, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 26/12/2016, 09:30

Thôn quê vẫy gọi

PHÚ LI

1. Một lần khi sắp được nghỉ dịp lễ lớn, khi nghe tôi bảo sẽ về quê, cô bạn đồng nghiệp xuýt xoa: “Mấy người ở quê sướng thật!”. Cô đồng nghiệp dân Sài Gòn chính gốc, những khi có thời gian rỗi, cô và gia đình vẫn hay du lịch đây đó, tuy nhiên như cô nói, đi hoài cũng nhàm. Vả lại cũng toàn những nơi đông người ồn ã, lắm khi ao ước có một khu vườn yên tĩnh chỉ để mắc võng rồi ngủ suốt mấy ngày lễ mà không được.

Hóa ra ngay cả dân đô thị gốc cũng muốn thoát khỏi cái ồn ã, xô bồ của nó trong một thoáng; huống hồ là những ông già, bà cả ở quê, lâu lâu lên Sài Gòn thăm con cháu chỉ được một, hai hôm thì vội vã đòi về, bởi lẽ: “Trời ơi ồn đến mắc mệt! Tao ở thêm ngày nào chắc bệnh chết”.

Nông thôn ngày nay không thiếu những ngôi nhà khang trang được xây bằng tiền tỉ.
Nông thôn ngày nay không thiếu những ngôi nhà khang trang được xây bằng tiền tỉ.

 “Mấy người ở quê sướng thật!”. Câu nói của cô đồng nghiệp bất giác khiến tôi nhớ về quãng thời gian khoảng… 20 năm trước. Khi ấy dĩ nhiên tôi chỉ là một cậu nhóc ở quê và vẫn thường hay nghe mấy cô, mấy bác nói với nhau: “Mấy người ở thành phố sướng thật!”. Trong con mắt người ở quê khi đó, thành phố thật lung linh, hào nhoáng; người thành phố như có một “đẳng cấp” khác: rất giàu, sống trong những ngôi nhà sang trọng với đầy đủ tiện nghi, chỉ cần dùng tay ấn nút là máy móc tự chạy, chứ chẳng mất mấy mồ hôi hay công sức.

Nông thôn - thành thị có lẽ muôn đời vẫn tồn tại một vài nét khác biệt. Tuy nhiên, cũng từ lâu rồi tôi không còn nghe cái câu: “Mấy người thành phố sướng thật!” nữa. Bởi lẽ những tiện nghi như xe máy, tủ lạnh, máy giặt… mà một thời người ở quê ngưỡng mộ và mơ ước có được, thì nay trở nên khá bình thường. Đời sống đi lên đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa đô thị và thôn quê. Ừ, có thể ở quê còn thiếu những nơi vui chơi hay trung tâm mua sắm hiện đại và hào nhoáng. Có hề gì, không mua ở cửa hàng hoành tráng thì mua ở cửa hàng nhỏ, vì quan trọng vẫn là sản phẩm. Hơn nữa, không ít những gia đình ở quê cứ thỉnh thoảng lại bao xe, hoặc là ngồi trên những chiếc xe hơi bạc tỉ của mình để xuống thành phố vui chơi, mua sắm cho thỏa rồi về. Dĩ nhiên, chắc cũng không hiếm những thiếu gia ở quê chơi ngông như công tử Bạc Liêu thuở nào.

“Người ở quê sướng thật!”. Người ta thường ngưỡng mộ những thứ mình không có. Trong con mắt của người thành phố bây giờ, có lẽ khoảng không gian trong lành, yên ả, những thân tình mộc mạc, rau trái tự trồng, thịt cá tự nuôi… không hóa chất của người ở quê khiến họ phải thèm thuồng. Chẳng thế mà có không ít người từ thành thị phải tất tả ngược về nông thôn để cậy người ở quê cung cấp thực phẩm hàng ngày. Đến nỗi có người ở quê đã phải cám cảnh mà rằng: “Người thành phố… tội thật!”.

2. Tôi có cậu bạn hiện đang làm việc cho một công ty truyền thông và cũng có “vai vế”, trong một lần tán gẫu đã bộc bạch rằng: “Em vẫn tự hào mình là người ở quê anh ạ! Bởi em còn biết cái ô tô nó ra làm sao, chứ khối đứa ở thành phố lại chẳng biết con bò nó ra thế nào”. Ví von của cậu bạn hàm chứa một chút đùa nhưng… hoàn toàn là sự thật. Hồi học đại học, một cô bạn dân Sài Gòn đã hỏi tôi một cách thật chân thành, rằng con bò nó ra làm sao?

Có người sẽ cho rằng tôi nói quá. Không hề! Tin rằng không ít con nít ở thành thị bây giờ, cùng lắm chỉ biết hình ảnh của con bò sữa nhờ… quảng cáo trên tivi. Nếu ở quê, chúng sẽ biết thêm rằng còn có những con bò màu vàng, màu hung, màu trắng… Rằng bò mỗi lần đẻ một con và thời gian mang thai cũng giống con người, tức khoảng chín tháng mười ngày…

Không riêng gì chuyện con bò, cuộc sống ở nông thôn sẽ dạy cho người ta thật nhiều điều. Chính nhờ môi trường thiên nhiên phong phú xung quanh, người lớn sẽ giúp lũ trẻ quê nhận biết dễ dàng về thế giới vật nuôi hay cây cỏ, thứ nào ăn được, thứ nào không nên đụng đến vì có độc. Một đứa trẻ ở quê khi bị đứt tay cũng sẽ biết nên dùng lá của cây cỏ nào để cầm máu; nhìn kiến bò lên chỗ cao sẽ biết rằng trời sắp mưa; ra đường ban đêm biết khi trời mưa thì tránh chỗ trắng, trời nắng thì tránh chỗ đen, trời tối nhập nhèm phải đi cao bước… Ngoài ra, nhờ việc tự tạo ra đồ chơi ngay từ bé mà lớn lên, sự khéo léo cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân mỗi người.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà chuyên môn hay khuyên các bậc cha mẹ ở thành thị nên dành thời gian đưa con trẻ về trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn. Cứ chăm chăm vào màn hình vi tính và bị vây quanh bởi những khối bê tông, các em có thể rất giỏi công nghệ hay ngoại ngữ nhưng về kĩ năng sống thì rất hạn chế.

Từng một thời, thậm chí ngay cả bây giờ cũng còn không ít người nghĩ rằng chỉ có thành thị mới cho trẻ một nền tảng giáo dục tốt nhất, vững chắc cho tương lai. Trên thực tế, phần đông nhân lực đều xuất thân từ thôn quê, nhiều người trong số đó còn nắm giữ vị trí quan trọng ở những công ty hay tập đoàn lớn. Đó là lứa lao động mà khi còn bé, ngay cả việc được xem tivi còn rất hạn chế. Ngày nay, bọn trẻ ở quê đã có thể lướt smartphone hay máy tính bảng ào ào, thì tương lai ắt đâu hiếm những nhân tài được các công ty quy mô thế giới săn tìm.

3. Thành thị-nông thôn, mỗi nơi đều có một vai trò và sức hút riêng, cũng như vẫn còn đó một vài hạn chế nhất định. Điều đáng mừng là bức tranh nông thôn ngày nay trong suy nghĩ của mọi người đã có rất nhiều gam màu sáng chứ không chỉ lạc hậu hay thiếu thốn mọi bề như trước nữa. Hàng năm, vẫn có rất nhiều những người rời quê ra phố. Song bên cạnh đó, người bỏ phố về vườn cũng không còn là chuyện hiếm hay lạ.

Vốn có câu: “Chỉ có người phụ đất, chứ đất không phụ người”. Quả vậy, cần mẫn với những thửa ruộng hay mảnh vườn rồi sẽ có ngày hưởng thành quả. Các tỉ phú nhà nông xuất hiện ngày một nhiều cũng là một trong những yếu tố giúp cân đối dần sự phân bố dân cư. Bởi rằng, đâu cần cứ phải phiêu dạt thị thành khi hoàn toàn có thể làm giàu và sống thật an nhiên, tự tại ngay chốn quê nhà.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất