, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/09/2021, 14:21

"Thiền" trong nông nghiệp của Masanobu Fukuoka

QUÁCH THUYÊN NHÃ UYÊN
Nhật Bản luôn được biết đến như một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên và phải đối mặt thường xuyên với thảm hoạ như động đất, sóng thần, núi lửa… Với một đất nước có điều kiện khắc nghiệt như thế, nông nghiệp dường như không phải là thế mạnh. Tuy nhiên, điều không phải ai cũng biết là nông nghiệp và đời sống của những nông gia Nhật mang nhiều triết lý và đặc trưng văn hóa đặc sắc của xứ sở Mặt trời mọc. Masanobu Fukuoka với những quan điểm hết sức thú vị trong việc làm nông mang đậm sắc thái Phật giáo Thiền tông là một người như thế.
“Cuộc cách mạng một cọng rơm” - tác phẩm thể hiện trọn vẹn về quan niệm, triết lý Thiền trong nông nghiệp của Masanobu Fukuoka.

 

Những gì đi ngược lại
Một tâm hồn bình thường
Thì sẽ làm trở ngại
Chính pháp của con người

Thì sẽ làm trở ngại

Pháp của Phật mà thôi”

(Ikyu Thiền sư)

Thiền Tông trong văn hoá Nhật Bản

Theo tác phẩm của Eiichi Aoki vào năm 2008, hơn 85% dân số Nhật Bản theo đạo Phật. Trong đó, Phật giáo Thiền tông ảnh hưởng khắp mọi mặt, cả trong nghệ thuật lẫn đời sống bình thường. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu từng nhận định: “Thiền đã trở thành sinh mệnh và cốt tủy của văn hóa Nhật”.

Du nhập vào Nhật từ đầu thời kỳ Kamakura (1185 - 1333), Thiền tông ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp xã hội, từ nhà cầm quyền, quý tộc, võ sĩ đến thường dân ở Nhật.

Nhưng vì sao lại là Thiền tông?

Thiền đề cao sự gần gũi với thiên nhiên và tính tự nhiên trong đời sống bình thường hằng ngày, không bám chấp vào vật chất hay bất cứ ý niệm nào, mang lại sự tĩnh lặng và an lành. Điều này có lẽ rất gần với quan niệm của Thần Đạo - tôn giáo truyền thống của Nhật Bản, vốn xem trọng sự tồn tại của các linh hồn (kimi) và cho rằng cần trân trọng tự nhiên cùng mọi sự vật xung quanh, bởi chúng đều mang trong mình sự sống. Có thể chính sự tương đồng này đã giúp người Nhật dễ dàng tiếp nhận, thấu hiểu sâu sắc Thiền tông và mang Thiền vào trong mọi góc cạnh đời sống của mình.

Nhiều tài liệu khi nhắc đến Thiền thường nhắc đến trạng thái “chứng ngộ” và “kiến tánh”, hoặc những khái niệm đặc biệt hơn như triết lý “tánh không”, “Như lai tạng”... Tuy nhiên, để giải thích một cách dễ hiểu nhất, có thể nhấn mạnh đặc tính của Thiền, đó là cảm giác “vĩnh cửu trong từng khoảnh khắc” (Nhật Chiêu, trích từ “Nhật Bản trong chiếc gương soi) tức không hướng tới một không gian hay thời gian cụ thể mà hướng về bên trong bản thân con người với “ánh sáng trí huệ”. Đặc biệt, với Thiền, người Nhật đã kết hợp với trà để sáng tạo nên trà đạo và triết lý Wabi - cái đẹp cao nhất nằm trong vẻ đơn sơ thanh tịnh!

Masanobu Fukuoka cùng với thành quả lao động gắn với nguyên tắc “không làm gì cả” của mình.

Hành trình đến với nông nghiệp tự nhiên của Masanobu Fukuoka

Masanobu Fukuoka (1913 - 2008) là một nông dân người Nhật đến từ đảo Shikoku. Tư tưởng xuyên suốt ảnh hưởng đến cách làm nông của Fukuoka là: “Loài người chẳng biết gì hết. Chẳng có một giá trị nội tại sẵn có trong bất kỳ thứ gì, và mọi hành động đều là gắng công vô ích, vô nghĩa”. Điều này gần như có sự liên hệ mật thiết với triết lý của Thiền tông - vốn quan trọng việc quay về với bản thân, không bám chấp.

Theo Fukuoka, quá trình nhận thức này đột ngột đến với ông như “một cú sốc, một ánh chớp, một trải nghiệm nhỏ đã khởi sự tất cả”. Bởi nghe tiếng đập cánh của một con diệc ăn đêm, Fukuoka đã nhận ra “trong thế giới này chẳng có gì sất…” và “mọi khái niệm mình đã từng bám víu vào, ngay chính cái ý niệm về bản thân sự tồn tại, cũng chỉ là những thêu dệt rỗng tuếch”. Từ đó, ông trở nên đổi khác, và mọi việc ông làm, đặc biệt là việc làm nông đều gắn với quan niệm “sống giữa thiên nhiên và hòa mình vào công việc mỗi ngày”.

Nguyên tắc “4 không” - biểu hiện rõ nét của triết lý Thiền Tông trong nông nghiệp

Triết lý Thiền trong việc làm nông của Fukuoka có rất nhiều chi tiết đáng quan tâm. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất và cũng là “sợi chỉ” nối kết tất cả chính là phương thức nông nghiệp “không làm gì cả” mà ông nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của mình.

Thay vì suy nghĩ “làm điều này thì sao?”, “làm điều kia thì sao?”, Fukuoka chọn cách nghĩ ngược lại “không làm điều này hay điều kia thì sao nhỉ?” để rồi nhận ra “chẳng có mấy thao tác nông nghiệp là thật sự cần thiết”, bởi chính những thao tác kỹ thuật này đã gây ra sự xáo trộn cân bằng tự nhiên và khiến đất đai phụ thuộc vào chúng. Từ đây, ông đưa ra nguyên tắc “4 không” trong nông nghiệp, gồm:

Không cày xới đất: vì Fukuoka cho rằng đất bị cày xới nhiều dẫn tới tình trạng những loại cỏ dại khoẻ dễ sinh sôi lấn át cả rau màu. Thay vào đó, ngừng cày xới, để đất tự thực hiện việc xới trộn tự nhiên vốn có sẽ giúp môi trường cân bằng và kiểm soát được các loại cỏ dại.

Không dùng phân hoá học hoặc phân ủ: Fukuoka lý giải đất đai có sự màu mỡ tự nhiên thông qua quá trình trao đổi chất, với các chất hữu cơ có sẵn từ thực vật, động vật phân huỷ trên bề mặt đất bởi vi khuẩn và nấm… Ông tin rằng phân bón được sử dụng quá nhiều có thể bòn rút các dưỡng chất thiết yếu và làm đất mỗi năm trở nên cằn cỗi.

Không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ: theo Fukuoka, cỏ cần được kiểm soát chứ không cần phải loại bỏ vì nó có vai trò nhất định trong việc tạo sự màu mỡ cho đất cũng như cân bằng cho quần thể sinh vật.

Không phụ thuộc vào hoá chất: Fukuoka tin rằng thiên nhiên có thể tự cân bằng một cách hoàn hảo và côn trùng gây bệnh, dù luôn hiện hữu, nhưng không diễn ra đến mức phải sử dụng các hoá chất độc hại - vốn có thể gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sau này.

Fukuoka áp dụng những nguyên tắc trên vào việc trồng rau, ngũ cốc và cam quýt của mình. Điều đáng ngạc nhiên là năng suất từ cách làm nông này của ông không hề thua kém những nơi có sản lượng thu hoạch top đầu trên toàn quốc.

Điều đáng nói ở đây không chỉ là sự thành công của một cách làm nông mới mà còn là câu chuyện về quan niệm sống của một con người với cảm thức và sự thấu hiểu thiên nhiên. Với ông, chỉ cần tôn trọng quy luật của tự nhiên, bỏ đi những “ham muốn vô độ” của mình, con người có thể vượt khỏi những giới hạn để vươn đến sự tự do, sung túc mỗi ngày. Và đó mới chính là “cách thức khởi nguyên của nông nghiệp”.

Câu chuyện của Fukuoka, mặt khác, còn cho thấy việc sống và làm việc với tâm thức “mình chỉ là một bộ phận nhỏ bé giữa đất trời, hoà hợp với tự nhiên, trở về với bản tâm” có lẽ sẽ giúp mỗi chúng ta trân trọng thiên nhiên và phần nào bình tâm hơn, quý trọng hơn từng khoảnh khắc với những người yêu thương, những hạnh phúc bình dị giữa những ngày đại dịch này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất