
Chữa ho thông thường, ho lâu ngày không khỏi: Thái nhỏ lá rau tần tươi đã được rửa sạch, thêm một ít đường phèn rồi đem chưng cách thủy, vắt lấy nước uống. Bã lá rau tần có thể ăn hoặc ngậm nuốt cùng với nước. Mỗi ngày sử dụng 1 lần, sẽ có hiệu quả nếu dùng liên tục từ 3 - 5 ngày.
Chữa viêm họng, viêm phế quản dẫn đến tắt tiếng: Dùng một ít lá rau tần tươi đã rửa sạch, nhai nhuyễn rồi nuốt dần. Sử dụng liên tục mỗi ngày đến khi triệu chứng viêm họng không còn.
Chữa sốt cao, cảm cúm do thời tiết thay đổi thất thường, bị cảm nắng hoặc nhiễm nước: Giã nát lá rau tần cùng với một ít muối và nước sôi để nguội, vắt lấy nước uống. Bã lá rau tần để nguyên hoặc cho ít giấm hay rượu để thoa khắp mình. Nên kết hợp việc uống và thoa để đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh.
Chữa các bệnh lý về da, dị ứng hoặc nổi mề đay: Lấy 15g lá rau tần khô sắc với một lượng nước vừa đủ, chia làm 3 lần uống mỗi ngày. Bên cạnh đó, sử dụng một lượng rau tần tươi, rửa sạch rồi đem đi giã (có thể thêm một ít muối hột) đắp lên chỗ bị dị ứng, chỗ sưng.
Chữa vết thương, giảm đau do côn trùng cắn: Khi bị ong đốt, rết, bò cạp hoặc các loài côn trùng cắn, lá rau tần tươi rửa sạch đem giã nát hoặc nhai nhuyễn đắp lên chỗ sưng đỏ, chỗ bị đau.
Chữa chảy máu cam: 20g lá rau tần cùng với 15g tắc bá, 10g hoa hòe và 15g cam thảo đất, đem đi sắc với một lượng nước vừa đủ. Hoặc có thể sử dụng trực tiếp lá rau tần còn tươi, rửa sạch rồi nhét vào lỗ mũi đang chảy máu.
Lưu ý khi sử dụng: Toàn cây rau tần có nhiều lông tơ nhỏ, có thể gây ứng, kích ứng da. Các thành phần có trong cây rau tần có thể làm hại đến sức khỏe của thai nhi hoặc trẻ nhỏ, do vậy, phụ nữ mang thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng cây rau tần.