, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 08/10/2021, 08:06

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Khổng lồ và... vô hình

CẨM HÀ
Túi tiền của quốc gia năm nay và có thể cả năm 2022 sẽ luôn ở trong tình trạng thu giảm, chi tăng. Và vì thế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là yêu cầu cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Dù rằng trong “kỳ họp thời chiến” vừa qua, Quốc hội khóa XV đã không thể dành nhiều thời gian cho vấn đề này, nhưng những con số được gửi đến cơ quan lập pháp đã nói lên nhiều điều.

Túi tiền của quốc gia năm nay sẽ luôn ở trong tình trạng thu giảm, chi tăng. Đồ họa: Hữu Nhất

Vẫn còn xem nhẹ

Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội nhận định vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi chương trình và báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chất lượng báo cáo còn bất cập.

Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương đến tháng 4 hoặc tháng 5/2020 mới ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cá biệt, có nơi đến hết quý 2 hoặc quý 3 mới ban hành (như Hà Tĩnh ban hành ngày 17/9/2020, Đồng Nai ban hành ngày 11/6/2020) nên thiếu căn cứ để triển khai thực hiện trong những tháng đầu năm.

Vẫn theo Chính phủ, có không ít báo cáo còn mang tính hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả; báo cáo của nhiều bộ ngành, cơ quan chưa thực hiện chấm điểm theo quy định (Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Văn hóa thể thao và du lịch, Văn phòng Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam…) Một số báo cáo không nêu cụ thể số liệu, chưa đánh giá, so sánh với chỉ tiêu phấn đấu đề ra trong năm 2019, đánh giá còn chung chung.

Qua thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu thêm, hiện cũng chưa có kết quả cụ thể đã tiết kiệm như thế nào hoặc kết quả thực hiện ra sao so với chỉ tiêu trong Quyết định 166/QĐ-TTg ngày 23/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 của nhiều chỉ tiêu và lĩnh vực (như tín dụng nhà nước; tài chính công, tài sản công, tài sản trong các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng có cổ phần nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm thời gian lao động của cán bộ, công chức; lĩnh vực tư liên quan đến hộ kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân - xã hội).

Muôn mặt lãng phí

Khó có thể kể hết muôn mặt… lãng phí ở vô số lĩnh vực, thời điểm khác nhau. Bên cạnh những lãng phí hữu hình dễ thấy như nhà máy “đắp chiếu”, đường sá đào lên lấp xuống, đất đai bỏ hoang hóa…, còn có rất nhiều dạng lãng phí vô hình, nhưng không hề nhỏ.

Đơn cử, việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chậm trễ, bất hợp lý. Công tác ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ có trường hợp còn chậm hoặc không phù hợp với thực tế. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên trong thực tế còn có một số bất cập, vướng mắc, nhất là tại Bộ Giao thông Vận tải, tạo thành điểm nghẽn trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách.

Việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với tinh giản biên chế để đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước còn chưa được đánh giá đầy đủ. Vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, làm tăng chi phí cho người dân, lãng phí nguồn lực xã hội. Theo Báo cáo số 2745/BC-UBTP14 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, 63/63 tỉnh, thành để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần, 62/63 tỉnh, thành xảy ra trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn trả kết quả. Công sức, thời gian, chi phí cơ hội bị mất đi vô ích cũng chính là một dạng lãng phí không đong đếm được!

Trong khi đó, mặc dù Chính phủ đã ban hành 5 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và 4 nghị định khác quy định về chế độ công vụ, nhưng trên thực tế, tổ chức bộ máy một số cơ quan vẫn còn nhiều cấp trung gian, dẫn đến chậm trễ trong xử lý công việc. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu. Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế mới chỉ tập trung vào việc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Trong rất nhiều việc phải làm tới đây, thiết nghĩ có một việc có thể làm ngay được mà không tốn kém nhiều chi phí, sức lực. Đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn; tập trung vào các quy định liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư (đầu tư công, PPP, đầu tư tư nhân...); tạo bước chuyển tích cực trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công; xúc tiến triển khai các dự án PPP đang dở dang, tắc nghẽn. Việc này cần tiến hành đồng thời với xây dựng cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Khó khăn hơn, “va chạm” hơn một chút, nhưng cũng không thể không làm, chính là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của bộ máy hành chính; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán, quản lý theo kết quả đầu ra đối với một số lĩnh vực; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, giảm thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

MỘT SỐ CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2021

- Hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản.

- Giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

- Giảm tối thiểu 5% - 10% chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công so với dự toán năm 2020.

- Không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, giảm tối đa các Ban quản lý dự án; hợp nhất, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN.

- Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.

- Đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để đạt tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

- Giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%.

(Theo Báo cáo số 221/BC-CP ngày 8/7/2021 của Chính phủ)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất