản lý mã số vùng trồng đến ứng dụng khuyến nông điện tử…

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết: Nếu không có các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, không thể bảo đảm nguồn hàng với số lượng lớn, chất lượng cao cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản…

Nhận định Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 khi được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin thêm: Đề án sẽ mang đến những giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các địa phương, tạo liên kết vùng hiệu quả và xóa bỏ tình trạng “được mùa, mất giá” đang làm khó người nông dân.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường giải pháp hỗ trợ các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng sản xuất; tạo điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất