, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 23/07/2022, 07:52

Thiêng liêng một cõi

Diệu Hương
(baoquangbinh.vn)
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam nghẹn giọng nói: “Cuối cùng, những cựu chiến binh Trường Sơn như chúng tôi đã thỏa lòng ước mong. Đồng đội tôi, bao người ngã xuống và còn nằm lại đâu đó trên tuyến đường 20 lịch sử đã có nơi chốn để trở về”.

Hơn nửa thế kỷ trước, con đường 20 Quyết Thắng là tựu trung của ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ của hàng vạn chiến sĩ. Mồ hôi, nước mắt và xương máu đã đổ xuống trên con đường huyết mạch này. Hôm nay, nơi trọng điểm ATP ác liệt ngày nào, một đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng đã được xây dựng, như một cõi thiêng liêng để bao thế hệ hôm qua thao thiết nhớ về, thế hệ hôm nay trân trọng và tri ân.

“Kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể lại, từ cuối năm 1964, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã có chủ trương mở tuyến vượt khẩu thứ hai nhằm tránh thế độc tuyến của đường 12A. Ngày 21/1/1966, Phó Tư lệnh Đoàn 559 Nguyễn Tường Lân đã phát lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên, mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Sau gần bốn tháng thi công, đường 20 đã hoàn thành trong một thời gian kỷ lục với khối lượng thi công cũng là con số khổng lồ: Hơn 1 triệu m3 đào đắp, hàng trăm mét ngầm vượt sông suối, hàng trăm cầu cống tạm. Đã có gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ, TNXP và dân công hỏa tuyến, hầu hết đang ở lứa tuổi 20, tham gia mở con đường này.

Ngày 17/5/1966, hai chiếc AC-130 của địch rải chất độc hủy diệt cây rừng và phát hiện ra tuyến đường. Từ đó, đường 20 trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc của kẻ thù. Cũng trên tuyến lửa ác liệt thử thách ý chí, bản lĩnh của con người, đã chứng kiến cuộc đối đầu của những chàng trai, cô gái tuổi 20 với lực lượng không quân Mỹ cùng các trang bị hiện đại tiên tiến nhất, với các thủ đoạn tàn bạo, hiểm độc nhất. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trên tuyến đường này.

Trên tuyến đường 20, hàng loạt địa danh đã trở thành trọng điểm, như: Xuân Sơn, Đồng Tiền, Trạ Ang, Cà Roòng… Trong đó, trọng điểm ATP (gồm: Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) được coi là “trọng điểm của những trọng điểm” bởi sức đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Với quyết tâm “Địch phá một, ta làm mười”, mỗi cây số đường, mét ngầm trên đường 20 đều thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người xây dựng, bảo vệ và vận hành tuyến đường. Năm 1973, trong lần thăm các lực lượng xây dựng và bảo vệ tuyến đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ca ngợi đường 20 Quyết Thắng là “Kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong kiểm tra công trình đền tưởng niệm trước ngày khánh thành.

Từ quyết tâm của một cựu chiến binh…

Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt từng là một cựu chiến binh đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến. Năm 1971, trên hành trình vào chiến trường B, ông và đồng đội đã đi qua con đường Trường Sơn lịch sử, chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của bom đạn, sự anh dũng của hàng vạn chiến sĩ ngày ấy. Ba tháng hành quân vào chiến trường đã trở thành ký ức không thể nào quên.

Năm 2009, khi đã là một nhà báo của Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), ông quyết định trở lại con đường Trường Sơn ngày nào. Không còn là con đường của bom đạn, đổ nát, của những hy sinh, mất mát, Trường Sơn ngày trở lại đã được phủ xanh bởi đổi thay ngày mới. Nhưng trong sâu thẳm của người cựu chiến binh ngày trở về vẫn không thôi ray rứt. Bởi trên con đường này, có hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống và không ít người vẫn còn nằm lại đâu đó trên mênh mang đất trời kia.

Điều đó khiến ông không thôi ý định cần những đền tưởng niệm để an ủi các linh hồn đã ngã xuống, để nhắc nhớ thế hệ sau về những hy sinh quả cảm của thế hệ ông cha ngày cũ. Sau đó, thông qua chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP, những đền tưởng niệm liệt sỹ hy sinh trên con đường Trường Sơn lịch sử đã được xây dựng. Từ năm 2011-2013, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã xây dựng được ba ngôi đền tại: Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị) và ngã ba biên giới thuộc Bờ Y tỉnh Kon Tum, do Vietcombank và Vietinbank tài trợ.

Năm 2016, khi trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, ông lại tiếp tục hành trình vận động xây dựng ngôi đền tưởng niệm đồng đội nơi trọng điểm ác liệt ATP. Được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Biên giới, Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Sacombank) tài trợ hơn 40 tỷ đồng xây dựng Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP (thuộc xã Thượng Trạch, Bố Trạch). Lễ động thổ đã diễn ra vào ngày 26/7/2018.

… Đến mong mỏi của hàng vạn trái tim

Sau bốn năm xây dựng, đi qua nhiều vất vả của dịch bệnh, bão lũ, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP đã hoàn thành. Tổng thể các hạng mục công trình được xây dựng trên diện tích 1,08ha, bao gồm: Đền thờ, nhà bia, gác chuông, cổng tứ trụ, nhà công vụ, bãi đỗ xe, sân, đường nội bộ và các hạng mục phụ trợ khác. Trong đó, đền thờ có diện tích xây dựng 235,6m2.

Đại tá Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam xúc động chia sẻ: “Nghe tin có một ngôi đền tưởng niệm liệt sỹ được xây dựng ngay tại trọng điểm ATP đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi hạnh phúc vô cùng. Vậy là những đồng đội đã hy sinh trên tuyến đường này đã có nơi chốn để tụ họp và gia đình những đồng đội chưa tìm được mộ cũng có thể được an ủi phần nào. Được khánh thành vào đúng dịp cả nước hướng về 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 cũng chính là viết tiếp đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta”.

Sự hiện diện của một ngôi đền linh thiêng như ngọn lửa ấm xua đi những giá lạnh chốn biên giới xa xôi, an ủi những linh hồn liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Với thế hệ trẻ hôm nay, nơi chốn này nhắc nhở về những năm tháng hào hùng của cha ông đi trước để trân trọng, biết ơn và quyết tâm gìn giữ nền độc lập hôm nay. Và mai này, đây sẽ là địa chỉ du lịch tâm linh, “đánh thức” vùng biên cương heo hút và còn nhiều nghèo khó.

Nơi ấy cũng là điểm tựa đầy tự hào, là cột mốc trấn giữ biên cương Tổ quốc, như chính câu đối viết trên đền thờ: "Sống, xây dựng con đường, góp phần làm nên chiến thắng/Chết, hóa thành cột mốc, muôn đời trấn giữ biên cương".

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất