, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/11/2023, 06:00

Thủy điện nhỏ tác hại to

YÊN MINH
Khi nói đến năng lượng sạch người ta thường đề cập đến thuỷ điện. Suy nghĩ đơn giản là sản xuất điện theo phương thức này dựa trên năng lượng nước được mô tả là nhiên liệu sạch và có khả năng tái tạo nhanh chóng. Nói cho dễ hiểu thì quá trình sản xuất điện không thải ra các chất độc hại hoặc các khí độc thải vào bầu khí quyển của trái đất như các nhà máy điện dùng chất đốt hóa thạch hoặc than.

Các thuỷ điện nhỏ hiện nay có công suất phát điện khoảng 10MW - 30MW/ nhà máy. Nhưng hậu quả để lại từ quá trình xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ nếu không được kiểm tra nghiêm ngặt thì dòng điện làm ra có nên xem là năng lượng sạch hay không?

Hình minh họa.

Lợi ích thuỷ điện ai cũng nhìn thấy dưới góc độ phát triển kinh tế xã hội, nguồn thu lớn cho ngân sách. Ở nước ta, điện năng từ nguồn thuỷ điện hiện chiếm tỷ trọng khoảng 29,5% nhu cầu cả nước, nhưng đang có chiều hướng giảm dần so với tiến độ phát triển kinh tế xã hội tăng nhanh thời gian gần đây. Dự kiến đến năm 2030 tỷ trọng này sẽ vào khoảng 15%, nhiều người nghĩ đến nguồn năng lượng sạch sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt này.

Với giá thành mỗi kWh điện thấp lại không phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu dầu mỏ hay than đá, khiến thuỷ điện nhỏ và vừa ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp ngoài ngành điện lẫn giới đầu tư tư nhân tìm cách tham gia vào cuộc chơi này.

Thế nhưng khác với các công trình thuỷ điện lớn có mọi tính toán để bảo đảm an toàn trong vận hành, việc đầu tư xây dựng thuỷ điện nhỏ là nguyên nhân chính gây ra biết bao tác động nghiêm trọng liên quan đến đời sống sinh kế của hàng triệu người khi phải di dân tái định cư, gây biến đổi nguồn nước, tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nhất là ở vùng thượng lưu các hồ chứa nước và đập xả lũ.

Trước sự hứa hẹn thoả mãn năng lượng sạch cho người dân và nguồn thu ngân sách, nhiều địa phương đã “tiếp sức” cho các dự án thủy điện nhỏ khiến mật độ ra đời của các dự án ngày càng nhiều. Thực tế cho thấy có địa phương chỉ trên dòng sông 15km có đến 3 dự án thuỷ điện nhỏ mà các con đập thường là nguyên nhân gây lũ dữ vào mùa mưa lớn.

Đã có ý kiến phản hồi từ các cơ quan chức năng về chất lượng các công trình này, theo đó, thuỷ điện nhỏ xây dựng ở vùng sâu vùng xa nên nhà đầu tư thường tính toán để giảm tối đa chi phí, không loại trừ nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng xây dựng hồ chứa nước và đập xả lũ, những công trình được thực hiện bằng mọi giá, kiếm tiền qua việc tận dụng mọi nguồn nước trở thành mục tiêu lợi nhuận.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các dự án thuỷ điện nhỏ lại hấp dẫn như vậy?

Câu trả lời của cơ quan chức năng là khi xây dựng dự án thuỷ điện phải tính đủ chi phí cho các vấn đề tổn hại môi trường, đất đai, thiệt hại rừng, bảo đảm đời sống của người dân vùng hạ lưu, nhưng hầu hết các chi phí này thường không được tính toán đầy đủ.

Vốn đầu tư vào thuỷ điện nhỏ không lớn nhưng nguồn thu thì lớn. Đó là chưa kể có sự tài trợ vốn ưu ái của một số ngân hàng. Hợp đồng giải ngân nhanh và thuận lợi hơn các dự án khác bởi nghĩ rằng kinh doanh ngành thuỷ điện có lợi nhuận trên vốn cao và ít rủi ro .

Số liệu chưa đầy đủ cho thấy đến nay cả nước có 290 công trình thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã đưa vào vận hành khai thác, bên cạnh đó có 366 dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng, gồm 299 dự án đang nghiên cứu đầu tư, 67 dự án chưa nghiên cứu đầu tư. Đây là một con số quá lớn trong tình hình quản lý chung của chúng ta.

Các cuộc khảo sát gần đây tại một số tỉnh cho thấy phần lớn các công trình thủy điện nhỏ đều nằm trong rừng núi đầu nguồn các con sông. Để xây dựng các nhà máy này buộc phải hy sinh một diện tích đất rừng tương ứng thường là từ 50 đến 70 héc-ta, có nơi để sản xuất 1 MW điện năng đã phải lấy đi hơn 3 - 4 héc-ta rừng đặc dụng. Trong khi đó các quan chức địa phương vẫn khẳng định là không đánh đổi môi trường để lấy nguồn điện, nhưng tình trạng vẫn chưa có gì đổi thay.

Nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy do địa hình bị phân cách, chủ yếu là những dãy núi với sườn dốc cao, nên khi đốn bỏ hết các cây rừng, các công trình ở ngay dưới chân núi sẽ rất nguy hiểm, khi mùa mưa đến khả năng bị sạt lở lũ cuốn là rất lớn.

Mới đây có kiến nghị cho rằng Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường nên thành lập những đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm các nhà khoa học có trách nhiệm đánh giá và thẩm định lại tất cả các dự án thủy điện nhỏ đang xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng, về tính an toàn và bền vững của môi trường. Các kiến nghị nói rõ tuyệt đối không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên dù với bất kỳ lý do nào trong đó có việc xây dựng các công trình thuỷ điện nhỏ. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất