, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/03/2024, 13:30

Thử thách trong xuất khẩu mật ong có nằm ở thị trường?

THIÊN DI
Châu Âu vừa đặt ra quy tắc bắt buộc về ghi nhãn xuất xứ với mật ong nhập khẩu. Điều này được ghi nhận như một thử thách với các nhà xuất khẩu mật ong vào thị trường này, và Việt Nam không ngoại lệ. Trước những hàng rào ngày càng thắt chặt về thuế, về chất lượng, chỉ tiêu môi trường của các nhà nhập khẩu - mật ong Việt Nam như rơi vào thế “tứ bề thọ địch”. Nhưng, sau quá nhiều biến động với những lần xoay mình để thích ứng, cần đặt câu hỏi: thử thách có thực sự ở đằng sau những hàng rào nhập khẩu?

Thoát phụ thuộc thị trường bằng cách tìm kiếm một… thị trường khác? 

Ngày 6/2/2024, các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam tiếp cận thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, cuối tháng 1/2024 vừa qua, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Châu Âu đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa.

Chỉ thị có tên Breakfast Directives - đặt ra các quy tắc chung về thành phần, tên bán, ghi nhãn và cách trình bày các sản phẩm này để đảm bảo sản phẩm được di chuyển tự do trong thị trường EU.

Cụ thể, với mật ong, nhãn xuất xứ bắt buộc thể hiện các quốc gia xuất xứ của từng thành phần trong mật ong hỗn hợp. Các quốc gia xuất xứ sẽ xuất hiện trên nhãn theo thứ tự giảm dần với tỷ lệ phần trăm của mỗi nguồn gốc. Các Quốc gia Thành viên sẽ có sự linh hoạt để yêu cầu tỷ lệ phần trăm cho bốn thị phần lớn nhất khi chúng chiếm hơn 50% trong hỗn hợp. Đối với mỗi gói dưới 30g, tên nước xuất xứ sẽ được viết tắt bằng 2 ký tự ISO.

Ủy ban được các nhà đồng lập pháp trao quyền đưa ra phương pháp phân tích hài hòa để phát hiện mật ong bị pha trộn với đường. Đây là một phương pháp thống nhất để truy tìm nguồn gốc của mật ong và các tiêu chí để đảm bảo rằng mật ong không bị làm giả khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng. EU cũng thành lập một nhóm làm việc để chống làm giả mật ong và gian lận thương mại.

Vậy là hàng rào chất lượng và sự minh mạch với mật ong nhập khẩu tại EU vừa được thắt chặt. Còn nhớ, giai đoạn từ 5/2021 - 4/2022 , các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt từng trải qua một giai đoạn thấp thỏm đặc biệt khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra việc chống bán phá giá và tiến hành áp thuế chống phá giá lên mật ong Việt Nam. Từ mức thuế 410,93 - 413,99% vào tháng 11/2021, DOC ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong nhập khẩu, giảm xuống còn khoảng 61% cho mật ong Việt Nam.

Trước biến cố về thuế chống bán phá giá, thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Từ vị trí thứ nhất vào năm 2020, Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 7 về thị phần trong số các nước xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ trong năm 2022.

Mật ong Việt lao đao. Nhu cầu đa dạng hóa thị trường trở nên cấp bách. Các chuyên gia kinh tế lẫn người có trách nhiệm trong ngành ong Việt Nam đều nhận định rằng không nên chỉ phụ thuộc một thị trường, bởi khi thị trường đó có biến động thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, nước ta có đến 1,7 triệu đàn ong với 40.000 hộ gia đình sinh sống bằng nghề nuôi ong, hàng trăm công ty chế biến, kinh doanh và xuất khẩu, và có tới 90% sản lượng mật ong thu hoạch dành để xuất khẩu. Đó vốn là một lợi thế, lại trở thành một áp lực cực kỳ lớn lên nền sản xuất khi việc xuất khẩu “có biến”.

Từ kinh nghiệm này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh còn đề xuất rằng các ngành hàng nên hình thành thói quen chỉ báo, khi một thị trường vượt quá 50 - 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng thì cần có sự điều chỉnh.

Từ giai đoạn đó, toàn ngành mật ong, đặc biệt là các doanh nghiệp ôm mộng xuất khẩu bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường EU - thị trường vốn khắt khe nhất trong các tiêu chuẩn về chất lượng và môi trường với sản phẩm mật ong. Để đến bây giờ, yêu cầu về ghi nhãn xuất xứ của thị trường EU như một hồi chuông bồi thêm vào những cảnh báo về vấn đề xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Vấn đề không phải là phụ thuộc thị trường, hay mức độ đa dạng thị trường xuất khẩu ở bề nổi. Vấn đề nằm ở nội tại ngành sản xuất trong nước, làm sao để tổ chức lại sản xuất, đảm bảo những tiêu chí chung của thị trường thế giới về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo hệ thống dữ liệu đủ sức minh chứng quy trình sản xuất. Rộng ra hơn là tự ta phải đặt tiêu chí tối ưu về tính minh bạch, chất lượng và các tiêu chuẩn môi trường. Chỉ khi ta kiện toàn những vấn đề từ nội tại nền sản xuất, thì “thoát phụ thuộc thị trường” mới căn cơ, bền vững.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.


Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất