, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 23/01/2019, 14:47

Thương mãi vị quê nhà

​Cuối năm, những con đường tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan, lạnh ngắt trong sương mù. Trời se se, cảnh vật hai bên đường giống hệt các thị trấn núi Tây Nguyên, nhưng nhịp sống lại từa tựa miền Tây. 

Chiang Rai vào mùa thu hoạch thơm và lúa. Những trái thơm Thái nhỏ như trái ổi nhưng ngọt như người ta bỏ thêm đường phèn. Những cây lúa Thái cao nghêu như những cây cỏ lau, tiếng xào xạc của lá lúa cũng nghe rõ rệt hơn...

Món Nam Nghiao, 
vị Phan Thiết

 

Quán bán đồ ăn sáng nhỏ bên đường chỉ có một người khách. Tôi ngó thấy hai nồi nước lèo, một trong, một đục. Nồi nước trong thì từa tựa hủ tiếu nhưng sẫm màu hơn, tôi đã ăn mấy bữa trước nên không thử nữa. Tôi chỉ vào nồi nước lèo đục đục vì chưa ăn nó bao giờ... Dì nói với tôi: “Nam Nghiao”!

Dì bưng tới cho tôi một tô bún nước đục. Lắp xắp trên những cọng bún là một lớp nước óng ánh từ cà chua. Tôi thấy một ít hoa trong tô bún, đó là hoa nghiao. Một ký ức gì đó thân thuộc lắm tỏa ra từ món ăn này. Tôi nhớ ra tô Nam Nghiao giống món bún bò Phan Thiết. Nếm muỗng đầu tiên thì đúng như vậy, vị nước và cọng bún dẫn dắt tâm trí tôi đi theo món bún bò Phan Thiết...

Món Nam Nghiao. Ảnh: Nathan Huỳnh
Món Nam Nghiao. Ảnh: Nathan Huỳnh

Cái vị nước y chang, cái vị của quê nhà độc nhất ấy, đi tìm khắp nơi cũng không có được. Tôi ăn thèm thuồng như thể đang ăn bún bò dưới góc phố xế chiều trong nhà ga Phan Thiết.

Món bún bò Phan Thiết, tôi tin rằng không phải là một món ăn địa phương hóa từ Huế, mà đó là món ăn bản địa. Tôi chưa từng thấy một món ăn tương tự trong bước chân đi lòng vòng đất nước của mình. Thịt bò hầm ngon lành mềm mụm như thịt kho tàu, chút màu của nước bò kho, chút vị thơm tho của cà ri...

Bình Thuận có nhiều thức ăn tuy gọi là đặc sản nhưng cũng chung một mối với các tỉnh miền Trung khác như cơm gà, bánh cuốn (mắm ruốc), bánh canh, bánh căn, bánh xèo... Ngoài bún bò Phan Thiết, còn một món không chung vị với tỉnh khác là mì quảng Bình Thuận.

Cái tên mì Quảng ở xứ Quảng quá lớn, nên mì quảng Bình Thuận mang một tiểu sử lặng lẽ và thường không viết hoa chữ quảng. Thứ mì quảng nấu như cà ri, lỉnh bỉnh nước. Mì quảng Bình Thuận chỉ có hai loại thịt, thịt heo hầm rục và thịt vịt hầm rục, không cần phải nhai nhiều...

Thấy tôi không phải người Thái Lan, người bán món nấm nướng hỏi tôi, cay hay không cay? Tôi nói cay! Sau khi ăn xong, một người bạn hỏi tôi cay không, tôi nói không cay. Họ ngạc nhiên, tôi phấn chấn mà nói rằng quê nhà tôi là tỉnh ăn cay.

Thức ăn Thái Lan thường ngọt và cay, trái cây họ chấm đường ớt thay vì muối ớt. Khi ăn miếng Som Tam (giống gỏi đu đủ) hay nhai miếng Khao Ka Moo (giống món giò heo hon), hoặc múc một muỗng Phat Kaphrao (thịt xào lá, vị giống món mắm cá biển chưng), tất cả làm tôi nhớ vị đồ quê nhà Bình Thuận cũng thế, ngòn ngọt của miền Nam và rất cay của miền Trung. Có lần, tôi húp miếng canh chua măng người Thái nấu, nghe thấy rõ trong lưỡi cái vị ngày xưa má và chị tôi nấu...

Nhờ vị trí “ngã ba” văn hóa nên mảnh đất Bình Thuận ôm trọn và hợp lưu ẩm thực của hai miền để sản sinh ra một hương vị mới trong cả các món thân thuộc như cơm, phở, bún, cháo, bánh mì, đến các món ăn đặc sệt xứ biển miền Trung.

Và hương vị đồ ăn của Bình Thuận được hiện hữu rõ nhất ở Phan Thiết. Bởi thế, ăn món gì ở Phan Thiết, dẫu là cơm là phở hay một đĩa đồ chua màu trắng màu cam ăn với hột vịt lộn... cũng là của Phan Thiết.

Ngoại trừ ăn bánh canh không ăn bằng đũa, không ăn rau, các món nước của Phan Thiết đều có rau sống. Ai ăn bánh canh bằng đũa, hay nhúng một cọng rau là.. mất gốc, tôi hay đùa như vậy với anh chị em đồng hương. Rau sống, nước chấm cũng là một phần rất thân thương và chịu khó của người Phan Thiết.

Người Phan Thiết rất kỹ rau và nước chấm, không thích ăn lộn xộn. Rau thường bỏ trong một cái rổ nhựa nho nhỏ, rau phở có ngò gai, quế, ngò om; mì quảng là rau húng, diếp cá; bún bò có bắp chuối, rau răm. Không thể ăn chung một rổ rau cho nhiều món được. Ngồi vô quán ở Phan Thiết, bạn không cần phải xin nước chấm riêng cho từng người, vì mấy cô dì sẽ dọn cho mỗi người một chén nước chấm riêng, dẫu là món đó có nhiều loại nước chấm đi chăng nữa...

Về Phan Phiết... ăn xế

Phan Thiết có biển, đầy những kỷ niệm học trò, nhưng với tôi và nhiều bạn bè khác thì về Phan Thiết là để... ăn. Ăn ở Phan Thiết là nghe tiếng quê hương rõ nhất, anh em bạn bè dễ nói chuyện nhất.

Chả cuốn cá trích biển Phan Thiết.-Ảnh: Nguyễn Chức
Chả cuốn cá trích biển Phan Thiết.-Ảnh: Nguyễn Chức

Tốt nghiệp Trường Phan Bội Châu, tôi rời Phan Thiết chỉ với ước ao làm kiếm tiền về ăn cho hết xế chiều Phan Thiết. Phan Thiết như là thành phố buổi chiều vì sau giấc trưa, Phan Thiết cũng thức dậy với các hàng quán đồ ăn nhộn nhịp từ trong hẻm hóc đến đường lộ lớn. Chuyện đi ăn lúc một, hai giờ trưa là bình thường và trở thành nếp sống của người Phan Thiết, gọi là cữ ăn xế.

ong tâm trí tôi, Phan Thiết là thành phố để... ăn chứ không phải chỉ để ngắm, để tắm biển. Tôi tự hỏi, tại sao mọi người cứ kéo nhau ra các khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né (ngoại ô) ngắm biển, tắm hồ bơi mà bỏ qua vùng nội ô Phan Thiết vừa có biển Đồi Dương để tắm vừa có một bản đồ thức ăn để sẵn.

Đồ ăn Phan Thiết rất thanh thản bụng để ăn, nên thường phải đi ít nhất ba quán thì mới xong một “cữ ăn”, hai món khô (chả cuốn cá trích, răng mực, bánh quai dạt - đọc trại từ “tai vạc”, bánh căn, bánh xèo, bánh tráng nướng mắm ruốc, cơm gà, bánh hỏi lòng heo, bánh mì lòng, bánh mì chấm xíu mại, bánh mì chả cá...) và một món nước để kết thúc (bánh canh, mì quảng, bún bò, cháo cá nục kho với bắp chuối luộc...).

Buổi chiều tối Phan Thiết mát mẻ vì gió biển thổi vào nên hình ảnh của “thành phố để ăn” càng trở nên thi vị, đúng chất... Ăn xong, cuộc đi chơi ở Phan Thiết sẽ trọn vẹn hơn khi ra cầu Lê Hồng Phong chụp hình với tháp nước, sau đó ăn một miếng kem flan Mộng Cầm và ngắm những con tàu đánh cá đang về neo đậu san sát với những ngọn đèn leo lét trên sông Cà Ty.

Theo Trần Minh Hợp/TTCT

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất