, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 23/04/2021, 11:20

Thị trường nông sản lớn nhất: Cơ hội và thách thức

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG

Vượt qua Trung Quốc, Mỹ đang trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Đây quả thực là một tin vui đối với mọi người Việt chúng ta, đặc biệt là đối với các nhà nông.

Trước hết, thị trường Mỹ là một thị trường hết sức tiềm năng. Thực tế cho thấy tất cả các quốc gia đã vươn lên thành hổ thành rồng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều nhờ vào việc tận dụng và khai thác thành công thị trường Mỹ. Trong lịch sử hiện đại chưa có nước nào không khai thác thị trường Mỹ mà có thể hóa hổ, hóa rồng. Trong năm 2018, riêng nông sản, nước Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng đến 156,6 tỷ USD. Cứ nghĩ mà xem, Trung Quốc ở ngay bên cạnh nước ta, lại có dân số lớn hơn bốn lần nước Mỹ, mà vẫn đang phải nhường chỗ cho Mỹ trong việc nhập khẩu hàng nông sản của nước ta.

Việc Mỹ trở thành thị trường lớn nhất cho nông sản nước ta còn cho thấy các điều kiện để nhập khẩu nông sản vào Mỹ đã thông thoáng hơn, nhiều rào cản đã được dỡ bỏ. Điều này cũng gián tiếp cho thấy quan hệ hai nước đã cải thiện rất nhiều và ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Xuất khẩu được nhiều vào thị trường Mỹ còn cho thấy những tiến bộ vượt bậc của đất nước ta trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Ở đây tiến bộ đạt được không chỉ trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, mà cả trong việc quảng bá, tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp, trong việc hiểu biết luật lệ và thói quen tiêu dùng của người Mỹ. Thị trường nông sản Mỹ là một thị trường khó tính và có chuẩn mực cao. Sự chấp nhận của thị trường này chính là chứng chỉ hết sức thực chất về chất lượng sản phẩm và trình độ phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.

Mở rộng xuất khẩu được nông sản vào thị trường to lớn và quan trọng nhất của thế giới còn có một ý nghĩa không thể đánh giá hết về mặt xã hội. Không cần phải tính toán chi ly, thì chúng ta đều thấy khoảng trên dưới 65% dân số của của Việt Nam đã sống ở nông thôn và gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Mà như vậy thì phần thưởng mà thị trường Mỹ mang lại sẽ có hiệu ứng lan tỏa đến rất nhiều người. Những người Việt được hưởng lợi chắc chắn sẽ lớn hơn bất kỳ một thành tựu mở rộng thị trường nào khác. Để dễ cảm nhận, nếu Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của các sản phẩm thép Việt Nam thì sẽ có bao nhiêu người Việt được hưởng lợi?!

Cơ hội mở ra khi Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, thách thức không phải là không có.

Thách thức đầu tiên là tăng cường xuất khẩu nông sản vào Mỹ chắc chắn sẽ làm cho thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trở nên lớn hơn. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2020 đã tăng 17,7% lên 678,7 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2008. Nếu chúng ta không cố gắng cân bằng cán cân thương mại, chính giới Mỹ và công chúng Mỹ chắc chắn sẽ khó có thể thông cảm. Và các biện pháp trả đũa có thể sẽ được tiến hành.

Thứ hai, Mỹ vốn được coi là thiên đường của giới luật sư. Ở xứ này, người ta rất hay kiện tụng. Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể bị kiện. Mà kiện thì không chỉ Chính phủ Mỹ, các hiệp hội Mỹ có thể đứng đơn (ví dụ như vụ Hiệp hội Cá da trơn của Mỹ kiện cá basa của ta) và kể cả đông đảo người tiêu dùng Mỹ cũng có thể đứng đơn. Chỉ cần thông tin chỉ dẫn không đầy đủ để một người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng, thì doanh nghiệp có liên quan khó tránh khỏi chuyện kiện tụng và đền bù. Chính vì vậy, đã xuất khẩu nông sản vào Mỹ, thì chất lượng phải tuyệt đối được coi trọng, các chuẩn mực khác về vệ sinh, an toàn thực phẩm, về đóng gói và hướng dẫn tiêu dùng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

Những thách thức nói trên là không nhỏ. Tuy nhiên, chúng nhỏ hơn rất nhiều so với cơ hội đang mở ra cho nông nghiệp và nông dân Việt Nam.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất