, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 05/10/2020, 09:28

''Thiên đường'' cây trái

Theo TUẤN LINH (baolamdong.vn)

Gõ từ Đạ Huoai tìm kiếm trên Google, Wikipedia, lời giới thiệu về địa danh của trang này gây ấn tượng mạnh mẽ với người truy cập: Là huyện có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam và được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng.

 

Sầu riêng và các loại cây ăn trái khác đã giúp cho người dân Đạ Huoai có đời sống tốt hơn.
Sầu riêng và các loại cây ăn trái khác đã giúp cho người dân Đạ Huoai có đời sống tốt hơn.

Nếu chưa thỏa mãn trí tò mò hãy chịu khó di chuyển chuột xuống dưới sẽ thấy vùng đất đầy cuốn hút này tại sao được mệnh danh là “thiên đường” của cây trái. Đạ Huoai, mảnh đất cửa ngõ Lâm Đồng như một bậc thang chuyển tiếp giữa một bên là vùng kinh tế năng động nhất của khu vực phía Nam đến với bình nguyên B’Lao trù phú và sự phồn sinh, mát lành của cao nguyên Lâm Viên.

Hết nghèo nhờ sầu riêng 

Nếu xem Đạ Huoai là “thủ phủ” sầu riêng của Lâm Đồng thì Hà Lâm là “trái tim” của “kinh đô” ấy.
 
Hà Lâm là một trong hai xã, phường của toàn tỉnh Lâm Đồng không còn hộ nghèo từ năm 2017. Sau chưa đầy 20 năm được chia tách, Hà Lâm đã có sự lột xác ngoạn mục và nói như lời của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thì “nơi đây đã thực sự trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Đạ Huoai”. 
 
Sau tất cả, sự đổi thay kỳ diệu ấy phần lớn đều nhờ vào cây sầu riêng. Hà Lâm không còn hộ nghèo, đến hộ cận nghèo cũng không còn. Những gia đình có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 3 - 4 tỷ đồng/năm cũng tỷ lệ thuận theo thời gian. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm Nguyễn Trọng Bằng không ngại ngần chia sẻ: “Những năm tháng đã qua, hiện tại và cả sau này, chắc chắn sầu riêng sẽ luôn là cây trồng chủ lực, khó có loại cây trồng nào có thể thay thế. Cây sầu riêng đã giúp cho người Hà Lâm thay đổi cuộc sống. Điều này luôn khiến mỗi người dân Hà Lâm cảm thấy tự hào”.
 
Sẽ rất ít người tin nếu không tìm hiểu tại sao Hà Lâm lại có được thành tựu đáng tự hào đến vậy chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu biết, một xã nằm cách xa những trung tâm lớn, một xã mà người dân hoàn toàn bám vào đất vườn để sinh nhai như Hà Lâm, lại có cả một “câu lạc bộ tiền tỷ”, nơi tụ họp của những người có chí hướng làm giàu bằng chính từ cây sầu riêng, chắc chắn những hoài nghi sẽ bị xóa tan.
 
Không phải là tất cả, nhưng các loại cây ăn trái, ở một khía cạnh đơn thuần nào đó cũng là một trong những tiêu chí phụ giúp cho Phước Lộc, một xã từng nằm trong top nghèo của Nam Tây Nguyên về đích nông thôn mới thành công trước thời hạn một năm.
 
Với hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, quen với tập tục cũ và đời sống chỉ dựa vào rừng, nhắc tới Phước Lộc là nhắc về nghèo đói về những xanh xao, vàng vọt bởi những trận sốt rét. Giờ đây, khó khăn dẫu vẫn còn, nhưng nghèo đói, chắc chắn không còn nữa. Lũ trẻ đến trường đều đặn khi không còn thiếu manh áo, đôi dép, người già cũng không còn nôn nao vì cái đói sau mỗi ngày thức giấc. 
 
Năm 2012, khi mới khởi động xây dựng nông thôn mới, “tài sản” hiện hữu của Phước Lộc là con số chẳng ai muốn nghĩ tới với 78% hộ nghèo. Đến khi nhận tấm biển xã đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn đăng ký vào năm 2019, hộ nghèo ở Phước Lộc chỉ còn chưa đầy 2,9% và thu nhập bình quân đầu người đã ở xấp xỉ 39 triệu đồng/người/năm. Phước Lộc của hiện tại cũng đã biết thích nghi để thay đổi đời sống khi duy trì diện tích điều, trồng xen chè cành dưới tán cho thu nhập mỗi ngày; đồng thời, mạnh dạn chuyển đổi sang cây sầu riêng với diện tích lớn.
 
Bà Ka Hiên - Bí thư Chi bộ thôn Phước Dũng (xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) là một trong những người hiểu rõ nhất vì sự thay đổi mà cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt mang lại từ chính mảnh vườn của gia đình mình. “Người Phước Lộc giờ không còn nghèo đói nữa. Với chưa đầy hai héc ta sầu riêng và các loại cây ăn trái khác, mỗi năm gia đình mình cũng thu được hơn 1,2 tỷ đồng. Nhà cửa, xe cộ, con cái học hành có được cũng từ chính cây ăn trái” - người phụ nữ đã từng đi qua không biết bao nhiêu ngày khó khăn nơi mảnh đất mình sinh ra quả quyết.
 
Còn với ông Nguyễn Văn Tám - Chủ nhiệm HTX sầu riêng VietGAP xóm Sình Mây (thôn Phước Trung), khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi hộ tham gia HTX đều có thu nhập từ 800 triệu đến 3 tỷ đồng từ cây sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Đây là nguồn thu nhập mà có trong mơ người dân chúng tôi cũng không dám nghĩ tới khi mới về Phước Lộc lập nghiệp.

Thương hiệu Đạ Huoai

Thực ra không phải đến bây giờ những loại cây ăn trái như sầu riêng mới tạo được thương hiệu cho Đạ Huoai. Theo nhiều khảo cứu, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, họ đã dày công nghiên cứu và biến nơi đây thành vùng cây trái có tiếng với những loài đặc hữu của vùng nhiệt đới như chôm chôm, măng cụt và sầu riêng. Người dân Đạ Huoai trong những ngày khó khăn vẫn trồng trong vườn nhà những loại cây ăn trái, để cải thiện đời sống. Sự phát triển của địa phương, của đất nước, đặc biệt là “luồng gió” mát lành mang tên “nông thôn mới” đã giúp cho người dân tự mình thay đổi, các cấp chính quyền phải vận động và những yếu tố quan trọng đó đã giúp cho Đạ Huoai trở mình thức giấc. 
 
Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi gần đây, Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai Nguyễn Quý Mỵ, người đã từng gắn bó và kinh qua rất nhiều vị trí của bộ máy Đảng và chính quyền huyện sau khi từ chiến trường Campuchia trở về đã chắc chắn: “Mảnh đất này với nhiều tiềm năng, không thể để cho người dân mãi nghèo khổ được. Không chỉ địa lợi với vị trí cửa ngõ, nơi thông thương giữa các vùng với Lâm Đồng, thiên thời với khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt ưu đãi dành cho các loại cây trồng ăn trái nhiệt đới, mà ở đây còn có cả nhân hòa với sự chịu khó, cần cù và ý chí không cam chịu của người dân. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chúng tôi đã nhiều năm trăn trở và đặc biệt quan tâm tới việc phát triển vùng cây ăn trái”.
 
Chiến lược phát triển của Đạ Huoai luôn có một phần quan trọng dành cho các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Với lợi thế là diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, huyện Đạ Huoai đã hoạch định những kế hoạch cụ thể, mang tầm chiến lược. Đó là vẫn giữ vững diện tích điều, loại cây “cứu đói” một thời là cứu cánh không chỉ của người dân Đạ Huoai mà còn của ba huyện phía Nam. Khuyến khích người dân chuyển đổi dần sang điều ghép cho năng suất cao và ổn định với khoản thu nhập nền. Đồng thời, quy hoạch vùng phát triển cây ăn trái, cũng như khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi.
 
Để tương lai không bị rơi vào trạng thái bão hòa, hay cây ăn trái (đặc biệt là sầu riêng) bị rơi vào tình trạng “giải cứu” như nhiều loại cây khác trong thời gian vừa qua, huyện Đạ Huoai cũng đã có những bước đi cụ thể và chắc chắn để đời sống sản xuất của ngời dân không bị thụ động. Theo Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Lưu Tiến Chinh, sầu riêng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, huyện đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao với tổng diện tích 300 ha. Trong năm, huyện đã hỗ trợ sản xuất sầu riêng VietGAP cho 3 hợp tác xã và tổ hợp tác, với diện tích được cấp giấy chứng nhận 87,5 ha, nâng tổng số diện tích sầu riêng VietGAP của toàn huyện lên 154,8 ha; đồng thời, cấp 7.200 tem nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” cho 25 hộ nông dân. Để cây sầu riêng phát triển bền vững và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, thời gian tới, Đạ Huoai sẽ hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình chăm sóc sầu riêng “3 trong 1” (bón phân, tưới nước và xịt thuốc bằng hệ thống tự động); đồng thời, đầu tư thâm canh và tăng diện tích, sản lượng sầu riêng VietGAP”.
 
Ở đâu đó trên chặng hành trình, dừng lại nơi cửa ngõ phía Nam, nhấp nháp chút thảo thơm ngọt lành của sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thêm nụ cười hồn hậu của người dân xứ này, bạn sẽ không cần phải nhờ ai lý giải tại sao nơi đây lại được ví như “thiên đường của cây trái”.
 

Theo TUẤN LINH (baolamdong.vn)

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất