, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/11/2021, 11:54

Thủ phủ thanh long trông chờ vụ nghịch: Sản lượng cao, mẫu mã đẹp, được giá

KIM SƠ - LÊ KHÁNH
(nongnghiep.vn)
Người trồng thanh long Bình Thuận nỗ lực chăm sóc cây thanh long để chuẩn bị bước vào vụ chong đèn ra trái nghịch vụ phục vụ thị trường cuối năm, kỳ vọng thắng lớn.

Nông dân hào hứng

Gần 2 tháng nay, vườn thanh long khoảng 1.300 trụ của gia đình ông Nguyễn Tánh, ở thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã lặt bỏ hết trái vụ mùa để tập trung chăm sóc cho cây thanh long thật sung sức.

Cùng với đó, ông còn nỗ lực phòng trừ sâu bệnh hại thanh long như đốm nâu, ốc sên nhỏ… nhằm đảm bảo vườn trong tình trạng an toàn. Đầu tháng 10 âm lịch, ông dồn sức chong đèn thanh long ra trái nghịch vụ, nhằm phục vụ thanh long vào dịp cuối năm và dịp tết Nguyên đán.

Nông dân Bình Thuận tập trung vệ sinh vườn để chuẩn bị bước vào vụ chong đèn. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Tánh cho biết: Thanh long có đặc điểm khi vặt bỏ trái, cây sẽ dưỡng sức nuôi dưỡng ra bông, đậu trái cho lứa sau. Hơn nữa trái thu hoạch cũng chất lượng hơn. Vì vậy thời gian qua tôi đã tập trung vào  dưỡng cây thanh long để kỳ vọng cho vụ sản xuất thanh long cuối năm và thị trường dịp tết. Bởi thời điểm đó thanh long bán được giá và rất hút hàng.

Theo ông Tánh, thông thường những năm trước, lứa thanh long thu hoạch từ tháng Chạp trở đi giá thu mua có năm lên đến 20 - 23 ngàn đồng/kg, còn thấp cũng được 12 - 13 ngàn đồng/kg. Với giá này, nông dân sản xuất có lãi. Tuy nhiên, năm ngoái giá thanh long quá rẻ. Song nông dân vẫn hy vọng cho lứa thanh long vào dịp cuối năm nay sẽ khởi sắc.

Theo ghi nhận chúng tôi, thời điểm này rất nhiều vườn thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã chong đèn để thu hoạch lứa trái vào thời điểm bất kỳ những tháng cuối năm, cũng như phục vụ thị trường tết dương lịch.

Người trồng thanh long cho biết, thời gian qua thời tiết trên địa rất thuận lợi còn gió mùa Tây Nam nên ban đêm trời ấm và cây thanh long dễ ra hoa hơn là khi trời mưa, se lạnh. Vì vậy, bà con chong đèn dù thưa bóng, song chỉ mất từ 12 - 14 ngày là đã ra hoa, trong khi trời lạnh phải mất từ 17 - 18 ngày.

Hiện nay có nhiều vườn đã chong đèn để thu hoạch vào thời điểm rằm tháng 10 và 11 âm lịch. Ảnh: Kim Sơ.

Như vườn thanh long nhà ông Nguyễn Văn Dần ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) có 1.000 trụ, trong đó 500 trụ đã chong đèn từ trước ra trái xanh bằng nắm tay, rất sum suê. Dự kiến, vườn này sẽ cho thu hoạch từ 5 - 7 tấn.

Ông Dần cho biết, rút kinh nghiệm tránh sản lượng dồn một lúc, chẳng may lại thừa thanh long do ảnh hưởng dịch bệnh, bán không được giá, ông đã chia làm 2 pha chong đèn. Trong đó pha đầu tiên ông dự kiến thu hoạch xuất bán vào tháng 11. Pha còn lại ông đang nỗ lực chăm sóc 500 trụ thanh long để chuẩn bị bước vào vụ chong đèn thu hoạch sản phẩm vào dịp gần tết nguyên đán.

Được biết, để có một lứa thanh long ra trái nghịch vụ thì từ lúc kích thích ra hoa bằng chong đèn điện đến khi thu hoạch mất từ 2,5 - 3 tháng, tuỳ theo thời tiết cũng như sức khỏe cây và chi phí đầu tư sản xuất 1kg thanh long trên dưới 10 ngàn đồng (tùy vườn chăm sóc).

Cần chế độ chăm sóc phù hợp

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết để cho cây thanh long ra hoa tốt hơn, cho lứa trái thu hoạch vào dịp cuối năm đạt hiệu quả cao thì việc cung cấp dinh dưỡng cân đối và đầy đủ cho cây cũng như phòng trừ sâu bệnh trước khi tiến hành chong đèn là điều hết sức cần thiết.

Nhiều vươn thanh long thời gian qua đã dưỡng cây để dồn sức vào lứa thanh long cuối năm. Ảnh: Kim Sơ.

Vì vậy, hiện nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương chuẩn bị vật tư đầu vào như bón phân, rơm tủ gốc, thuốc bảo vệ thực vật để tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cũng như thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, chăm sóc tỉa cành, tạo tán… cho cây khỏe trước khi triển khai chong đèn như đã khuyến cáo.

Bên cạnh đó, để sản xuất trái thanh long đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm phục xuất khẩu, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ sâu bệnh hợp lý, đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời lưu ý nông dân áp dụng đồng bộ biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), không nên chỉ phụ thuộc vào thuốc BVTV.

Cùng với đó ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình dịch hại tại các vùng trồng thanh long đã được cấp mã số xuất sang Trung Quốc, chú ý các loài rệp gây hại. Trường hợp phát hiện các loài rệp là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vườn trồng hoặc tại cơ sở đóng gói được cấp mã số thì bắt buộc xử lý, loại bỏ triệt để khỏi lô hàng trước khi xuất khẩu. Cũng như hướng dẫn các biện pháp khắc phục các loài sinh vật gây hại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất và cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện đúng quy định.

Nông dân vẫn kỳ vọng lứa thanh long sản xuất cuối năm được thắng lợi. Ảnh: Lê Khánh.

Ngoài ra, tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở nhà đóng gói thanh long theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp Bình Thuận và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tham mưu đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 78 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh.

Từ đó đã đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để người sản xuất và cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh được thuận lợi. 

“Với sự chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi, hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch bệnh trên thanh long, đồng thời đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, nông dân chăm chút kỹ lưỡng từng pha đèn, các nhà vườn rất hy vọng lứa thanh long dịp cuối năm sẽ đạt sản lượng cao, mẫu mã đẹp và được giá”, ông Tấn bày tỏ.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, chuyên môn trực thuộc phối hợp tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường, cập nhật tình hình tiêu thụ tại các cửa khẩu, từ đó khuyến cáo nông dân sản xuất xây dựng kế hoạch rải vụ để tránh sản lượng thu hoạch dồn vào cùng thời điểm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất