, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 24/09/2022, 08:43

Thương mùa nước nổi!

THANH TIẾN
(baoangiang.com.vn)
Với những ai sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đầu nguồn châu thổ Cửu Long, mùa nước nổi An Giang sẽ luôn là một phần ký ức. Nó nhắc nhở người ta về vòng quay tạo hóa và những thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với mảnh đất quê hương đã nuôi dưỡng mình từ những con cá, con cua.

Ký ức...

Chẳng biết tự bao giờ, con nước lũ mỗi năm một bận về tắm mát đồng bằng châu thổ. Chỉ biết rằng, ngày tôi còn chưa ê a học chữ thì đã biết đến mùa nước nổi. Hồi ấy, cánh đồng lúa quanh nhà sau vụ đông ken vẫn còn trơ gốc rạ, hăng hăng mùi khói. Cứ thấy người lớn đổ bánh xèo ăn “mùng 5 tháng 5” thì y như rằng mùa nước tràn đồng sắp tới!

Trong bữa cơm chiều đạm bạc, mẹ bưng xuống chảo cá linh kho ớt thơm ngào ngạt, rồi buộc miệng: “Có cá linh rồi, sắp tới mùa nước lên đồng!”. Lúc ấy, chúng tôi không thích mùa nước lên cho lắm, bởi đâu đâu cũng nước, cứ cuống chân lòng vòng trên nhà không đi chơi được. Và rồi, mấy cánh ruộng nơi chân trời bắt đầu trắng nước. Nước từ phía xa dần nuốt chửng cánh đồng. Nước ngập qua bờ ruộng. Thấp thoáng đã thấy bóng người giăng câu lặn lội ở chốn đồng xa.

 

Hình ảnh mênh mông, thi vị của mùa nước nổi An Giang

Sang tháng 7 (âm lịch), xuồng ba lá lướt trên mặt ruộng. Đồng lúa hôm trước giờ thành biển nước mênh mông. Nhà tôi trên gò đất cao, cách đường quốc lộ chừng vài mươi thước. Muốn vô nhà, phải bắc cầu tre. Những năm lũ lớn, mỗi ngày có khi cao thêm cả tấc nước. Ba tôi phải cơi nới cây cầu tre liên tục để có lối đi. Mấy vạt bèo cũng lớn nhanh, ken đặc cả một vùng. Ngán nhất là mấy ổ kiến lửa kết thành chùm, thành cục trôi lều bều theo con nước. Nếu chẳng may “dính” phải là khổ sở vô cùng, nên đám con nít chúng tôi rất sợ.

Rồi nước phân đồng, trong vắt như gương. Ba cũng mang chài ngày 2 bận kiếm cá quanh nhà. Cá linh, cá rô, cá sặc… cứ lai rai có, nên dân quê chủ yếu lo gạo là sống qua mùa nước nổi. Sản vật mùa nước đua nhau xuất hiện. Bông súng, điên điển, rau muống… mọc thành từng đám lớn. Siêng một chút là có cái ăn. Đời sống lúc ấy nghèo nhưng không đói. Rồi anh em tôi cũng biết bơi nhờ mùa lũ. Mà khi đó, chẳng đứa nào nghĩ mình biết bơi nhờ tập luyện, chỉ đinh ninh là do hiệu nghiệm của “chuồn chuồn cắn rún”!

Với tôi, nhớ nhất là con nước năm 2000, rồi năm 2001. Nước lũ dâng cao, vượt qua cả đường đi. Xe cộ dẹp hết lên nhà, chỉ có xuồng ghe là thịnh hành thời điểm đó. Dọc theo tuyến giao thông chính, người ta chất bao cát thành hàng cao, dài tít tắp để chống ngập và cũng để có lối đi. Đám học sinh đến trường mà bì bõm như đi bắt cá. Mấy chiếc xuồng cũng có dịp lên phố, “chu du” vào tận nội ô Châu Đốc, khi đó đã ngập ngang lưng quần người lớn. Cái thời ấy giờ đã đi qua, nhưng cứ là một phần ký ức với thế hệ chúng tôi.

Trông lũ

Bây giờ, nước lũ vẫn theo vòng quay của tạo hóa nhưng “tính nết” thì đã khác xưa. Có năm, dân bà cậu đỏ mắt ngóng con nước lớn. Giờ đây, đa phần họ gác mái dầm, tìm nghề khác ổn định hơn để mưu sinh. Dọc theo những cánh đồng xả lũ, nước hiếm khi cao quá đầu người. Có năm lũ lớn, người ta cũng chẳng kịp vui bởi con nước rút nhanh khiến con cá cũng trôi đi hết.

Dọc theo kênh Vĩnh Tế mùa này, con nước đã bò vào đến bãi, vỗ về mấy chiếc vỏ lãi của dân câu lưới đồng xa. Trên vỏ lãi, đồ nghề nằm im thin thít, người đi câu thì dăm hôm một chuyến, bởi cá mắm chưa nhiều. Nếu đếm ngón tay, chắc đã 5 mùa nước gần đây sản lượng cá đồng không như kỳ vọng. Có người buộc phải bỏ nghề, ai trụ lại thì tìm đủ phương cách, kể cả chuyện đóng vèo nuôi cá theo kiểu bán tự nhiên.

Mùa nước nổi đã nuôi sống bao thế hệ ngư dân

Vốn gắn bó cùng mùa lũ, tôi cũng hay lân la qua những cánh đồng ngập nước. Ở đó, vẫn thấy thấp thoáng ký ức về mùa nước lên ngày trước. Thi thoảng, có mấy chiếc xuồng con lẻ loi, trơ trọi giữa mênh mông biển nước. Những cơn gió đồng xa man mác thổi, ràn rạt rặng cây ven bờ. Những chòm điên điển vàng bông cứ chập chờn ngả mình theo cơn gió. Phía xa xa, mấy ngọn núi ở Tịnh Biên cũng trầm mặc, lặng lẽ soi bóng xuống mặt nước mênh mông.

Dừng chân ghé lại bộ vạt tre của người bạn bên dòng Trà Sư lộng gió, bạn xởi lởi pha trà, miệng cười hào sảng. Ly trà lài thơm ngát, quyện vào câu chuyện mưu sinh của ngư dân này trong mùa lũ năm nay. Anh tâm sự, mấy bữa nay, cá đã có nhiều hơn. Hôm nào hên, cũng giăng lưới dính hơn chục ký mang ra chợ bán. Có chút đồng vô, trong nhà cũng vui vẻ hẳn. Nhân tiện, anh mời tôi món canh chua lục bình nấu với cá hủn hỉn. Nói về mấy món “độc chiêu” mùa nước nổi, thì anh bạn này cũng thuộc dạng sành ăn. Bởi lẽ, anh đã có hơn 40 mùa nước nổi lặn lội với con cá, con cua.

Với tay vớt nhánh rong đuôi chồn lượn lờ dưới mặt nước phù sa, tôi lắng nghe một chút kỷ niệm ùa về cùng mùa nước nổi. Có thể, con nước lũ giờ đây ít nhiều thay đổi, nhưng vẫn giữ được cái man mác rất riêng của vùng đất An Giang nhiều nắng gió. Bởi thế, đã từng có những sản phẩm du lịch về mùa nước nổi An Giang để du khách có những trải nghiệm đáng nhớ về thiên nhiên, cảnh vật đầu nguồn.

Bên cạnh những giá trị về sản vật, sinh kế và lợi ích cho nông nghiệp, mùa nước nổi còn là ký ức, hình ảnh đặc trưng của miền Tây nói chung và vùng đất An Giang nói riêng. Nó nhắc nhở mỗi người đừng quên đi món quà mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở mình. Để rồi, dù có đi ngược về xuôi, người ta vẫn sẽ đôi lần chợt muốn quay về với mùa nước lũ tràn đồng, bên mâm cơm chiều dưới mái tranh xiêu!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất