, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 16/02/2021, 09:20

Thương binh Trần Mạnh Báo - Từ người lính đến doanh nhân Anh hùng Lao động

MẠNH TIẾN

Đầu tháng 7/2016, trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Sau khi nghe báo cáo về những thành tích mà ThaiBinh Seed đạt được trong hơn 40 năm qua, nhận xét về người thuyền trưởng của đơn vị, Thủ tướng nói: “Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - anh Trần Mạnh Báo là anh bộ đội Cụ Hồ, một thương binh nặng, suốt cuộc đời chỉ làm một công việc là nghiên cứu sản xuất giống lúa và đã xây dựng được một doanh nghiệp giống lớn, có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Người như thế rất hiếm, rất xứng đáng là Anh hùng. Tỉnh Thái Bình sớm hoàn thành hồ sơ công nhận cho anh ấy”.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phác họa thật chính xác chân dung một chuyên gia hàng đầu về giống lúa ở nước ta.

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo
Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo.

Vào một buổi chiều, cuối Thu năm 2015, tôi nhận được cuốn sách “Đối thoại với cánh đồng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản, của anh Trần Mạnh Báo - viết và gửi tặng. Biết anh Báo từ trước nên khi cầm cuốn sách tự truyện dày gần 500 trang của anh, tôi đã dành thời gian đọc ngay. Mỗi trang viết của anh mộc mạc mà sâu lắng, thấm đượm tình với đồng đội, đồng chí và người nông dân mà anh hết lòng yêu thương, kính trọng.

Đầu tháng 12/2020, nghe tin anh Trần Mạnh Báo được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tôi gọi điện chúc mừng và muốn gặp anh nhưng quả thực gặp anh khó quá. Khi tôi gọi điện thoại, có lúc anh đang đi thăm cánh đồng mãi tận vựa lúa miền Tây, lúc đang ở miền Trung đầy nắng gió, khi thì mãi tận Lào Cai, Yên Bái. Nhưng rồi anh cũng dành thời gian cho tôi. Vẫn khiêm tốn chân chất mộc mạc, anh nói: “Thành tích của TháiBinhSeed có được là nhờ sự yêu mến giúp đỡ của bà con nông dân cả nước và sự năng động của cán bộ công nhân viên trong công ty”.

Anh Trần Mạnh Báo sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bên con sông Diêm thơ mộng. Cũng như bao thanh niên miền Bắc cùng thời, năm 1968, khi đang học cấp 3, anh Báo đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ và trở thành người lính Sư đoàn 320 trên chiến trường máu lửa Quảng Trị. Chiến trường ác liệt đã lấy đi của anh một con mắt. Trở về quê hương với thương tật 2/4, anh Báo vào làm công nhân chăn nuôi lợn ở Trạm Truyền giống lợn Hưng Hà, làm tạp vụ Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Với ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp, mặc dù công việc vất vả, và đã 26 tuổi nhưng anh vẫn miệt mài đèn sách, ngày làm, đêm học. Tốt nghiệp cấp 3, anh đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Tốt nghiệp Đại học, anh lại quay trở về Thái Bình và được đề bạt làm Trại phó Trại Giống lúa cấp 1 Đông Cơ (Tiền Hải) vào năm 1987. Thấy trại hoạt động không hiệu quả, sau nhiều đêm trăn trở, anh Báo cho rằng, giống và quyền được tự chủ trên mảnh ruộng mới là hai khâu cần đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đây chính là đôi chân vững chãi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó anh dồn tâm huyết xây dựng phương án đổi mới quản lý trại giống lúa với chủ đề: “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh” và được chấp nhận cho khoán thử. Sự vượt rào muốn thay đổi cơ chế quản lý cũ bằng cách làm mới đã nhận không ít lời ra tiếng vào, thậm chí có người cho là không chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết quả năm đầu tiên thực hiện “khoán thử” đã đánh tan mọi nghi ngờ. Trại giống lúa Đông Cơ (thuộc Công ty giống lúa Thái Bình) đã có sự tăng trưởng vượt bậc, vượt xa mong đợi, thu nhập của người lao động từ 16kg gạo/tháng tăng lên 40kg gạo/tháng. Trong hai năm 1988 - 1989, trên diện tích 56ha, trại đã sản xuất được 600 tấn thóc, tăng gấp 10 lần so với năm 1987. Sự thành công này đã đưa trại giống Đồng Cơ thành điểm sáng điển hình của tỉnh Thái Bình.

Tính tiên phong tiếp tục được thể hiện khi anh đảm nhận chức Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Đề nghị cổ phần hóa công ty của anh được chấp thuận và năm 2004 điều đó thành hiện thực. Anh Trần Mạnh Báo được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Để vượt qua những khó khăn thử thách sau cổ phần hóa, anh Báo đề ra chiến lược phát triển công ty dựa trên 3 trụ cột chính: “Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ”. Theo đó, Thai Binh Seed phải làm thật tốt 3 việc: Ổn định Công ty bởi người lao động cần được làm việc trong môi trường ổn định, thu nhập cao; nâng cao trình độ người lao động; xây dựng các chi nhánh ở nhiều vùng miền, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển. Với người thuyền trưởng vững vàng, từ năm 2005 trở đi, Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình phát triển mạnh mẽ, liên tục tăng trưởng, nhiều hướng kinh doanh mới được mở ra. Đặc biệt là giai đoạn 2009 - 2013, Thai Binh Seed có tốc độ phát triển nhanh và là một trong 500 doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam, cổ tức trong năm đạt 100% đến 300% vốn điều lệ.

bgtyhythyuj
Ông Trần Mạnh Báo say mê khoa học, sáng tạo, quyết tâm bứt phá trong ngành giống cây trồng ở Việt Nam.

Mặc dù công việc của người đứng đầu luôn bận rộn, anh Báo vẫn say mê khoa học, sáng tạo, quyết tâm bứt phá trong ngành giống cây trồng ở Việt Nam. Anh tâm sự: “Những năm qua, Công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thành công nhiều loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó có 9 giống cây trồng mới được công nhận giống quốc gia. Để nâng cao chất lượng hạt giống, Thái Bình Seed đã xây dựng nhà máy với 2 dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất 30.000 tấn/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty còn là đơn vị đầu tiên trong cả nước có Trung tâm Nghiên cứu phát triển, chuyển giao và khuyến nông, có Phòng Thử nghiệm quốc gia mã số VILAS 110 để thử nghiệm chất lượng giống...”

Với thị phần cung ứng chiếm trên 10% nhu cầu giống của toàn quốc, Thai Binh Seed trở thành nhà sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam. Các giống lúa (BC15, TBR-1, TBR45, TBR36, TBR225, Đông A1, Thái Xuyên 111...) của Công ty đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố cả nước. Đặc biệt giống lúa BC15 và TBR225 năng suất cao và chất lượng gạo ngon và mang lại hiệu quả kinh tế cao mà ít giống lúa nào sánh kịp. Anh Trần Mạnh Báo quan niệm: “Nông dân được mùa cũng là thành công của doanh nghiệp, nhà nông là người ăn cùng một mâm cơm, đi chung một con thuyền với doanh nghiệp sản xuất lúa giống”, vì thế Thai Binh Seed đã xây dựng thành công nhiều mô hình, đưa sản phẩm khoa học, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu mua sản phẩm với giá cao, thanh toán kịp thời cho nông dân.

Người thuyền trưởng Trần Mạnh Báo cũng đã đưa con tàu Thai Binh Seed trở thành thành viên của Hiệp hội Giống cây trồng châu Á - Thái Bình Dương (APSA); Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... Thời gian tới Thai Binh Seed sẽ mở rộng và nâng tỷ lệ cung cấp giống cây trồng lên 20%, thậm chí 40% lượng giống trên toàn quốc và hướng tới xuất khẩu giống - anh Trần Mạnh Báo tự tin cho biết. Tôi tin Anh hùng Trần Mạnh Báo, Công ty ThaiBinh Seed sẽ làm được điều đó. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất