, //, :: GTM+7

Thúc đẩy hợp tác công - tư trong xử lý nước thải

MINH HẢI
(sggp.org.vn)
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc thúc đẩy phương thức hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý nước thải (XLNT) là một hướng đi đầy triển vọng nhằm huy động nguồn lực dồi dào từ khối tư nhân.
Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Nhiều rào cản

Theo Bộ TN-MT, lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh hiện nay khoảng 3.650 triệu m3/ngày đêm, nhưng tỷ lệ thu gom, xử lý theo quy chuẩn chỉ đạt khoảng 12-14%. Trong tổng số 846 đô thị trên cả nước, có 38 đô thị có công trình XLNT, chiếm tỷ lệ 4,4%. Trong đó, tỷ lệ đô thị loại I có công trình XLNT tập trung là 77%, đô thị loại II là 40%. Tại Hà Nội có khoảng 22% tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý; TPHCM là 21,2%; Đà Nẵng khoảng 33%. Hiện nay, cả nước có 69 công trình XLNT với tổng công suất thiết kế xử lý khoảng 1,4 triệu m3/ngày đêm; trong đó có 53 dự án từ nguồn vốn ODA; 2 dự án theo hình thức PPP. 

Bộ TN-MT lý giải, hiện nay hoạt động XLNT chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước, nhưng ngày càng hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân chưa mặn mà với các dự án XLNT. Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, việc kêu gọi hợp tác PPP trong XLNT ở Việt Nam vẫn còn khó khăn. Chẳng hạn như, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tình hình thực tế; giá dịch vụ XLNT còn thấp, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao. Cơ chế huy động nguồn vốn từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả do thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đã đặt ra, đến năm 2030, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị còn lại. 

Còn theo ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia về hợp tác PPP, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nguồn thu phí nước thải từ người dân rất thấp và không đủ để bù đắp chi phí cho hoạt động của các dự án. Không những thế, hợp đồng PPP rất phức tạp, thường yêu cầu cam kết ngân sách dài hạn, nhà đầu tư lo ngại cam kết hỗ trợ tài chính không được đảm bảo khi thay đổi nhiệm kỳ lãnh đạo địa phương hoặc chính sách thay đổi. 

Gỡ khó, thúc đẩy hợp tác PPP

Để có thể thu hút mạnh mẽ khối tư nhân tham gia lĩnh vực XLNT, ông Nguyễn Thượng Hiền đề xuất một số giải pháp như cần xây dựng chiến lược quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng cho PPP, trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, đi kèm với hướng dẫn chi tiết với chính sách ưu đãi, hỗ trợ lĩnh vực XLNT; xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư áp dụng công nghệ thân thiện môi trường. Việc đẩy mạnh hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên đấu thầu quốc tế, hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu cũng là giải pháp hữu hiệu. 

Đồng quan điểm, ông Đoàn Tiến Giang cho biết, hợp tác PPP là một trong những giải pháp phổ biến mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để giải quyết vấn đề nước thải. Khu vực tư nhân có thể tham gia các bước trong chuỗi giá trị của lĩnh vực XLNT. Để thúc đẩy các dự án PPP, Nhà nước cần có giải pháp để giải quyết cân bằng bài toán tài chính; đảm bảo chắc chắn về nguồn cung; khắc phục vướng mắc, bất cập về hợp đồng. 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 với kỳ vọng đạt bước tiến trong thu hút đầu tư từ khối tư nhân để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, kể cả trước và sau khi Luật PPP có hiệu lực, vì nhiều lý do, phương thức PPP trong lĩnh vực XLNT vẫn chưa được triển khai nhiều tại Việt Nam, dù được đánh giá nếu làm tốt sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đô thị nhờ nguồn lực dồi dào và sự năng động của khối tư nhân.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, tính riêng lĩnh vực XLNT, việc tăng chỉ tiêu thu gom và xử lý 15-70% trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, khoảng 10-20 tỷ USD. Huy động nguồn lực tư nhân XLNT được xem là lời giải tối ưu cho bài toán nguồn vốn hiện nay. Để thu hút khối tư nhân tham gia lĩnh vực này, đòi hỏi Nhà nước phải có một giải pháp, kế hoạch tổng thể, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; hỗ trợ cần cụ thể, rõ ràng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất