, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 13/03/2024, 19:30

Thời của "xanh thì mới được xuất nhanh"

ÁI MỸ
Thời tiết miền Nam, sau Tết, nắng gay gắt, đi cùng cảnh báo mặn xâm nhập lớn. Theo dự báo, đợt nắng nóng chịu tác động từ El Nino này sẽ còn kéo dài đến tận tháng 4, cũng như mức độ nắng nóng năm 2024 còn tăng và kéo dài hơn so với năm 2023. Và chỉ khi quay cuồng trong cơn nắng nóng bức bối, lời cảnh báo “hậu quả từ biến đổi khí hậu” hay “hệ quả từ El Nino” thì nhiều người mới thấy… gần và nặng nề như thế. Nhưng, giải pháp để chống đỡ lại có vẻ cứ xa vời, cách ứng phó vẫn khá hời hợt.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, với việc thu về 35,61 tỷ USD, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2022, Bangladesh đã vượt mặt Việt Nam, lên vị trí thứ 2 trong bảng tổng sắp những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Ngoài lý do được nhận nhiều ưu đãi dành cho nước nghèo (như miễn nhiều loại thuế, phí) thì có một thực tế là Bangladesh đã nhanh chân hơn chúng ta trong việc chuyển đổi xanh chuỗi cung ứng.

Không đáp ứng được 6 tiêu chí của LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường bao gồm: vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực…) thì coi như tự đánh mất cơ hội bán hàng ra thị trường quốc tế cũng như duy trì tính cạnh tranh, năng lực sản xuất…

Trên đây là ví dụ cho thấy sự cấp thiết vì sao Việt Nam phải đẩy nhanh hơn tính thực thi của khung chiến lược và thực chất hơn, minh bạch hơn khung chính sách về các biện pháp giảm khí thải nhà kính, cam kết mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra năm 2021 tại COP26.

Tại Việt Nam, TP.HCM là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Do đó, nếu không tìm mọi cách để hành động một cách thực chất giảm khí thải nhà kính, thiết lập và tham gia thị trường tín chỉ carbon, xanh hóa dần nền kinh tế lẫn tiêu dùng thì đã không những đi ngược xu thế mà còn tự tước bỏ cơ hội “cứu thế” của chính chúng ta.

Với tỷ lệ 80% lượng phát thải khí nhà kính và khoảng 7 - 10 tỷ tấn rác thải mỗi năm đến từ các đô thị, TP.HCM cũng “đóng góp” đến hơn 9.700 tấn/ngày (những ngày cao điểm lễ, Tết có thể tăng hơn 11.000 tấn/ngày), lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh, khoảng 10%/năm là một thách thức lớn về môi trường. Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 chỉ xếp hạng 49 cả nước với 13,99 điểm cần ngay một lời giải thực tế trước vô số “bổ đề cơ bản” như: tốc độ đô thị hóa nghịch chiều với đầu tư “xanh” cơ sở hạ tầng, nhà ở, dịch vụ, môi trường; độ bao phủ công viên, giao thông công cộng, cá nhân….

Thật ra, nghịch lý trên đã được nhìn thấy từ sớm, từ xa, song ứng xử với nó một cách căn bản, nhất quán và… kiên định hay không trước thách thức gia tăng dân số (trong “combo” việc làm, cư trú, sinh hoạt…) lại không chỉ tùy thuộc vào “quyết tâm chính trị” hay ý chí của chính quyền. Nhưng rõ ràng, động thái cụ thể và điểm nhìn nhất quán của lãnh đạo thành phố trong thời gian gần đây đã cho thấy cả tính tôn trọng (nhằm bảo vệ, khai thác một cách hợp lý) nguồn tài nguyên thiên nhiên và tính cẩn trọng (nhằm kiểm soát và cân bằng mức độ đô thị hóa trong quy hoạch tổng thể) trong quyết định.

Thí điểm mô hình giao thông xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ, kết nối livestream bán hàng OCOP tại huyện đảo này để gia tăng tính bền vững chuỗi nuôi trồng, phân phối các sản phẩm nông nghiệp bản địa và tất nhiên, đặc biệt chú trọng du lịch xanh bán đảo Cần Giờ (đi kèm các dịch vụ xanh) như một bước “khảo sát” thực địa trước hai siêu dự án là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Quan điểm của người đứng đầu chính quyền TP.HCM đã nêu rõ: “Thành phố sẽ không đánh đổi mọi giá để phát triển các dự án mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và các vấn đề về tài nguyên, môi trường. Mặt khác, thành phố cũng không chỉ nhìn ở góc độ bảo vệ môi trường mà bỏ qua các cơ hội phát triển. Chúng ta chọn phát triển dự án thì có sự đánh đổi nhưng cần làm sao để sự đánh đổi đó mang lại hiệu quả lớn nhất và hậu quả ít nhất…”.

Hiện thực hóa cam kết Net Zero hay cụ thể hóa bằng phép tính tín chỉ carbon, trung hòa carbon (có trong Nghị quyết 98 của Quốc hội dành cho TP.HCM), đáp ứng cả hai mặt là bảo vệ môi trường và là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bởi như đã nói, giờ là thời của “xanh thì mới được xuất nhanh, không xanh thành của để dành trong kho”, nên chỉ có chuyển đổi xanh (với kinh tế xanh, tiêu dùng xanh) thì mới có thể thúc đẩy kinh tế, gia tăng chuỗi cung ứng và là lợi thế cạnh tranh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất