, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 21/10/2021, 08:00

Thuốc Nam - tinh hoa y học Việt

CHI AN
Y học cổ truyền Việt Nam là một ngành thuộc Đông y, có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với chiều dài lịch sử của đất nước.

1. Từ xa xưa, người Việt đã biết ăn trầu để giữ ấm cơ thể, nhuộm răng bằng bột cánh kiến để phòng sâu răng... Thuở đó, những phương pháp chữa bệnh bằng cây cỏ, nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên thường được người dân phát hiện một cách ngẫu nhiên và sau đó, truyền miệng từ người này qua người kia, từ nơi này đến nơi khác và ngày được hoàn thiện. Những phương thuốc dân gian ấy có thể xem là những viên đá đầu tiên xây nền móng cho Y học cổ truyền Việt Nam. Giai đoạn Bắc thuộc, Y học cổ truyền Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Y học cổ truyền Trung Quốc và ngược lại, Y học cổ truyền Trung Quốc cũng tiếp nhận không ít bài thuốc của Y học cổ truyền Việt Nam.

Trải qua các triều đại phong kiến, Y học cổ truyền Việt Nam ngày càng phát triển. Thời nhà Lý, triều đình đã có các thầy thuốc chuyên nghiệp, trong đó có Ngự y (người chuyên chăm sóc sức khỏe cho vua). Nhà Trần không chỉ thành lập viện Thái y học chuyên chăm sóc sức khỏe cho vua và quan lại trong triều đình mà còn quản lý những hoạt động liên quan đến chữa bệnh, cung cấp dược liệu cho cả nước. Ngoài ra, dưới thời nhà Trần, các khóa thi tuyển Lương y làm việc tại viện Thái y cũng diễn ra, góp phần phát hiện nhiều tài năng y học nước nhà. Giai đoạn này, nghề thuốc đã dần định hình, việc trồng cây dược liệu và thu hái dược liệu thiên nhiên đã được quy định rõ ràng và quy củ.

Thời nhà Lê, Luật Hồng Đức được ban hành, trong đó có các quy định về quản lý vệ sinh thực phẩm và về y đức. Viện Thái y được đầu tư phát triển cả về quy mô và tổ chức, chú trọng đào tạo nghề y phục vụ cho triều đình và nghiên cứu về dược liệu. Bên cạnh đó, tổ chức các Tế sinh đường ở địa phương để khám bệnh và trông coi kho thuốc, phục vụ cho nhân dân. Y học huấn khoa cũng được thành lập nhằm đào tạo thầy thuốc. Đến thời Tây Sơn, Nam dược cục được thành lập. Đây là nơi chuyên nghiên cứu về thuốc Nam nhằm tăng cường chữa bệnh và chống dịch cho người dân cả nước. Năm 1856, vua Tự Đức mở trường dạy nghề y ở Huế. Luật Gia Long cũng quy định cụ thể về việc hành nghề y và đề cao y đức…

Từ cuối thời nhà Nguyễn, Việt Nam tiếp cận Tây y từ người Pháp và có nhiều ảnh hưởng ở khu vực thành thị song trong dân gian và ở khắp các địa phương, Đông y vẫn phát triển mạnh mẽ.

2. Y học cổ truyền Việt Nam chữa bệnh dựa trên cơ sở cân bằng âm - dương, ngũ hành cân đối, từ đó làm cho cơ thể khoẻ mạnh. Học thuyết âm dương giữ vai trò quan trọng, xuyên suốt trong Y học cổ truyền Việt Nam, từ trong lý thuyết về cấu tạo cơ thể, sinh lý, chẩn đoán, điều trị đến cơ sở của các học thuyết về sự sinh tồn và tiến hoá của vạn vật. Theo thuyết này, bệnh tật phát sinh là do cơ thể mất cân bằng âm - dương, vì vậy, để điều trị, cần tập trung vào việc điều chỉnh, cân bằng hai yếu tố này theo hướng lấy thừa bù thiếu, lấy hàn giảm nhiệt… Chẳng hạn, lá lốt có vị cay, tính ấm được dùng để chữa trị cho người bị đau bụng lạnh. Còn rau má vị đắng, tính hàn có công dụng thanh nhiệt, giải độc thì dùng để chữa trị các bệnh mùa hè như cảm nắng, rôm sảy, mụn nhọt…

Trong y học cổ truyền, người Việt sử dụng các loại dược liệu từ cây cỏ, thực vật và các khoáng vật bản địa để chữa bệnh. Nhờ khí hậu nhiệt đới gió mùa mà khắp mọi vùng miền trên cả nước, đi đến đâu cũng thấy các loại cây dược liệu đa dạng và phong phú. Những vị thuốc Nam đôi khi được dùng phổ biến trong cuộc sống thường nhật như rau răm, ngải cứu, kinh giới…

Ưu điểm của thuốc Nam là sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vốn quen thuộc, thân thiện với con người nên phần lớn ít độc, ít tác dụng phụ. Thuốc Nam có cách chế biến tương đối đơn giản, tiện lợi, được dùng chủ yếu ở dạng tươi hoặc khô. Với người Việt, thuốc Nam không chỉ dùng khi mắc bệnh mà còn được sử dụng trong mỗi bữa ăn hằng ngày như rau với cách kết hợp cân bằng để vừa ăn ngon vừa bảo vệ cơ thể phòng ngừa bệnh tật. Ngoài dùng trực tiếp, nhiều loại dược liệu còn được sử dụng để làm thuốc đắp, ngâm rượu để uống hoặc xông hơi, xoa bóp.

3. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được nhiều phương pháp phòng và chữa bệnh bằng thuốc Nam có hiệu quả, đồng thời, phát hiện nhiều vị thuốc quý như quả giun, gừng gió, ý dĩ, xương bồ, kỳ nam, sa nhân, đậu khấu, hương phụ… Từ những bài thuốc đơn giản, các thầy thuốc Đông y trên cả nước đã không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm, cải tiến để cho ra rất nhiều bài thuốc mới bổ sung vào sự đa dạng, độc đáo, hiệu quả của kho tàng thuốc Y học cổ truyền Việt Nam, như bài thuốc tắm lá cây của người Dao, bài thuốc giải độc lá ngón của người Giẻ Triêng, bài thuốc chữa bệnh đau lưng bằng quả chuối hột rừng của người Gia Rai, bài thuốc chữa bệnh hắc lào bằng cây kiến cò của người Mường, bài thuốc chữa bệnh đau nhức xương khớp bằng củ chi-kut của người Mạ...

Thuốc Nam của Việt Nam ngày nay không chỉ được được tin dùng để chữa bệnh, cứu sống nhiều bệnh nhân ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia như Nga, Ucraina, Cuba, Thái Lan, Lào, Campuchia...

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Báo cáo khấu hao điện thoại di động 2021-2022 do BankMyCell công bố cho thấy iPhone có giá trị nhất, trong khi tỷ lệ mất giá của các mẫu Android trong cùng thời kỳ vượt xa iPhone, thậm chí hơn gấp đôi.

Nổi bật
Được quan tâm


Nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay hầu hết đi theo đường chính ngạch và được bán ở nhiều siêu thị thay vì chỉ bán ở chợ như trước




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất