, //, :: GTM+7

Thông tin sản phẩm rõ ràng tạo cơ hội chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu

NGUYỄN QUỲNH
(vov.vn)
Việc minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm chính là “chìa khóa” mở ra cho người sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với các thị trường xuất khẩu.

Nhiều năm qua, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp luôn có mức tăng trưởng khả quan. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Hiện nay, khi dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu, câu chuyện minh bạch quy trình sản xuất nông sản để tăng giá trị tiêu dùng, xuất khẩu ngày càng được coi trọng. Bởi khi các thị trường xuất khẩu đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, việc minh bạch nguồn gốc chính là “chìa khóa” mở ra cho người sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với các thị trường mới.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản giúp NTD yên tâm sử dụng sản phẩm. Ảnh: Thế Hùng

Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho rằng, để nông sản tạo dựng được uy tín tại các thị trường cũng như bán được giá, bà con nông dân, các HTX cần phải đảm bảo được tính minh bạch thông qua chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; quy chuẩn sản xuất bằng các giải pháp công nghệ, nhật ký điện tử sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh.

“Đối tác hoặc người tiêu dùng phải theo dõi được lô sản phẩm ngay từ ban đầu. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất của sản phẩm thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra”, ông Vinh thông tin.

Là một trong số ít các HTX ở Hà Nội tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch, gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp, hiện nay HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã ứng dụng công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống HTX.

Đại diện HTX Chúc Sơn cho biết, với các giải pháp đồng bộ như nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu… nên thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm, nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX vẫn duy trì, phát triển ổn định.

Tương tự, HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) với kinh nghiệm sản xuất lâu năm kết hợp việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp chất lượng sản phẩm mật ong có tính đồng đều hơn, từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường.

“Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng bằng việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tham gia kết nối thương mại điện tử nông sản trên cổng Blockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp, kết nối giao thương của HTX vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, với mức tiêu thụ hơn 7.000 lít mật ong, thu về khoảng 3 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) cho hay.

Đánh giá tính minh bạch của sản phẩm nông sản thông qua các ứng dụng công nghệ, ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Digital Kingdom (DGK) cho biết, hiện nay nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc. Có 59 Chi cục phát triển nông thôn, 160 cán bộ địa phương và hơn 600 cán bộ HTX đã sử dụng công nghệ này.

“Công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp nông sản minh bạch, thông tin rõ ràng khi xuất khẩu, tạo dựng niềm tin ban đầu giữa người bán và người mua. Nhờ việc chuyển đổi số này, thời gian qua, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ xuất khẩu, nâng tổng giá trị đơn hàng lên tới hơn 300 tỷ đồng”, ông Vũ nói.

Khẳng định tính hiệu quả của quá trình chuyển đổi số giúp minh bạch thông tin sản phẩm, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho rằng, đây là một giải pháp mà Cục cũng như Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đang triển khai tại 6 tỉnh, với mong muốn minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác nhất thông qua các giải pháp công nghệ.

“Sau quá trình thử nghiệm, sản phẩm nông sản của các HTX sẽ được gắn tem truy xuất thông minh, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, rõ ràng về quy trình tạo thuận lợi tốt nhất cho đầu ra của doanh nghiệp. Giải pháp này còn mang lại tiện ích rất lớn cho người tiêu dùng, bởi họ chỉ cần một thao tác nhỏ là có thể biết ngay về dung lượng sản phẩm tại các HTX, quy trình sản xuất, quy chuẩn tiêu chuẩn sản phẩm cũng như dự báo sản lượng, thời vụ…”, ông Thịnh nêu rõ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất