, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/12/2021, 18:00

Thịt lợn Mỹ lại khuấy đảo eo biển Đài Loan

KIM LONG
(nongnghiep.vn)
Người dân Đài Loan sắp đi bỏ phiếu bày tỏ quan điểm về việc có nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chất tạo nạc ractopamine, một chất phụ gia thức ăn chăn nuôi hay không.
Các nhà lập pháp Đài Loan ném lòng lợn vào nhau trong một cuộc ẩu đả tại trụ sở quốc hội ở Đài Bắc, ngày 27 tháng 11 năm 2020. Ảnh: Reuters
Các nhà lập pháp Đài Loan ném lòng lợn vào nhau trong một cuộc ẩu đả tại trụ sở quốc hội ở Đài Bắc, ngày 27 tháng 11 năm 2020. Ảnh: Reuters

Dự kiến cuộc trưng cầu dân ý này sẽ diễn ra vào tháng Giêng tới trên khắp lãnh thổ Đài Loan, nhưng ngay từ bây giờ vấn đề này đã gây xôn xao dư luận, cho thấy rằng họ chỉ muốn sử dụng thịt lợn “của nhà trồng được”.

Hiện các loại sticker thể hiện quan điểm bằng màu sắc đã được dán ở khắp nơi mua sắm công cộng, chứng tỏ một điều nó mang ý nghĩa rất lớn đối với người tiêu dùng Đài Loan.

Một số bài đăng trên các trang mạng đã gây sự chú ý lớn và phẫn nộ về quyết định của chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, bất chấp những lo ngại từ lâu của người tiêu dùng về sự hiện diện của chất ractopamine, một chất phụ gia thức ăn chăn nuôi phổ biến được sử dụng trong ngành nuôi lợn Mỹ.

Ractopamine là chất làm tăng độ nạc trong thịt lợn, hiện đã bị cấm ở Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nga và 157 quốc gia. Tuy nhiên chính quyền Đài Loan cho biết, việc nhãn mác thịt có ghi rõ nguồn gốc sản phẩm có nghĩa là người tiêu dùng vẫn có thể chọn lựa sử dụng nó, mặc dù nhiều người tiêu dùng vẫn cảnh giác vì lo ngại các nguy cơ sức khỏe.

Thịt lợn là một mặt hàng thiết yếu và đặc biệt quan trọng trong ẩm thực Đài Loan. Ngoài ra ngành chăn nuôi lợn cũng được xếp vào diện “hành lang nông nghiệp quan trọng” của hòn đảo, với khoảng 90% sản lượng thịt lợn được cung cấp bởi nông dân địa phương.

Trước đó vấn đề này đã từng gây ra rất nhiều tranh luận, thậm chí xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố và tranh cãi nảy lửa trong quốc hội. Và câu hỏi liệu Đài Loan có nên cấm nhập khẩu thịt lợn chứa ractopamine từ Mỹ hay không sẽ vẫn là một trong các vấn đề thu hút sự chú ý từ nhiều phía.

Các cuộc khảo sát trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hầu hết người dân eo biển Đài Loan ​​sẽ bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm. Sự kiện khá nhạy cảm được tổ chức hai năm một lần này và kết quả của nó được nhận định là “sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ” đến chính quyền của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.

Chủ đề nhập khẩu thịt lợn lâu nay vẫn được nhiều người coi là “một nhượng bộ” của bà Thái Anh Văn đối với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Đài Bắc khi nhà nữ lãnh đạo hy vọng sẽ tiến đến một bản hiệp định thương mại tự do với Washington và tham gia một thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Người dân Đài Loan biểu tình phản đối việc nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chứa ractopamine tại Đài Bắc,  tháng 11 năm 2020. Ảnh: RT
Người dân Đài Loan biểu tình phản đối việc nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chứa ractopamine tại Đài Bắc, tháng 11 năm 2020. Ảnh: RT

Theo bà Thái Anh Văn, việc từ chối thịt lợn Mỹ có thể cho thấy Đài Loan đang phản đối thương mại tự do, vào thời điểm mà chính quyền của bà đang cần “càng nhiều bạn bè càng tốt” trong bối cảnh áp lực từ đại lục đối với hòn đảo vẫn ngày một gia tăng.

Nhà lãnh đạo Đài Loan còn viện dẫn các bằng chứng khoa học về ractopamine đã thay đổi trong vòng một thập kỷ qua và các hướng dẫn quốc tế của ủy ban chuyên trách trực thuộc Liên Hợp quốc về việc cho phép sử dụng chất này trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên giải thích của bà Thái vẫn bị nhiều cử tri và đảng đối lập KMT cho rằng “không thuyết phục”.

Cuộc thăm dò của trang tin tức MyFormosa cho thấy, 55,4% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu “đồng ý từ chối” thịt lợn nhập khẩu, trong khi 37,9% cho biết sẽ “phản đối lệnh cấm”.

Những tranh luận xung quanh vấn đề này đã trở nên nóng bỏng từ cuối năm 2020, khi một số nghị sĩ đảng đối lập KMT đã có cuộc chiến “ném nội tạng lợn” tung tóe khắp sàn tòa nhà lập pháp Đài Loan nhằm phản đối kế hoạch nhập khẩu thịt lợn của Mỹ vào đầu năm 2021.

Các nhân chứng đã một phen tận mắt được nhìn thấy cảnh từng khúc lòng lợn cùng tim gan phèo phổi lợn bay lượn khắp nơi và cả xô xát ở bên ngoài trụ sở tòa nhà lập pháp.

“Đài Loan không thể cho phép Mỹ, cho dù chính quyền Trump hay chính quyền Biden, lấy đi bất cứ thứ gì họ muốn. Đó là một vấn đề ngoại giao và thương mại, nó không nên trở thành một vấn đề chính trị”, Chih-Yung Ho, một thành viên đảng KMT và là phát ngôn viên của cựu chủ tịch đảng này nói.

 “Hoàn toàn sai khi nói rằng chúng tôi cần sự hỗ trợ của Mỹ… trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, vì vậy chúng tôi phải cung cấp mọi thứ mà các chính trị gia Mỹ muốn”.

Trước đó vào năm 2012, chính quyền của cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu đã cho phép nhập khẩu thịt bò Mỹ có hàm lượng ractopamine thấp. Tuy nhiên vào thời điểm đó, đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà Thái cũng từng phản đối việc nhập khẩu, mặc dù nó được coi là ít gây tranh cãi hơn do sức hấp dẫn của thịt bò đối với người dân Đài Loan thấp hơn thịt lợn.

Hình ảnh sau khi xảy ra cuộc chiến 'ném nội tạng lợn' tung tóe khắp sàn tòa nhà lập pháp Đài Loan cuối năm ngoái. Ảnh: RT
Hình ảnh sau khi xảy ra cuộc chiến “ném nội tạng lợn” tung tóe khắp sàn tòa nhà lập pháp Đài Loan cuối năm ngoái. Ảnh: RT

Theo các nhà quan sát, việc đảng đối lập KMT phản ứng dữ dội với việc nhập khẩu thịt lợn Mỹ là do vấn đề an toàn thực phẩm luôn là cách dễ dàng để thu hút cử tri vào thời điểm mà ảnh hưởng lâu dài của đảng này dường như đang bị suy giảm.

“Đây là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất thuộc về đường lối của các đảng phái. Nó tạo cơ hội cho phe đối lập đánh vào nỗi sợ hãi từ các tác nhân ít được biết đến - trong trường hợp này là ractopamine – nhằm phủ nhận một chính sách có tầm quan trọng lớn đối với chính quyền của bà Thái Anh Văn. Đảng KMT có thể sử dụng chủ nghĩa bảo hộ, nỗi sợ hãi, thông tin sai lệch, và quan điểm chống Mỹ tiềm ẩn trong một số giới chức ở Đài Loan, để tạo ra một cơn sóng gió đối với chính sách của chính quyền đương nhiệm. Ngược lại, điều này có thể gây phương hại cho quan hệ Mỹ- Đài và có khả năng làm suy yếu nỗ lực của Đài Bắc trong lộ trình gia nhập CPTPP, một mục tiêu khác của chính quyền dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn. Điều này có thể coi là chiêu bài vũ khí hóa một vấn đề nhằm đạt được lợi ích chính trị trong ngắn hạn, có thể thực hiện được bằng cuộc trưng cầu dân ý”, J Michael Cole, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đài Loan Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ cho biết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất