, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/06/2021, 09:11

Thương mại của các nước giàu gia tăng nguy cơ phá rừng toàn cầu

TUỆ NHƯ

Rừng là nơi duy trì các hệ sinh thái quý giá và điều hòa khí hậu toàn cầu. Tuy vậy, nhiều quốc gia phát triển đang “khuyến khích” nạn phá rừng ở các quốc gia nghèo hơn thông qua thương mại quốc tế.

“Nhập khẩu phá rừng”

Rừng bao phủ 31% diện tích đất toàn cầu và đóng nhiều vai trò quan trọng, chẳng hạn như cô lập các-bon và bảo vệ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nạn phá rừng hiện là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên hành tinh. Một báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) ước tính rằng, chỉ có khoảng một nửa diện tích rừng trên thế giới là “tương đối nguyên vẹn”.

Trong khi việc chặt phá rừng thường diễn ra ở các nước đang phát triển, nhu cầu về hàng hóa từ rừng thường xuất phát từ các nước giàu hơn. Do đó, khi nói về mức độ phá rừng của một quốc gia, bên cạnh diện tích rừng bị mất trong nước, phải tính cả phần “nhập khẩu phá rừng”, tức là phần rừng bị mất ở những nước khác có liên quan đến hàng hóa mà các quốc gia này tiêu thụ. Tiến sĩ Daniel Moran - nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy - giải thích rằng các nước phát triển đang thúc đẩy nạn phá rừng ở nước ngoài thông qua các lựa chọn của người tiêu dùng. “Có vẻ dễ dàng khi nói về việc những người nông dân, người làm lâm nghiệp và các quốc gia nơi nạn phá rừng đang diễn ra cần phải dừng việc phá rừng lại. Nhưng họ chỉ đang đáp ứng lại các tín hiệu từ thị trường toàn cầu. Sự thật là chúng ta đang mua đậu nành của họ làm thức ăn cho bánh mì kẹp thịt và cá hồi, mua dầu cọ của họ làm nguyên liệu đầu vào cho son môi…”, ông Moran nói.

Nghiên cứu dấu vết phá rừng thông qua chuỗi cung ứng

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên Nature Ecology and Evolution (tạp chí khoa học uy tín có trụ sở tại Anh) đã khắc họa rõ nét về việc phá rừng của các quốc gia thông qua thương mại. Cụ thể, nghiên cứu tính toán dấu vết của nạn phá rừng của từng quốc gia, so sánh nạn phá rừng trong nước của một quốc gia với việc họ “nhập khẩu phá rừng” từ nước ngoài thông qua việc khai thác gỗ liên quan đến hàng hóa mà họ mua.

Theo nghiên cứu trên, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nhật Bản đã “nhập khẩu” hơn 90% dấu vết phá rừng từ nước ngoài từ năm 2001 đến 2015. Trong đó 46% - 57% là từ các khu rừng nhiệt đới. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hoàng từ Viện Nghiên cứu Con người và Thiên nhiên (Nhật Bản) - tác giả chính của nghiên cứu - nói rằng: “Chúng tôi ước mọi người sẽ suy nghĩ nhiều hơn về nạn phá rừng trước khi mua và tiêu thụ các mặt hàng có nguy cơ về rừng”. Ông cảnh báo: “Việc mở rộng dấu vết phá rừng không phải trong nước - đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới - có thể gây hại cho nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Bản đồ bên dưới (1) cho thấy dấu vết phá rừng tích lũy của Trung Quốc, Brazil, Đức, Singapore, Nhật Bản và Mỹ trong giai đoạn 2001 - 2015. Phần tô bóng cho biết nơi bắt nguồn dấu vết phá rừng của mỗi quốc gia và quy mô mất rừng mà quốc gia đó gây ra. Bản đồ này được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu mất rừng, phân tích các nguyên nhân dẫn đến phá rừng và mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với nghiên cứu này, “phá rừng” được định nghĩa là một ô vuông trong đó tất cả các thảm thực vật có chiều cao trên 5m đã bị dọn sạch. Nghiên cứu này mang tính toàn cầu và nó tính toán dấu vết của nạn phá rừng của một loạt các quốc gia. Tuy nhiên, các tác giả tập trung vào sáu quốc gia này vì Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức và Trung Quốc hiện là bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Brazil là nơi có diện tích rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và Singapore được xếp vào một trong bốn “Con hổ châu Á” do tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng.

Bản đồ (1) dấu vết phá rừng tích lũy của Trung Quốc, Brazil, Đức, Singapore, Nhật Bản và Mỹ giai đoạn 2001 - 2015.

Hơn một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới còn lại của Trái đất nằm ở lưu vực sông Amazon, nơi nạn phá rừng đã tăng mạnh dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro, nghiên cứu lưu ý.

Bản đồ cũng cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở Canada, theo nghiên cứu, do Hoa Kỳ là điểm đến xuất khẩu chính cho các sản phẩm lâm nghiệp của Canada. Hoa Kỳ có dấu ấn phân biệt rõ ràng nhất, nhập khẩu gỗ từ Campuchia, cao su và các sản phẩm liên quan từ Liberia, trái cây và hạt ăn được từ Guatemala, cũng như đậu nành và thịt bò từ Brazil. Theo nghiên cứu này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tham gia vào hoạt động “khai thác gỗ” ở Việt Nam, trong khi Đức gây ra rủi ro cao nhất đối với các khu rừng ở Côte d’Ivoire và Ghana thông qua nhu cầu về ca cao.

Rừng nhiệt đới bị đe dọa

Trong khi nạn phá rừng toàn cầu đang giảm về tổng thể, nghiên cứu cho thấy việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới đang gia tăng. Hầu hết các nước phát triển và Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu “chính” các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới, trong khi các nước đang phát triển như Brazil là nhà xuất khẩu “lớn”. Nghiên cứu cho biết rừng nhiệt đới đang bị đe dọa nhiều nhất bởi chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia. Ví dụ, vào năm 2015, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Ý đã “nhập khẩu” 91 - 99% số vụ phá rừng của họ từ nước ngoài, trong đó
46 - 57% là từ rừng nhiệt đới. Trong khi rừng nhiệt đới đã hấp thụ 15% tổng lượng khí thải CO2 do con người tạo ra từ năm 1990 đến năm 2007. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hoàng cho biết thêm rằng rừng nhiệt đới cũng “nổi bật là hệ sinh thái đa dạng sinh học phong phú nhất - chứa 50 - 90% tất cả các loài trên cạn”.

Biểu đồ (2) dưới đây phản ánh việc “nhập khẩu” và “xuất khẩu” nạn phá rừng từ các quốc gia được chọn trong năm 2001 và 2015. Các thanh bên trái của trục y cho biết quốc gia đó là nước xuất khẩu ròng do phá rừng từ quần xã sinh vật cụ thể, trong khi các thanh bên phải cho thấy quốc gia là một nhà nhập khẩu ròng. Biểu đồ cho thấy nạn phá rừng ở các quốc gia được liệt kê có ý nghĩa quan trọng đối với rừng nhiệt đới hơn bất kỳ quần xã sinh vật nào khác. Hơn nữa, trong khi “xuất khẩu” nạn phá rừng nhiệt đới giảm ở Brazil từ năm 2001 đến năm 2015, “nhập khẩu” lại tăng trong thời gian này ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Singapore.

Cần có sự chia sẻ để bảo vệ rừng

Nhận xét về nghiên cứu trên, tiến sĩ Daniel Moran nói: “Nghiên cứu này làm rõ các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và cho chúng ta thấy việc mua bán nào gây ra nạn phá rừng. Các phương pháp của nhóm nghiên cứu thể hiện các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Từ đó, người tiêu dùng, các công ty và chính phủ tại các điểm sản xuất, thương mại và tiêu dùng của chuỗi cung ứng đều có thể nhận ra vai trò của họ và được đưa ra tiếng nói”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hoàng nói rằng trách nhiệm giảm thiểu nạn phá rừng “phải được chia sẻ giữa khu vực công và tư nhân, giữa người sản xuất và người tiêu dùng” và lưu ý rằng các quốc gia phát triển cần giúp các quốc gia đang phát triển bảo vệ rừng của họ.

“Các nước phát triển có nền tảng tài chính và pháp lý mạnh mẽ để giảm bớt dấu vết phá rừng của mình. Ngược lại, việc bảo vệ rừng ở các vùng nhiệt đới, chủ yếu bao gồm các nước nghèo và đang phát triển, đòi hỏi các giải pháp lâu dài và toàn diện, cùng với kinh phí đáng kể. Cần có sự chia sẻ tài nguyên từ các nước phát triển để bảo vệ rừng ở các nước nhiệt đới”, ông Hoàng nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Niki De Sy - đang công tác tại Đại học Wageningen - nhận xét rằng nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét nạn phá rừng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng ta không nên bỏ qua thương mại quốc tế và các nước tiêu thụ cũng phải đóng một vai trò - hoặc phải chịu trách nhiệm - đối với một phần của việc phá rừng”, bà nói thêm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất