, //, :: GTM+7

Thương lắm lúa mùa nổi

BAN DUNG

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có một giống lúa rất lạ kỳ mà nhiều năm nay nó gần như đã “biệt tích” …

 

Nước lên đến đâu, lúa vươn cao đến đó.

Đó chính là giống lúa mùa nổi. Gọi là lúa mùa nổi vì đặc trưng của giống lúa này là nổi trên mặt nước. Do đó, nó còn có tên gọi khác là lúa chạy nước, lúa vượt nước. Có nơi lại gọi là lúa sạ vì giống lúa này được sạ thẳng xuống ruộng khô bằng hạt chứ không gieo cấy như những giống lúa mùa khác. Biên niên sử An Giang ghi lại rằng giống lúa mùa nổi được đem về từ Campuchia vào năm 1891. Do phù hợp với điều kiện mùa nước nổi nên giống lúa này được trồng rộng rãi tại một số vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nước lên đến đâu, lúa vươn cao đến đó

Về huyện Tri Tôn tỉnh An Giang vào mùa nước nổi, chúng tôi được cán bộ phòng nông nghiệp huyện dẫn đến khu bảo tồn lúa mùa nổi tại xã Vĩnh Phước - một trong số ít nơi còn trồng giống lúa đặc sản này. Giữa mênh mông ruộng nước, những cây lúa vươn dài, nổi bồng bềnh trông rất lạ mắt. Chiếc xuồng chở chúng tôi chòng chành len lỏi giữa đám lúa xanh rì. Anh Tôn Long Ràng - cán bộ phòng nông nghiệp huyện Tri Tôn với tay nhổ một túm lúa nhấc bổng lên. Nhìn cây lúa dài phải đến hơn 1 mét trên tay anh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Chỉ vào những phần lóng nối dài trên thân cây lúa, anh Ràng nói: “Giống lúa này vượt nước hay lắm. Cứ nước lên đến đâu là lúa vươn lóng dài ra tới đó”. Theo anh Ràng, nếu nước lên với tốc độ vừa phải, cây lúa có thể vươn dài từ 3 đến 5 mét, thậm chí là 7 mét.

Ông Bùi Bích Tiên (xã Vĩnh Phước) - người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng lúa mùa nổi cho biết, thời điểm gieo sạ lúa thường rơi vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch. Khi những cơn mưa đầu mùa đến cũng là lúc hạt lúa nảy mầm, vươn lên. Nước lũ về, cây lúa “ăn” phù sa để lớn. Lênh đênh theo con nước suốt mùa tràn đồng, cây lúa cứ dài ra mãi. Thời gian từ lúc gieo giống đến khi thu hoạch kéo dài 6 tháng. Nước là môi trường chính nuôi dưỡng lúa, người trồng không cần phải bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên lúa này rất sạch. Ông Tiên ví von: “Lúa này cứ gieo xuống rồi… giao cho ông trời chứ mình không phải tốn công chăm sóc gì mấy”. Không những thế, tôm cá ở dưới ruộng rất nhiều, là nguồn thức ăn dồi dào cho người dân vùng sông nước. Gốc rạ phủ trên nền đất còn có công dụng cải tạo đất, giúp cây màu trồng vào vụ sau phát triển tốt.

Món quà vô giá

Ngôi nhà ván của ông Tiên nằm ngay trên bờ đê. Chúng tôi ngồi trên tấm phản gỗ trước hiên nhà, nhìn quanh bốn bề là ruộng lúa bát ngát. Vừa rót chén trà mời khách, ông Tiên vừa kể: Giống lúa mùa nổi được ông bà mình trồng từ xưa, cha truyền con nối cho đến tận ngày nay. “Vì là giống lúa quý nên người ta chỉ để dành ăn với làm quà biếu nhau” - ông nói với giọng đầy tự hào. Bưng từ trong bếp ra nồi cơm nấu từ gạo lúa mùa nổi, bà Yến tiếp lời chồng: “Cơm này chỉ ăn với con cá khô, hạt đậu phộng mà ngon lắm đó”. Nói rồi bà mở chiếc hộp đựng đậu phộng rang muối mời mọi người ăn thử. Vị ngọt của hạt cơm tan trong miệng cùng vị bùi bùi, mặn mặn của hạt đậu phộng, ngon lạ. Bà Yến vừa đon đả mời mọi người ăn thêm, vừa giới thiệu: “Gạo này vừa sạch mà vừa bổ, rất tốt cho sức khỏe. Ngày xưa con nít mà thiếu sữa là người lớn toàn chắt lấy nước cơm này cho uống”.

Gạo lúa mùa nổi.
Gạo lúa mùa nổi.

Giống lúa mùa nổi quý là thế song dần dần cũng ít người trồng, phần vì năng suất thấp, phần vì thời gian canh tác dài. Trước năm 1975, ước tính cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đến 500.000ha lúa mùa nổi, tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, riêng tỉnh An Giang chiếm 50% diện tích của cả vùng. Từ khi áp dụng trồng giống lúa cao sản Thần Nông ngắn ngày, diện tích lúa mùa nổi giảm đáng kể.

Hướng mắt về ruộng lúa trước nhà, bà Yến trải lòng: “Người ta bỏ thì bỏ chứ mình không có bỏ cây lúa này được. Nó như món quà lưu niệm ông bà mình để lại, mình phải ráng giữ để mai mốt con cháu mình còn biết đến cây lúa mùa nổi xứ mình. Giờ mình không trồng là sẽ bị mất giống, uổng lắm”. Trong lời bà nói như chất chứa biết bao nỗi niềm dành cho cây lúa đã gắn bó với bà từ những ngày thơ bé: “Giống lúa ấy đã nuôi sống từ ông bà, tổ tiên cho đến đời mình nên tôi thương nó lắm”.

Hồi sinh

Nhận thấy tiềm năng của lúa mùa nổi, tỉnh An Giang có kế hoạch “hồi sinh” giống lúa đặc sản này. Từ năm 2013, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ từ tổ chức GIZ, tỉnh An Giang đã phối hợp với Dự án Quản lý nước và thích ứng biến đổi khí hậu (CCCEP) An Giang triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác lúa mùa nổi theo hướng mở rộng diện tích trồng đến năm 2030 là 500ha, tập trung chủ yếu tại huyện Tri Tôn và huyện Chợ Mới. Đến nay, huyện Tri Tôn đã phát triển được 200ha lúa mùa nổi tại hai xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Địa phương này cũng đã liên kết với Đại học An Giang để nghiên cứu cải thiện giống lúa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cho nông dân. Điều đáng mừng là từ khi có dự án bảo tồn, đã có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg lúa, 25.000 - 26.000 đ/kg gạo nên nông dân rất yên tâm sản xuất.

Ông Tiên bên cạnh thước đo mực nước lũ tại ruộng.
Ông Tiên bên cạnh thước đo mực nước lũ tại ruộng.

Từ năm 2013 đến nay, An Giang đã 2 lần tổ chức “Ngày hội thu hoạch lúa mùa nổi”. Tại ngày hội, nhiều hoạt động canh tác lúa mùa nổi đã được tái hiện như cắt lúa, dặm lúa, suốt lúa… Bên cạnh đó, ngày hội còn là dịp gắn kết nông dân với các nhà khoa học, doanh nghiệp tiêu thụ gạo và các đơn vị khai thác du lịch. Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, cho biết: “Lúa mùa nổi đang dần hồi sinh, gắn với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. Dù thời gian canh tác kéo dài, năng suất chưa cao nhưng lúa mùa nổi được xem là một trong những giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, làm nền cho canh tác màu theo hướng sản xuất sạch”.

Theo nhiều chuyên gia, khi nông nghiệp đang hướng đến sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch thì bảo tồn và phát triển lúa mùa nổi chính là một lựa chọn thông minh!

Theo nghiên cứu của Đại học An Giang, gạo lúa mùa nổi chứa hàm lượng vitamin B1 và vitamin E cao hơn nhiều lần so với các loại gạo khác. Ngoài ra, gạo lúa mùa nổi còn có anthocyanin, một hợp chất hữu cơ tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, tim phổi, bệnh xơ cứng động mạch; chống lão hóa...

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất