, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 30/03/2021, 12:41

Thú chơi chim cảnh

HÀ NGUYÊN HUYẾN
(nongnghiep.vn)
Tất cả làng chơi chim cảnh cứ nhộn lên. Đó đây liên tục có những lời đồn con chim đang ở chỗ này, chỗ kia hay…
Một cuộc thi chim của những người chơi chim cảnh ở Đồng Nai.
Một cuộc thi chim của những người chơi chim cảnh ở Đồng Nai.

Thú chơi chim cảnh không biết có từ bao giờ nhưng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, từ khi con người có “ý thức cải tạo tự nhiên” cho phù hợp với đời sống của mình thì thú chơi chim cảnh được hình thành.

Thú chơi thuần phác

Tôi còn nhớ thời cậu tôi còn trai trẻ, cậu đã mang một con quạ bị gãy cánh từ ngoài đồng về. Cả làng ai cũng bảo đó là “điềm xui xẻo”. Cậu tôi nói rất đơn giản: Nó bị thương, để ngoài ruộng… không đành! Cậu tôi nuôi trong nhà mấy năm sau thì con quạ biết nói.

Cho đến tận bây giờ sau mấy chục năm tôi vẫn còn nhớ như in, mỗi lần sang nhà bà ngoại, hình ảnh một con quạ suốt ngày đứng bên cạnh cái bồ đựng muối trên bờ bếp. Thỉnh thoảng lại cất tiếng nói ồ ồ như giọng một ông già nghiện thuốc lào: Ai đấy, ai gọi tôi đấy!

Tôi hỏi cậu: Sao quạ không bị cắt cánh mà chẳng bay đi. Cậu tôi bảo: Cậu cho nó ăn muối, nên nó không thể bay đi! Lần đầu tiên trong đời tôi hiểu thêm một khía cạnh nữa của câu: “Gừng cay muối mặn”…

Hiện nay người bán chim “phôi” (chim mới được bắt ngoài thiên nhiên) hình thành một đội ngũ đông đảo theo luật “cung - cầu”. Ta có thể gặp họ bất cứ đâu trên đường, dừng chiếc xe máy cồng kềnh bởi phải buộc vào đấy mấy chục cái lồng to nhỏ và vài chục loại chim.

Xe chim đỗ ở đâu là ở đó xuất hiện những người đam mê chim cảnh. Nhỏ thì vành khuyên, chào mào, chích chòe. Lớn thì khiếu, yểng, vẹt… Quí hiếm là họa mi và có những loài chim không biết tên gọi là gì, chỉ thấy bộ lông sặc sỡ, hình dáng kỳ lạ mà đoán có lẽ chúng được bắt từ rừng sâu núi thẳm, hay trên những đỉnh kỳ vĩ của dãy Trường Sơn. To nhỏ, xấu đẹp không quyết định đến giá cả.

Hội chơi chim cảnh của từng làng, từng vùng cũng rất nhộn nhịp. Thỉnh thoảng nghe tiếng một con chim hay, khách ở thành phố về. Đôi khi có những người được mệnh danh “đại gia” săn lùng chim quý. Một con chào mào năm hay bảy triệu đồng cũng chỉ là chuyện… “thường ngày ở làng”!

Một anh chàng thợ mộc ở Thạch Thất (Hà Nội) đã kể với tôi, chính anh ta đã mua được một con chào mào “mơ” ở huyện Lập Thạch (Phú Thọ). Tôi ngây ngô hỏi lại: “Mơ” là thế nào? Toàn thân nó vàng ươm màu hoa mơ. Trong đầu tôi hình dung ra một con chim chào mào vàng óng, chỉ có hai cái má đỏ chót và cái mào đen nhánh… Một con chào mào như thế không phải là ai cũng có thể nhìn thấy một lần trong đời mình! Con "mơ” đó, anh thợ mộc đã nhẹ nhàng “ẵm” năm triệu đồng sau khi bỏ ra bốn trăm nghìn đồng vốn và một thôi đường bằng xe gắn máy.

Hiện nay anh đang có một con chào mào bạch. Tôi nhìn con chào mào toàn thân trắng toát như được quét một lớp vôi, màu trắng càng tôn thêm đôi má đỏ và cái mào như được phết những nhát mực tàu đen nhánh, bảo: Con này có lẽ phải chục triệu trở lên. Anh thợ mộc thở dài bảo: Lẽ ra phải là như vậy, nhưng “ôm” con này là em bị “móm” đấy ông anh ạ!

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Anh thợ giải thích, ông anh nhìn kỹ xem, tất cả móng chân con chim này đã bị bấm hết sạch. Mãi cho đến khi chuẩn bị nhận tiền từ tay một đại gia ở Hà Nội., lúc đó em run lên với số tiền mười lăm triệu đồng thì người mua phát hiện ra điều kỳ lạ trên. Mãi đến lúc ấy em mơi ngã người vì khi mua đã không nhận ra. Khách bán chim mãi tận Bắc Ninh. Nghe nói người này thường mang chim cảnh qua biên giới sang Trung Quốc. Chơi với bọn đó thì thua rồi…

Đường đời chằng chịt theo đường chim

Tất cả làng chơi chim cảnh cứ nhộn lên. Đó đây liên tục có những lời đồn con chim ở chỗ này, chỗ kia hay… Vài năm gần đây người chơi chim cảnh lan rộng ra toàn quốc. Nếu có dịp đi lang thang trong các phố phường Hà Nội, hình ảnh những lồng chim được treo lơ lửng trước cửa hàng buôn bán “mặt đường, mặt phố” là chuyện bình thường. Trên phố Tăng Bạt Hổ có thể nói là một điển hình, hay trên phố Lê Đại Hành mỗi sáng ngồi nhâm nhi bên li cà phê nghe tiếng chim lẫn với tiếng còi xe cũng thấy một cái gì là lạ trong cuộc sống nhộn phịp phố phường hôm nay.

Đã có chơi là có thị trường mua bán. Hình ảnh những chiếc xe máy chạy vun vút, người ngồi sau xe hai tay xách hai cái lồng được quây bằng vuông lụa điều sang trọng và quí phái là đoán đâu đó lại đang có cuộc “đấu” hay mua bán chim cảnh. Giá một con chim hay tùy loại có thể từ mười triệu hay một vài trăm triệu vẫn là chuyện xảy ra hàng ngày.

Biết tôi thủa thiếu thời hay chơi chim và gần đây hay để ý đến chim cảnh. Một người bạn ân tình mang đến cho tôi một con họa mi. Tôi ngần ngại vì nghĩ đến việc lấy lòng đỏ chứng gà trộn với gạo rồi phơi, sấy… Anh ta bảo, nuôi chim bây giờ không phải “cào cào, châu chấu” như ngày xưa đâu. Công nghệ cám chim đã cho ra đời ở Hà Nội những xưởng sản xuất vài chục công nhân, với những máy móc hiện đại. Bên cạnh đó còn cám Tàu, cám Thái…

Để thuyết phục thêm, anh nhấn mạnh: Đây là giống họa mi của vùng núi Tản Viên! Trước khi đi, anh bạn “lưu” vào điện thoại của tôi một đoạn băng ghi âm tiếng họa my hót, bảo: Khi muốn nghe chim hót ông chỉ cần mở băng ra thôi. Câu nói đơn giản, chỉ những người trong làng chơi chim cảnh mới hiểu hết được ý nghĩa.

Thứ nhất, do tính chất “địa khu vực” nên Tản Viên Sơn thường sản sinh ra những con họa mi anh hùng nhất. Bao nhiêu đời nay, họa mi Tản Viên Sơn đã để lại danh tiếng lừng lẫy cho các sới đấu quanh vùng và cả nước. Gần đây còn lan ra cả khu vực Đông Nam Á nữa…

Thứ hai, chim họa mi không tự dưng hót, mà nếu có cũng không phải là những khúc ca tuyệt vời nhất. Giống mi đến lạ, hể nghe thấy tiếng đồng loại là mắt sáng lên… Có điều lạ là con mi nào hót chậm vài nhịp là cụp đầu, nằm bẹp xuống đáy lồng… thua cuộc! Giống chim là thế, chỉ qua giọng hót đã có thể phân đẳng cấp.

Nuôi chim mà không được nghe chim hót ư, tôi đành phải dùng đến thủ thuật là mở băng ghi âm tiếng chim. Chẳng biết do công nghệ hiện đại đã đánh lừa được con chim hay bản năng hoang dã vừa kiêu hùng và cũng vừa là bi kịch của con đực đã khiến con họa mi của tôi lên tiếng. Tôi chưa một lần được chứng khiến những “cuộc đấu bách thanh” lừng lẫy của các bậc cao thủ trong làng chim, nhưng có lẽ cuộc đấu của các cụ đến thế là cùng!

Từ ngày nhận chim về nuôi hôm nay con mi của tôi mới có đối thủ. Tất nhiên là cái băng ghi âm của tôi không bị thua. Con họa mi trong lồng điên tiết lên, nó đã cống hiến cho tôi và làng chơi những âm thanh không thể diễn tả bằng lời. Điều này có lẽ chính loài mi cũng không nghĩ là chúng có khả năng tuyệt vời như vậy.

Hót mãi mà không thấy mặt đối thủ và đối thủ cũng không chịu khuất phục, con hoa mi của tôi trổ hết tài năng, nó bắt chước hầu như tất cả tiếng kêu của loài vật đang nuôi trong nhà, trong xóm… Sợ chim ốm, tôi đành tắt băng ghi âm cho chim nghỉ.

Thật là một khả năng siêu việt, mỗi lần mở băng con họa mi của tôi nhận ra ngay đối thủ. Nó không hót tiếng của loài mi nữa mà nó hót tiếng của những con vật khác mà “con mi trong băng” không bắt chước được… Con họa mi đã dùng mọi thủ thuật, kể cả những thứ không phải của loài mi để chiến thắng đối thủ!

Vô cùng buồn bã. Một buổi sáng tôi mở cửa lồng cho con họa mi bay đi. Tôi không thể giam giữ một con chim như thế. Tôi không thể chịu được khi ngày ngày cứ phải nghe con họa mi - một loài chim anh hùng - lại đi hót tiếng của một con gà, đôi khi là một con gà mái động đẻ. Nhìn con chim vụt đi như một ánh chớp, tôi hình ra nó sẽ là một trong những con “quản thung” (chúa tể một vùng) oai hùng của Tản Viên Sơn kỳ vĩ…

Và một nỗi cô đơn không có đầu có cuối xâm chiếm tâm hồn tôi. Mỗi lần nhớ đến con chim, tôi chợt cảm thấy như mình đang bị giam trong chính ngôi nhà của mình! Chua chát nhưng may mắn là tôi đã nhận ra điều đó, trong làng chơi còn có ai như tôi không?

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất