, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 17/01/2017, 08:36

Thoang thoảng hương tràm Mộc Hóa

Dọc đường ĐT 817, thuộc xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, hai bên đồng nước mênh mông. Xa xa một ngôi nhà, dọc hai bên đường là hàng tràm với những chuỗi bông trăng trắng nho nhỏ đong đưa trong gió. Trưa nắng nhưng trời không nóng, gió thổi lồng lộng qua những cánh nước phả hơi nước thơm dịu. Mùi của nước lũ tràn đầy phù sa, của hương tràm thoang thoảng. Ghé quán nước nhỏ xíu bên đường chỉ kê 2 bộ bàn ghế đơn giản nhưng đầy khách.

Du khách tham quan rừng tràm tại Mộc Hóa.
Du khách tham quan rừng tràm tại Mộc Hóa.

Đặc sản… hẹ nước!

Một chiếc xuồng tấp vào bến, người đàn ông trung niên đang hì hụi kéo một cuộn xanh xanh như rong từ xuồng lên bờ. Chú Năm, người tôi tình cờ mới quen ở quán, hỏi:

- Hẹ nước đó! Chú biết không?

- Có ăn rồi chú, mát mát ăn kèm cá linh kho là ngon tuyệt!

- Ừ, cái thứ rau trời cho. Hồi xưa, đói ăn độn vậy mà nay là rau cao cấp đó nha. Ăn lẩu mắm thiếu rau hẹ nước, cọng bông súng… kể như trớt he. Mấy bà bán dọc đường cho mấy ông đi xe hơi trên quốc lộ cũng 30 ngàn đồng ký. Nghe nói con Tư, con Tám có mối bán đâu tận Sài Gòn, chở lên tới trển 50 ngàn đồng.

Kể về thứ rau bình dân mà nay trở thành đặc sản cao cấp, chú nói, có chú Tư nào đó, ruộng nó 3, 4 mẫu mọc đầy rau hẹ nước, kể như trời cho hũ vàng. Cái thứ rau kén nước sạch, tốt bời bời trên đất, khiến chủ ruộng ở nhà chỉ việc cắm chà ngăn không cho ghe xuồng vào bắt cá, phá ruộng rau. Mỗi ngày, tỉa một ghe là phơi râu sống!

Nghe chú nói, hái rau hẹ nước bán mà tôi nghĩ cứ như thò tay xuống ruộng hốt vàng khoen, dễ ẹt.

  Sẵn đà chú kể về cái chuyện dễ sống ở đất này: Đất này dễ sống lắm, có mấy thằng làm biếng mới không sống nổi. Rảnh đi cắt lục bình về phơi khô bán, mà đó là chuyện đàn bà con gái nghen! Đàn ông con trai, sông nước ở đây siêng siêng chút đỉnh cũng có cá tôm bán cho vợ đổi gạo.

Như để minh chứng lời chú nói, dọc đường ĐT 817 khi tôi đi qua, chút chút lại thấy dưới sông có người cắt lục bình, trên bờ phơi lục bình làm nguyên liệu đan hàng tiểu thủ công nghiệp. Đang mùa nước lũ, nên nước mênh mông hai bên bờ, nhiều chiếc xuồng, vỏ lãi xẻ dọc sông nước, đầy lưới, ống tre… xống xánh cá tôm.

Ở xứ không có thất nghiệp

Tiếp chúng tôi tại văn phòng, anh Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Trung xác nhận thông tin, ở đây dễ sống vì đất đai rộng, bình quân mỗi hộ có khoảng 2ha ruộng nên làm siêng một tí là không đói khổ. Mùa lúa làm lúa, mùa nước đánh bắt cá, ít ai bỏ quê lên thành phố làm công nhân, hay là phụ nữ xa quê đi bán quán.

 Anh cho biết, xã là đơn vị đứng đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Mộc Hóa, tuy vẫn còn khoảng 50 hộ dân thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 4,6%. Anh tin là chỉ ít năm nữa phong trào này sẽ giúp các hộ dân nghèo tiến lên đủ ăn và khá giả. Còn anh Phạm Hoàng Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, ở đây chúng tôi đang xây dựng vùng lúa chất lượng cao với phương án cánh đồng lớn. Nông dân rất thích thú với mô hình này, vì thu lợi nhuận cao hơn ở ngoài, được bao tiêu đầu ra, nên xu thế đang phát triển. Chúng tôi đã làm được hơn 1.000ha, sắp tới dự định làm thêm 500ha nữa. 

Nói về chuyện cắt lục bình về phơi bán, anh thú thật không quan tâm lắm vì cứ xem như là chuyện lượm bạc lẻ của mấy bà, mấy chị khi nông nhàn. Riêng về chuyện làm ăn khác, thì anh cho biết: Nuôi cá ở đây cũng tốt lắm, nhiều nhà nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông… Có điều thu hoạch nhiều nhưng còn vướng đầu ra, nên cũng chưa phát triển.

Hương tràm bay xa

Đến xã Bình Phong Thạnh, một xã xem như thị tứ của huyện Mộc Hóa. Anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ở xã tôi có 4.600ha, nhưng riêng cánh rừng tràm nguyên sinh này đã chiếm hơn 1.000ha. Đây là cả một tiềm năng chưa được đánh thức. Hơn một ngàn héc-ta, ở chỗ công ty anh Ba Đất Phèn (Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bé) mấy chục năm nay chỉ khai thác tinh dầu tràm hơn trăm héc-ta có bõ bèn gì. Tôi đã đi nhiều nơi có rừng tràm ở Cà Mau, Đồng Tháp… thấy không đâu đẹp như rừng tràm ở Mộc Hóa, nhưng ở đó vẫn khai thác du lịch tốt; vì vậy, xã quyết định khai thác thế mạnh này. Chúng tôi đã có dự án mở đường vào vùng lõi rừng tràm. Có đường đi thuận tiện, dịch vụ du lịch hấp dẫn, hy vọng sẽ thu hút du khách. Một khu du lịch xanh nghỉ dưỡng trong khu rừng tràm nguyên sinh là một phác thảo đầy hy vọng, không chỉ của xã Bình Phong Thạnh mà còn của cả huyện Mộc Hóa.

Chiếc tắc ráng đưa chúng tôi vào vùng lõi của cánh rừng tràm nguyên sinh, nơi mà anh Minh thông báo sẽ phát triển thành khu du lịch xanh. Những thân cây tràm khẳng khiu nghe nói đã có vài trăm năm, trải dài mút mắt. Trời xanh, mây trắng, chiếc tắc ráng xẻ nước chạy dọc kênh, dòng nước vàng đục sủi bọt trắng, nhiều chú cò bay lởn vởn bên chiếc tắc ráng như chưa hề sợ con người. Một khu nghỉ dưỡng, nằm giữa tán rừng tràm đầy chim thú tự nhiên là một tương lai không xa của nơi này. Bên phải chúng tôi là khu nhà máy chế biến tinh dầu tràm của Công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (MEPHYDIC). Trước đây công ty này là Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười của Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bé, tạo dựng.

Một khu du lịch, một khu nhà máy chế biến tinh dầu, một khu sản xuất từ cây tràm… sẽ biến mảnh đất còn hoang sơ này thành đất vàng. Ước mơ ấy chắc cũng không xa vời lắm!

Ngôi trường cấp 2-3 Bình Phong Thạnh thật to, vững chãi trên vùng đất mới. Các em học sinh áo trắng, quần xanh đen đạp xe lũ lượt ra về. Những đôi mắt sáng, những cái đầu không chịu đội nón cười vang trên đường về. Gặp chúng tôi đang đứng bên đường chụp ảnh, mấy cháu học sinh cứ chào hỏi rối rít: Chào bác, chào chú, chào ông... cứ như quen từ thuở nào. Một nét lịch sự văn minh làm vui lòng khách từ xa đến!

Tương lai của vùng đất mới là đây với những người chủ nhỏ của hương tràm, hương lúa Mộc Hóa hôm nay.

Nguyên An

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất