, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/09/2023, 06:00

Thị trấn sông Ông Đốc - Một tiềm năng đang cần tiếp thị

PHAN CHÁNH DƯỠNG
Việc quy hoạch xây dựng thị trấn sông Ông Đốc thành một đô thị lớn trong tương lai, làm mũi đột phá của Cà Mau phải được đặt trong chiến lược phát triển đồng bộ của cả tỉnh thì mới thành công, khi đã xem nó là một tam giác phát triển…
Sông Ông Đốc được bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu - sông Trẹm.

Cà Mau là tỉnh tận cùng của Việt Nam, là vùng đất mũi cực Nam, với cột mốc KM 2436 của đường Hồ Chí Minh. Cà Mau có dạng như một hình tam giác, mặt đáy tiếp giáp hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu; cạnh phía Tây nhìn ra vịnh Thái Lan và cạnh phía đông là biển Đông. Diện tích rộng 6.331km2, dân số (năm 2019) là 1.421 000 người. Dân tộc gồm Kinh, Hoa và Khmer. Tổng sản lượng GRDP (năm 2019) 93,711 tỉ đồng (tương đương 4,1 tỉ USD), tốc độ tăng trưởng GDP (năm 2022) là 6.5%.

Cà Mau thuộc vùng ĐBSCL với đặc điểm là có hai mặt tiếp giáp với biển (như nhà có hai mặt tiền). Với dòng sông Ông Đốc chảy từ vùng nước ngọt rừng tràm qua các huyện thị như thành phố Cà Mau, huyện Thái Bình, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời ra biển Tây (vịnh Thái Lan) với điểm cuối là thị trấn sông Ông Đốc, một cảng cá lớn của tỉnh. Phía Nam của sông Ông Đốc là huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển, Năm Căn, với vùng rừng đước ngập mặn, diện tích nuôi tôm, cá quan trọng của tỉnh Cà Mau.

Huyện Trần Văn Thời có diện tích 703km2, dân số 196 nghìn người. Đây là huyện có hai thị trấn (sông Ông Đốc và Trần Văn Thời). Tuy cách xa thành phố Cà Mau, nhưng xưa nay mức độ phồn vinh của đô thị có thể nói là cao hơn các huyện khác, vì sở hữu tài nguyên thiên nhiên nông lâm thủy hải sản phong phú. Hơn nữa mũi Cà Mau có vùng đánh bắt rộng lớn. Cảng cá sông Ông Đốc không chỉ là cảng cho ngư dân đánh bắt cận bờ (đi về trong ngày) mà còn là cảng cho các tàu cá lớn đánh bắt xa bờ (cả tuần hoặc cả tháng mới về cập bến một lần).

Ngư dân các tỉnh từ miền Trung đến Kiên Giang đều có thể chọn cảng cá sông Ông Đốc làm nơi cập bờ giao hàng (đánh bắt và sơ chế trên tàu) cho thương lái. Do đó nơi này có lượng lớn dân vãng lai cũng như thương lái đến làm ăn. Từ đó hình thành nên một thị trấn sầm uất từ lâu.

Theo số liệu trước đây, dân cư cố định khoảng 40.000 người thì dân vãng lai khoảng 20.000 người. Đội tàu cá các nơi đến cập cảng luôn trên nghìn chiếc, là nơi cung ứng hậu cần cho những chuyến ra khơi dài ngày. Từ đó nơi đây cũng có những sinh hoạt đêm tựa như ở thành phố Cà Mau.

Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Sông Đốc.

Việc quy hoạch xây dựng Thị trấn sông Ông Đốc thành một đô thị lớn trong tương lai - với nền tảng từ một cảng cá quy mô hiện đại để làm mũi đột phá cho sự phát triển tỉnh Cà Mau - không thể gói gọn trong thị trấn sông Ông Đốc hay chỉ mở rộng quy mô cảng cá hiện có. Chúng ta phải vạch một kế hoạch phát triển đồng bộ cho cả tỉnh Cà Mau thì mới có thể thành công.

Điều này trước đây đã từng được nêu ra:

(1) Về cơ bản, Quy hoạch tổng thể Phát triển Kinh tế xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 trước đây đã bao quát đầy đủ mọi lĩnh vực. Các chỉ tiêu dự kiến (theo số liệu) đến năm 2020 đã đề ra chỉ là mục tiêu tham khảo và đến nay hình như Cà Mau vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Nếu chúng ta có biện pháp tốt, sáng tạo thì chỉ tiêu đó có thể dễ dàng đạt được, bằng không sẽ phải lệ thuộc vào vốn cung cấp từ Trung ương thì rất khó đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét lại những kế hoạch trước đây còn phù hợp hay không, đặc biệt có hai yếu tố phải nhấn mạnh và bổ sung:

- Thứ nhất là yếu tố biến đổi khí hậu của trái đất có thể làm cho mực nước biển dâng cao, nước biển xâm nhập sâu hơn.

- Thứ hai, nguồn nước ngọt của sông Cửu Long sẽ về ít hơn, do đó nước ngọt đổ về tỉnh Cà Mau theo các tuyến kinh, sông trước đây sẽ giảm. Hệ quả là ranh giới thủy văn về vùng nước mặn, nước lợ, nước ngọt sẽ thay đổi, đưa đến môi trường sinh thái nuôi trồng cây con thay đổi theo.

(2) Công nghiệp hóa - hiện đại hóa sẽ thúc đẩy nhanh sự dịch chuyển dân cư theo hướng tập trung vào những điểm sản xuất chế biến công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển theo hướng đô thị hóa. Do đó phải có kế hoạch trước một bước xây dựng trục giao thông và quy hoạch cụm dân cư mới, nâng cấp các thị trấn - thị tứ đã có với đầy đủ không gian cho xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế…). Từng bước chuyển dân cư sống dọc tuyến giao thông (thủy, bộ) vào các cụm dân cư, thị trấn, thị xã, khu đô thị.

Kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển cao là 85% - 90% dân số sống tập trung ở các thị trấn và các thành phố lớn. Chúng ta không thể duy trì sự phân bổ dân cư dọc theo tuyến giao thông như hiện nay, dù nơi nông thôn vẫn phải sống theo từng cụm tập trung.

Là cửa biển sầm uất và sôi động nhất tại miền Tây, ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản ở Sông Đốc hiện đứng đầu ở Cà Mau.

Yếu tố bảo vệ môi trường thiên nhiên trong sạch sẽ là ưu thế của địa phương trong tương lai. Do đó việc bảo vệ môi trường là yếu tố quan tâm hàng đầu cho mọi phương án phát triển. Điều này cần phải thực hiện nghiêm túc.

Sự phát triển của một địa phương gắn bó hữu cơ với sự phát triển của vùng xung quanh. Vì vậy việc phát triển tỉnh Cà Mau phải đặt trong bài toán phát triển vùng, nhất là các tỉnh liền kề (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang) và thành phố trung tâm của khu vực (Cần Thơ, TP.HCM). Giao thông liên vùng (tính bằng khoảng cách thời gian) là yếu tố quyết định cho sự mượn thế của vùng động lực để phát triển địa phương. Đối với Cà Mau càng quan trọng hơn vì xa thành phố trung tâm có đầu mối giao tiếp với quốc tế.

Vai trò giáo dục đào tạo luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển nguồn nhân lực cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy nhiên nội dung đào tạo phải đúng yêu cầu cho nội dung phát triển kinh tế của địa phương.

Phải phát huy thế mạnh đặc thù của Cà Mau là có hai mặt biển (biển Đông và biển Tây), vùng đất nước mặn, vùng đất nước lợ, vùng đất nước ngọt, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ phát triển theo đặc điểm thiên nhiên này. Cũng cần cải thiện điều kiện giao thông và tăng đầu tư khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất - chế biến để tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn. Đó là hướng phát triển đúng đắn nhất phải tập trung đầu tư trong 10 năm tới đây.

Việc chọn thành phố Cà Mau, đô thị sông Ông Đốc, thị trấn Năm Căn làm mũi đột phá, thành động lực phát triển toàn tỉnh là đúng hướng (tam giác phát triển). Tuy nhiên cần có đề án cụ thể để thu hút đầu tư (thông qua sự đánh giá của nhà đầu tư, doanh nghiệp) đề án mới có sức sống, mới có thể trở thành động lực. Nếu chỉ đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước (xây dựng không đồng bộ, không kịp thời) sẽ là gánh nặng cho tỉnh sau này. Ngoài ra còn phải bổ sung các yếu tố (ngoại vi) bổ trợ (giao thông, năng lượng, chính sách tín dụng, thuế…).

Vốn đầu tư của tỉnh chủ yếu từ Trung ương rót xuống, kể cả vốn ODA, thực tế là không đủ và rất bị động. Cần phải tìm thêm các nguồn khác bổ sung, xin chủ trương chính sách để tỉnh có thể huy động từ khu vực dân doanh, từ FDI. Đồng thời phải đề ra các đề án đầu tư “ưu tiên tiến hành”. Các đề án ưu tiên phải được xây dựng “đề án tiền khả thi” để đánh giá yếu tố hiệu quả tài chính và từ đó tiến hành tiếp thị kêu gọi đầu tư.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm



Ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mỗi mùa đều có nét đẹp riêng. Những ngày này, đi dọc các cung đường dẫn vào phố cổ, sẽ bắt gặp những đồng lúa bạt ngàn màu vàng ruộm. Lúa ở Hội An không chỉ là sinh kế mà còn là không gian du lịch tuyệt vời.


Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất