, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 17/10/2021, 19:00

Thương quá lục bình

TRƯƠNG THÚY
Ai bảo rằng chỉ người già mới hay sống bằng hoài niệm? Không đâu! Thương nhớ về những tháng ngày đã từng trải qua, dù nghèo khó hay đủ đầy sung túc, dường như là “thói” chung của hầu hết mọi người…

Tôi ngồi đợi bạn trên lầu hai của một quán cà phê bên dòng sông nhỏ. Nắng chiều nhàn nhạt trải trên mặt sông loang loáng sắc vàng. Đôi mắt tôi bị hút vào bè lục bình đang dập dềnh nhẹ trôi theo con nước. Sắc tím biêng biếc của những cánh hoa lục bình mỏng manh như chạm cả vào miền nhớ trong tôi đầy tha thiết. 

Tôi nhớ những chiều hè thả trâu trên triền đê cho chúng thong dong gặm cỏ, còn đám trẻ chăn trâu chúng tôi thì rủ nhau ra bờ sông, chọn chỗ cây đa có cành chìa sát ra mặt sông rồi thi nhau nhảy xuống tắm. Mặt sông vang rộn những tiếng nói cười. Nước sông chảy qua quãng chúng tôi tắm như cũng bị tiếng cười giòn tan níu lại. Chẳng thế mà những bè lục bình đang trôi lại ngập ngừng chậm hẳn, có khi còn tấp lại chỗ chúng tôi. Bơi mệt, có đứa nghĩ ra trò bám vào bè lục bình to, trèo cả nửa người trên đó, nửa người thả xuống nước rồi để dòng nước đưa cả người cả lục bình chầm chậm trôi đi một quãng xa. Lát sau mới lóp ngóp trèo lên bờ chạy ngược lại rồi kiếm bè lục bình khác trèo lên. Lại thả trôi cùng những tràng cười thích thú. 

Tôi nhớ những bông lục bình nở tím một góc ao nhà mà chị em tôi hay hái về cùng chúng bạn chơi trò bán hàng. Hoa lục bình mỏng manh từng chùm khoe sắc tím bên bao thứ hoa dại khác mà chúng tôi hái được. Những chiếc lá lục bình nhỏ xinh, tròn tròn, nhẵn mịn được dùng làm tiền để mua bán trong trò chơi con trẻ. Trong túi áo, túi quần đứa nào cũng rủng rỉnh tiền lục bình. Kết thúc phiên mua bán, kiểu gì chúng tôi cũng ngồi lại đếm xem đứa nào nhiều tiền hơn, đứa nào bán giỏi hơn…

Không chỉ để chơi, lục bình còn là thứ rau ngon ngọt cho lũ gà lũ vịt. Người làng tôi thường lấy lục bình về băm nhỏ, trộn lẫn với cám gạo hoặc cám ngô. Tôi hay theo mẹ kéo xe bò đi lấy lục bình ở ao làng. Sau khi nhặt sạch rễ, mẹ xếp những mớ rau lục bình gọn gàng lên xe rồi kéo về. Lục bình xốp, thân giữ nước, để mấy hôm cũng không bị héo. Mỗi lần đi, mẹ hay lấy thật nhiều về để phía cầu ao băm dần cho lũ gà vịt háu đói. Lâu lâu mẹ cũng lấy lục bình ở ao nhà khi thấy chúng đã đẻ ra nhiều. Rễ lục bình trông như những chiếc lông vũ sắc đen buông rủ xuống nước từng chùm, là ngôi nhà lí tưởng cho bọn tôm tép và những chú cua, cá nhỏ. Chẳng thế mà khi mẹ nhấc những cây lục bình dưới ao lên, kiểu gì cũng có vài con tôm, cá rơi ra từ bộ rễ. Lần nào mẹ vớt bèo ở ao tôi cũng thích thú cầm theo chiếc thau nhỏ đứng chờ, hễ thấy con nào rơi ra là chạy lại bắt. 

Ngày xưa, người dân quê tôi còn thường dùng lục bình như một loại thuốc chữa bệnh. Người lớn, trẻ con mà bị mụn thì cứ hái ít lá tươi đem giã với muối đắp lên, khi nào khô thì thay miếng khác. Đỡ sưng, đỡ đau rõ rệt. Rồi hoa lục bình chưng với đường phèn để chữa ho, vài ngày uống là dứt cơn. Nhắc tới lại thấy ngày ấy sao mình khờ khạo. Chỉ vì thèm cái vị ngọt của đường phèn chưng hoa lục bình mà lâu lâu tôi lại cứ ước mình bị ho. 

- Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi…

Bạn vừa hát vừa kéo ghế ngồi và nhìn theo ánh mắt tôi về phía mấy cây lục bình trôi trên sông:

- Lại nhớ quê, nhớ cái thuở tóc khét mùi nắng cưỡi lục bình trôi sông rồi thì phải!

Tôi gật đầu cười:

- Ngày ấy vui quá, bình yên quá! Tự nhiên nhớ món canh đọt non lục bình nấu tôm khô của mẹ.

- Hoa lục bình luộc chấm với nước cá kho, vừa đẹp mắt vừa ngon. Còn ngó lục bình xào thì ngon không thua ngó sen, còn nhớ không? 

Bạn hào hứng góp với tôi vài món của lục bình trong kí ức. Nhớ chứ. Nó còn ngon đến tận bây giờ. 

Tôi nhìn mãi những cánh lục bình trên sông, lòng chợt xốn xang niềm nhớ…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất