Nhưng polystyrene cũng dễ bị vỡ, và hơn nữa, chính những đặc tính làm vật liệu này thích hợp trong việc giữ cho thực phẩm tươi ngon, mát lạnh lại khiến nó thành cơn ác mộng với hệ sinh thái biển. Đây cũng là lý do để một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Philippines nghiên cứu ra vật liệu thay thế với giá thành hợp lý mà theo họ là tốt hơn cho môi trường và các nhà sản xuất thực phẩm. Công ty Fortuna Cools do hai sinh viên đại học Stanford thành lập vào năm 2018. Các nhà sáng nghiệp này đã nhìn thấy cơ hội sử dụng một nguồn chất thải nông nghiệp dồi dào ở Philippines: vỏ dừa.
_high.jpg)
Philippines là một trong những quốc gia có sản lượng dừa và các phụ phẩm từ dừa hàng đầu trên thế giới. Ước tính, hàng năm có khoảng 9 tỷ vỏ dừa bị đốt hoặc để lại ở nông trại, nơi chúng có thể mất nhiều năm để phân hủy sinh học.
Độ bền của vỏ dừa mang lại cho nó một số đặc tính cách nhiệt giống như polystyrene. Mỗi sợi xơ dừa đều chứa hàng nghìn túi khí nhỏ li ti, giống chính xác với cấu trúc mà chất cách nhiệt bằng bọt nhựa có để giảm truyền nhiệt (dẫn nhiệt). “Khi chúng tôi xử lý, đan và xếp các sợi dừa này để tận dụng đặc tính cách nhiệt tự nhiên của chúng, chúng tôi tạo ra một sản phẩm vượt trội hơn hầu hết các chất tổng hợp,” David Cutler, đồng sáng lập của Fortuna Cools, nói. “Điều này không quá ngạc nhiên bởi vì vỏ dừa đã phát triển hàng triệu năm để bảo vệ cơm dừa và nước dừa bên trong được tươi nguyên”.
Công ty khởi nghiệp này hợp tác với Coco Technologies Corporation để phát triển công nghệ biến vỏ dừa thành sản phẩm cách nhiệt và giữ lạnh. Đầu tiên, vỏ dừa được sơ chế thành sợi, sấy nhiệt, sau đó được ép thành các tấm cứng tạo nên nắp hộp và thành hộp.
Những chiếc hộp làm bằng vỏ dừa này mang lại lợi ích kép vì chúng cũng tạo thêm thu nhập cho người nông dân trồng dừa mà công ty hợp tác. Theo công ty, mỗi chiếc hộp có giá khoảng 20 USD - gấp khoảng hai đến ba lần giá của sản phẩm bằng polystyrene.
Thùng cách nhiệt có tên gọi Coconut Cooler này nhắm đến đối tượng khách hàng là các nhà phân phối thực phẩm, hợp tác xã nông nghiệp và siêu thị. Chúng có thể phân hủy sinh học và được tạo ra để thay thế việc sử dụng hộp xốp không tốt cho môi trường thường được dùng để bảo quản thực phẩm tươi sống.

Gần đây, công ty đã ra mắt sản phẩm thứ hai có tên Nutshell Cooler, là sản phẩm đầu tiên hướng tới người tiêu dùng. Cũng được làm từ xơ dừa tái chế, hộp Nutshell Cooler có thiết kế nhỏ gọn dành cho các ứng dụng đóng gói thực phẩm hàng ngày. Mỗi hộp cách nhiệt Nutshell Cooler sử dụng lượng xơ dừa từ 24 trái dừa. Sản phẩm này đã ngay lập tức trở thành mặt hàng “hot” khi vừa được giới thiệu trên nền tảng gọi vốn cộng đồng Kickstarter dành cho nhà khởi nghiệp.
Theo David Cutler, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Fortuna Cools, việc Nutshell Cooler được đón nhận bước đầu đã cho thấy nhu cầu thực sự đối với các vật liệu bền vững. Đổi mới sáng tạo về vật liệu là chìa khóa để giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay.