, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 05/10/2017, 10:47

Thương con cá Cóc sông Tiền

ANH HÙNG

Đặc sản của dòng Cửu Long

Mới sáng sớm ông Chín Sơn, lão ngư hơn 50 năm gắn bó cuộc đời với nghề hạ bạc ở ngã ba sông Tiền- sông Cổ Chiên, đã mang mớ đồ nghề xuống chiếc xuồng câu, rồi bơi chiếc xuồng nhỏ đến gần khu vực cầu Mỹ Thuận, chọn 1 vùng nước tĩnh lặng bên cạnh những xoáy sâu, lấy ra chiếc cần câu, thò tay xuống chiếc lọp nhỏ treo bên hông xuồng bắt 1 chú tôm bằng ngón tay còn nhảy xoi xói, móc phần đuôi tôm vào chiếc lưỡi câu bén ngót, thả xuống dòng nước đục ngầu phù sa. Ông Chín giải thích với người đi cùng:“Câu cá Cóc phải dùng tôm lóng còn sống mới lừa được nó cắn câu”.

 

Một ngư phủ với 3 con cá Cóc vừa bắt được, hiện nay loài cá đặc sản này đang cực kỳ khan hiếm, đắt đỏ.
Một ngư phủ với 3 con cá Cóc vừa bắt được, hiện nay loài cá đặc sản này đang cực kỳ khan hiếm, đắt đỏ.

Nhưng suốt cả buổi sáng bơi xuồng rảo quanh đoạn sông Tiền từ chân cầu Mỹ Thuận qua sông Cổ Chiên về đến bến phà Đình Khao mà ông Chín chẳng câu được con cá Cóc nào. Nhờ vậy mà ông có thời gian để kể những câu chuyện về loài đặc sản này. Ông tả: Cá Cóc chẳng khác gì con cá chép, mình thuôn dẹp, vảy trắng bạc, trên lưng có cái gai lớn và thịt rất ngon. Nó mang cái tên xấu xí dù bề ngoài không có chút gì giống loài lưỡng cư da dẻ xù xì thường được gọi là “cậu ông Trời”, là vì mỗi khi kéo nó lên khỏi mặt nước là nó luôn miệng kêu “cóc, cóc”, từ đó ngư phủ mới đặt chết danh “cá Cóc”. Theo ông Chín, cá Cóc có thể nặng đến hơn chục ký nếu sống lâu năm, được dùng chế biến thành nhiều món ăn, nhưng tuyệt chiêu nhất là cá Cóc kho lạt bằng nước dừa xiêm ăn với xoài sống bằm nhuyễn và cá Cóc nấu canh chua. “Cá Cóc kho nước dừa hay nấu canh chua đều ngon tuyệt cú mèo. Ngon nhất là những chiếc vảy cá ăn giòn sần sật và chiếc đầu cá béo ngậy, đầy sụn giòn tan”, ông Chín xuýt xoa kể. Theo ông Chín, cá Cóc chỉ sinh sống ở những vực sâu có nhiều xoáy nước nguy hiểm, gốc cây chìm, trụ các cây cầu, bến phà...khi nào nước đứng lớn mới lội khơi khơi ra ngoài sông rộng kiếm ăn. Cách kiếm ăn của cá Cóc cũng lạ hơn các loài khác, nó ăn ngầm sát đáy sông nên rất khó bắt. Những thợ săn giàu kinh nghiệm vùng sông Tiền, sông Hậu có hai cách bắt cá Cóc phổ biến là giăng câu ngầm và thả lưới dầm. Câu ngầm, mỗi đường câu chừng 200-300 lưỡi câu làm bằng thép tốt, mỗi lưỡi móc vào đuôi một con tôm lóng còn sống, thả câu sát đáy sông vào lúc nước sắp đứng lớn để con mồi bơi lội tung tăng, bởi con tôm chết thì cá Cóc không bao giờ đụng tới. Giăng lưới dầm không nhạy bằng giăng câu, lưới cũng thả sát đáy sông, nhưng lại có ưu điểm nếu cá mắc lưới là chịu chết, ít khi bị vuột như giăng câu. Nhưng cao thủ bắt cá Cóc chính là những người chỉ đi câu bằng một chiếc cần câu, kinh nghiệm sông nước cho họ biết nơi nào có cá Cóc lớn trú ngụ, nên câu được con nào là đáng con nấy. Ông Chín kể, trước những năm 1990, trên đoạn sông Tiền từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) chảy xuôi mấy chục cây số về đến Cái Bè (Tiền Giang), cá Cóc trú ngụ nhiều vô kể, một thợ săn mỗi ngày câu được 20-30 con là chuyện không lạ. Đặc biệt là ở khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ, cá Cóc tập trung rất nhiều, lâu lâu thợ săn câu được những con sống lâu năm nặng hơn 10 ký lô. Nhưng từ năm 2000 đến nay, cá Cóc bị săn bắt ráo riết nên ngày càng vắng bóng, nhiều khi bơi xuồng câu cả ngày dưới sông không bắt được một con, những con cá có trọng lượng 5kg- 10kg gần như không còn. Theo lời ông Chín, trước đây bậc thầy săn cá Cóc trên khúc sông Tiền, sông Cổ Chiên chảy qua Vĩnh Long là ông Bảy Tương, người được dân làm nghề hạ bạc trong khu vực xem như một huyền thoại. “Ông Bảy Tương chỉ nhìn vào những xoáy nước trên sông là biết nơi nào có cá Cóc trú ngụ để thả câu, giăng lưới. Lúc còn trai trẻ, ông Bảy Tương chỉ cần lặn xuống nước một hơi, ngoi lên là biết những con cá Cóc dưới sông lớn hay nhỏ. Nhưng lão ngư này chỉ chọn bắt những con cá có trọng lượng vài ba ký lô trở lên, không bao giờ bắt cá chưa trưởng thành như dân chài lưới ngày nay”, ông Chín nhớ lại

Nguy cơ tuyệt chủng

Từ câu chuyện của ông Chín Sơn, tôi dò hỏi bạn bè ở đồng bằng sông Cửu Long và có được một thông tin quý giá: Các nhà khoa học ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang) đã nuôi được 1 đàn cá Cóc bố mẹ và đã cho sinh sản nhân tạo thành công. Theo các nhà khoa học của trung tâm, cá Cóc có tên khoa học là Cyclocheilichthys Enoplos, thuộc họ cá chép Cyprinidae, có mặt ở một số nước thuộc lưu vực sông Mékong. Tại Việt Nam, cá Cóc sinh sống trên hai con sông Tiền và sông Hậu của đồng bằng sông Cửu Long. Cá Cóc thích nghi với điều kiện nước chảy và có tập tính di cư sinh sản, thường được ngư dân khai thác quanh năm bằng lưới, câu, chài, đóng đáy hoặc chất chà ven sông dụ cá vào trú ngụ để vây bắt. Từ ngày trở thành món đặc sản trong các nhà hàng, quán nhậu cao cấp, con cá Cóc bị săn bắt ráo riết và đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, nên các nhà khoa học của trung tâm đã tìm cách phục hồi và cho sinh sản nhân tạo loài cá đặc sản này. Để làm được điều này, các nhà khoa học phải lặn lội khắp vùng sông Tiền, sông Hậu tìm đến các xóm chài lưới đặt mua cá Cóc còn sống về làm giống, với giá cao hơn giá thị trường 100.000 đồng/kg. Cá thu mua về được thả trong ao đất một thời gian với chế độ chăm sóc đặc biệt để thích nghi với môi trường nước tĩnh thay vì nước động ở ngoài sông, sau đó mới bắt đầu cho sinh sản nhân tạo. Hiện nay trung tâm đã có đàn cá Cóc bố mẹ khá đông và đã cho sinh sản nhân tạo thành công, nhưng người dân chê cá Cóc chậm lớn (dù giá trị kinh tế khá cao) nên ít nuôi, trong khi con cá Cóc ngoài tự nhiên vẫn bị ngư dân săn lùng ráo riết.

 

Bầy cá Cóc bố mẹ đang được thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ.
Bầy cá Cóc bố mẹ đang được thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ.

Chính vì đã trở thành đặc sản quý hiếm với giá bán quá cao nên bây giờ cá Cóc “đắt như tôm tươi”. Nghe ngư dân nào bắt được cá cóc là hàng quán cử người đổ xô đến mua bằng được với giá 200.000 đồng- 250.000 đồng/kg, bán ra cho thực khách giá 350.000 đồng- 400.000 đồng/kg. Tuy vậy, theo lời ông Chín thì phải là người sành ăn mới phân biệt được đâu là con cá Cóc, đâu là con cá Cầy. “Con cá Cầy hình dạng tương tự như con cá Cóc, trên lưng cũng có chiếc gai lớn, nhưng nhìn kỹ thì thân mình cá Cầy to hơn cá Cóc, mà thịt chẳng ngon lành gì, giá bán chỉ có 20.000 đồng- 30.000 đồng/kg. Hiện tại cá Cầy còn nhiều dưới sông, nhưng do cá Cóc khan hiếm nên nhiều hàng quán lừa người tiêu dùng bằng các tráo con cá Cầy mà vẫn thu lợi hơn 300.000 đồng/kg như bán con Cá cóc”, ông Chín cười buồn, nói.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất