, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 30/11/2022, 11:01

Thu nhập tốt nhờ xử lý khóm trái vụ trên đất mặn phèn

HỒ MINH THẢO
(nongnghiep.vn)
Dù trên đất mặn phèn, cây khóm (dứa) vẫn thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Nếu xử lý khóm cho trái nghịch mùa, nông dân bán giá cao, thu nhập rất tốt.

Vùng đất Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, Hậu Giang) xưa nay vốn nhiễm phèn, nhiễm mặn, kén cây trồng. Nông dân chủ yếu sống bằng cây khóm, cây mía và tràm. Nhưng cây mía giá cả bấp bênh, còn tràm thì trồng gần chục năm mới thu hoạch. Chỉ còn cây khóm là "cứu cánh" cho nông dân trên vùng đất khó.

Điển hình như gia đình ông Lê Thanh Nghiệp ở ấp Vị Thắng trước đây không ít lần thua lỗ vì trồng mía, nên chuyển sang cây khóm. Đến nay, với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng khóm, ông Nghiệp là người thành công với cách xử lý cho trái ra mùa nghịch, bán được giá cao.

Xử lý cho trái ra nghịch mùa, nông dân trồng khóm Hậu Giang luôn bán được giá cao. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Nghiệp cho biết, giống khóm gia đình chọn trồng là giống Queen, với đặc điểm cho trái to, cuống ngắn, hốc mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt thanh. Vườn khóm nhà ông Nghiệp từ lúc trồng đến 12 tháng cây bắt đầu cho trái, trung bình trọng lượng trái từ 1,5 - 2kg, cho năng suất trung bình 20 tấn/ha.

Cũng theo ông Nghiệp, lúc đầu kinh tế gia đình còn eo hẹp nên ông vay ngân hàng 60 triệu đồng về làm vốn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ai thuê gì hai vợ chồng ông Nghiệp làm đó để lấy tiền tu bổ vào ruộng khóm. Khi ruộng khóm phát triển tốt, ông Nghiệp bắt đầu canh mùa vụ.

“Theo kinh nghiệm tôi đúc kết được, vào những tháng 6, 7, 9 và tháng 11 giá khóm cao tột đỉnh nên bà con canh thu hoạch vào những tháng đó là hốt bạc”, ông Nghiệp chia sẻ.

Ông Nghiệp cho biết thêm, khâu quan trọng nhất là làm đất, nếu để cỏ dại mọc nhiều trên đất khóm thì tiền thuê nhân công làm cỏ còn cao gấp đôi số tiền làm đất ban đầu. Kế đó, ông Nghiệp chọn giống khóm cho trái to, dài, sạch bệnh, ít bị chết cây.

“Người trồng khóm nên thường xuyên thăm ruộng, nếu phát hiện cây bị bệnh, thay vì cố gắng phun thuốc cứu cây, bà con nên nhổ bỏ, trồng mới bằng cây khác. Bởi vì, tiền nông dân mua thuốc phun cây còn đắt hơn một cây khóm giống nhiều lần”, ông Nghiệp nói.

Khóm Cầu Đúc khi chín có màu vàng đậm, trái to, ít nước và ngọt thanh. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Nghiệp tiết lộ thêm, để giảm chi phí đầu vào, ông sử dụng phân hữu cơ kết hợp với vô cơ theo tỷ lệ 7/3. Sử dụng phân hữu, ngoài giảm được chi phí, vườn khóm của ông Nghiệp còn xanh tốt, tỷ lệ trái to, đạt năng suất. Nhờ vậy, ruộng khóm rộng 2ha nhà ông Nghiệp sau khi trừ hết chi phí vẫn còn lãi gần 200 triệu đồng.

Không những sản xuất giỏi, ông Nghiệp còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong xóm làm theo và đã thành công. 

Bà Đoàn Thị Sương, ngụ cùng địa phương phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi vừa thu hoạch 15 công khóm (1 công = 1.000m2), được khoảng 30 tấn trái, thương lái đến mua tại ruộng với giá 10 nghìn đồng/trái (khóm loại nhất). Sau khi trừ hết chi phí, tôi bỏ túi khoảng 150 triệu đồng".

Bà Sương chia sẻ thêm, cây khóm dễ trồng, phát triển tốt trên đất phèn, chi phí lại thấp. Bình quân 1 công đất bà Sương trồng khoảng 2 nghìn cây giống, mỗi cây cách nhau từ 6 - 7cm. Sau khi trồng cây được 1 tháng tuổi, bà Sương bắt đầu tưới phân kích thích ra rễ. Tiếp đó, đều đặn mỗi tháng bà Sương tưới phân hữu cơ dưỡng cây một lần. Sau 12 lần tưới phân, ruộng khóm bà Sương bắt đầu cho cho trái. 

Theo tính toán của bà Sương, vốn đầu tư vào một công đất khóm, từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ tốn khoảng 5 - 8 triệu đồng, trong khi bán được giá, lợi nhuận đến 15 triệu đồng. Vì vậy, năm tới bà Sương dự định sẽ mở rộng diện tích trồng khóm thêm khoảng 1ha và tiếp tục xử lý cho ruộng khóm ra trái nghịch mùa.

Cánh đồng khóm 2ha của gia đình ông Nghiệp. Ảnh: Hồ Thảo.

“Tháng mùa nghịch, khóm bán có giá từ 10 nghìn đồng/trái trở lên, thương lái mua cũng ít dạt hàng, nhờ vậy nông dân chúng tôi mới có lãi”, bà Sương thổ lộ.

Cũng theo bà Sương, ngoài dùng để ăn tươi, ngày nay khóm được chế biến thành nhiều mặt hàng khác như nước khóm ép, khóm sấy khô, kẹo, mứt, nước giải khát… Ngoài ra, khóm là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc của nhiều người với những món ăn từ khóm như canh chua cá rô, thịt ba rọi xào khóm, khóm kho cá…

Ông Trương Hữu Vịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hỏa Tiến cho biết, khoảng 3 năm lại đây, do tác động của biến đổi khí hậu, mặt nước dâng cao ảnh hưởng đến năng suất của một số loại hoa màu tại địa phương. Riêng cây khóm vẫn phát triển tốt, giá bán ổn định nên Hội Nông dân xã đã hướng dẫn kỹ thuật cho bà con chuyển đổi sang trồng khóm để cải thiện kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã thành lập 2 HTX để thông qua đó xây dựng thương hiệu khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến tiến xa hơn nữa trên thị trường.

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, cây khóm được xác định là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Trong năm 2022, diện tích khóm xuống giống toàn tỉnh hơn 3 nghìn ha, sản lượng ước tính đạt hơn 37 nghìn tấn; kế hoạch đến năm 2023, sản lượng toàn tỉnh nâng lên trên 48 nghìn tấn.

Theo đề án quy hoạch của tỉnh Hậu Giang, xã Hỏa Tiến quy hoạch trở thành vùng trồng khóm với 100% diện tích. Đến nay, có khoảng 80% diện tích toàn xã chuyển đổi từ cây khác sang khóm. Hướng tới, tỉnh tiếp tục xây dựng thương hiệu khóm Cầu Đúc để nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế, xã hội và có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc địa phương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất