, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 19/05/2022, 12:32

Thúy Hiền Wushu: “Với vận động viên, phía sau huy chương là máu, nước mắt"

HIỀN HƯƠNG
(laodong.vn)
“Để có được vài giây đứng trên bục nhận huy chương, những vận động viên như chúng tôi đã phải đánh đổi cả thơ ấu, cả tuổi trẻ với lịch tập dày đặc. Chúng tôi đã phải sống một cuộc sống khác biệt với tất cả...” – cựu vận động viên Wushu Thúy Hiền chia sẻ
Vận động viên Wushu Thúy Hiền ngày ấy bây giờ. Ảnh: NVCC

“Vinh quang và thất bại đôi khi cách nhau rất gần”

Năm 2003, khi lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games, chị đã được chọn là vận động viên rước đuốc trong đêm khai mạc. 19 năm sau, cũng trên sân Mỹ Đình, chị lại cùng những thế hệ vận động viên tiêu biểu rước đuốc khai mạc SEA Games 31. Thời gian với độ lùi 19 năm có đủ để mang đến cho chị những cảm xúc khác?

- Đúng là những cảm xúc rất khác. Cách đây 19 năm, khi ấy tôi còn trẻ, còn đang thi đấu, tôi chưa đủ trải nghiệm để có được cảm xúc đủ đầy, trọn vẹn như bây giờ.

19 năm trước trên sân Mỹ Đình, tôi ngoài 20 tuổi, khi rước đuốc trong đêm khai mạc SEA Games 2003, tôi bị phân tâm rất nhiều. Lúc ấy, tôi chưa có được ý thức rõ ràng về niềm tự hào được lựa chọn rước đuốc, tôi còn đang phải lo lắng xem mai sẽ thi đấu thế nào, cần chuẩn bị những gì, các đối thủ nước bạn ra sao, năm nay chất lượng thí sinh Wushu có gì...

Tôi chịu áp lực rất lớn của một vận động viên đang thi đấu và muốn giành chiến thắng, nên tôi không có được nhiều cảm xúc.

Phải đến bây giờ, khi đã có 19 năm để nhìn lại, để đi qua sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, để trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống..., tôi mới thấm thía hết những cảm xúc của việc được lựa chọn rước đuốc trong đêm khai mạc một kỳ đại hội thể thao tầm cỡ khu vực.

Tôi đứng dưới ngọn đuốc của SEA Games 31 và cảm thấy trọn vẹn sự tự hào. Đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân tôi, còn của gia đình, của bố mẹ, của các con tôi đang ngồi trước màn hình.

Vận động viên Thúy Hiền thời thi đấu đỉnh cao. Ảnh: NVCC

Khi ở thời kỳ thi đấu đỉnh cao, chị từng là biểu tượng thành công của vận động viên nữ Việt Nam. Chiến thắng, những tấm huy chương, hay những ngày tập luyện cực nhọc mới là điều khiến chị nhớ đến bây giờ?

- Tôi nhớ tất cả, nhưng tôi nhớ nhất những ngày tháng tập luyện. Để có được vài giây chớp nhoáng lên bục vinh quang nhận huy chương, những vận động viên như chúng tôi đã phải đi qua một hành trình rất dài.

Chúng tôi đã phải đánh đổi cả thơ ấu, cả tuổi trẻ với lịch tập dày đặc. Đã phải sống một cuộc sống khác biệt với tất cả. Chúng tôi không chỉ phải vượt qua chính mình về nghị lực, về sự quyết tâm, còn phải vượt qua chính cơ thể vật lý, nền tảng sức khỏe của mình để luyện tập và thi đấu.

Sẽ có lúc mệt lắm chứ, sẽ có lúc bị chấn thương, có lúc sức lực cạn kiệt, có cả những khi gặp vấn đề về sức khỏe, bị suy yếu tinh thần... Nhưng vẫn phải miệt mài tập.

Quả thực, đằng sau mỗi tấm huy chương là những ngày bị chấn thương, là máu và nước mắt. Nên những khoảnh khắc lên bục vinh quang nhận huy chương, rất ngắn ngủi, rất chớp nhoáng, có khi chỉ lướt qua với người khác, nhưng với mỗi vận động viên chúng tôi, đó lại là những phút quay chậm, vỡ òa cảm xúc.

Chị là một trong những vận động viên Việt Nam đoạt nhiều Huy chương vàng nhất tại các kỳ SEA Games. Nhìn lại sau 19 năm, những thăng trầm, được – mất đằng sau mỗi tấm huy chương, suy nghĩ của chị?

- Tôi cũng như tất cả những vận động viên khác, khi chọn đi theo con đường chuyên nghiệp, thi đấu đỉnh cao, thì chỉ có một mục tiêu duy nhất, là thi đấu vì màu cờ sắc áo. Khi cờ tổ quốc, khi quốc ca Việt Nam vang lên, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi khổ luyện, vết đau chấn thương đều tan biến, lúc đó chỉ còn lại niềm hạnh phúc và tự hào.

19 năm nhìn lại, tôi vẫn cảm nhận được niềm tự hào đó. Nếu được chọn đi lại, tôi vẫn đi con đường đó. Để 19 năm sau, được đứng dưới ngọn đuốc SEA Games 31, để bố mẹ và các con tôi được tự hào – tôi chưa từng có gì phải nuối tiếc.

 
Thúy Hiền đoạt 8 Huy chương vàng môn Wushu tại các kỳ SEA Games. Ảnh: NVCC
 

Nhìn lại sự nghiệp, với 7 Huy chương vàng thế giới, 2 Huy chương vàng Châu Á, 8 Huy chương vàng SEA Games..., chị có nghĩ mình đã chạm đến đỉnh cao sự nghiệp?

- Đặt trong bối cảnh nhân lực, vật lực của thời điểm đó, tôi nghĩ là tôi đã chạm được đến đích của mình.

Chị có thể chia sẻ về nhân lực, vật lực của thời điểm đó?

- Tôi bắt đầu thi đấu từ những năm 1987, 1988 – thời điểm đó đất nước còn nghèo. Vận động viên chúng tôi không được bồi dưỡng, không được trang bị đầy đủ như bây giờ.

Mọi thứ đều thiếu thốn, vì kinh tế không cho phép. Nhưng chúng tôi vẫn đầy quyết tâm, ôm trong mình những hoài bão, khát vọng thi đấu đỉnh cao, vì màu cờ sắc áo.

Chị của những năm tháng đó được miêu tả là cô bé nhà nghèo, gầy 40kg, đau dạ dày và thường phải uống thuốc giảm đau để tiếp tục tập luyện, thi đấu...

- Tôi chẳng còn cách nào khác là uống thuốc giảm đau. Rồi những năm tháng tập huấn xa nhà khi còn nhỏ tuổi. Hồi đó, chúng tôi sang Trung Quốc tập huấn, thời kỳ đầu còn lạ đồ ăn thức uống, không ăn được. Mì tôm bỗng trở thành món ăn quý giá.

Phải có người quen về Việt Nam, gia đình mới gửi sang được cho ít mì tôm, bột sắn. Thậm chí, chúng tôi còn không dám xin mì tôm của nhau, vì đó là đồ ăn quá quý giá, không nỡ “vay” của bạn.

Có phải chính vì hành trình dài khổ luyện nên giây phút chớp nhoáng lên nhận huy chương càng trở nên quý giá? Và nhiều vận động viên vẫn khóc khi chạm được đến vinh quang?

- Có nhiều vận động viên bật khóc khi nhận huy chương, nhưng tôi thì rất ít. Tôi lại nghĩ, hầu hết những vận động viên như chúng tôi, đều nén nước mắt vào trong. Tinh thần thể thao đã rèn cho chúng tôi ý chí, nghị lực, rèn cho chúng tôi sự mạnh mẽ.

Tôi thường không khóc khi lên nhận huy chương, nhưng khi trở về phòng, ngồi xem hình ảnh các bạn thi đấu trên TV, tôi lại bật khóc.

Thúy Hiền hiện tại. Ảnh: NVCC

Ai đó đã nói, vinh quang và nước mắt – vinh quang và thất bại với các vận động viên chỉ là gang tấc. Một vận động viên có thể gục ngã vì thất bại. Quan điểm của chị về vinh quang và thất bại trong cuộc đời một vận động viên?

- Tôi nghĩ, chúng tôi đều phải làm quen với điều đó. Vinh quang và thất bại đôi khi cách nhau rất gần. Có thể chỉ vì thiếu một chút may mắn. Có thể vì một lý do ngoại cảnh.

Tôi không tin có vận động viên nào sẽ gục ngã vì thất bại, ngay cả khi anh ấy là người nhiều khát vọng và tự tin vào mình đến mấy.

Thất bại chỉ khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn. Những giải đấu trải dài suốt sự nghiệp, chúng tôi phải nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, và không được phép gục ngã.

Tôi thích những câu hát, “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi/Và ta khắc tên mình trên đời”, “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, “Lời hứa ghi trong tim mình/vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao”...

Những câu hát này phù hợp với bất kỳ ngành nghề nào, nhưng riêng với những vận động viên chúng tôi, câu nào cũng thật thấm thía. Chúng tôi đã sống và thi đấu đúng như thế.

“Luôn phải có phương án dự phòng”

Chị là vận động viên rất đặc biệt. Chị nổi tiếng và được yêu mến giống như một ngôi sao. Chị từng đóng phim, và được mời đóng phim vì ngoại hình xinh đẹp như diễn viên. Chị có thấy “sự lợi hại” này của mình?

- Tôi nghĩ đó là sự ưu ái, không phải sự lợi hại (cười).

Sau vinh quang, đến một độ tuổi nào đó, người vận động viên sẽ phải trở về cuộc sống thường nhật, và bắt đầu một hành trình mới. Khi đó, các anh chị không phải lo tập huấn và thi đấu, nhưng phải lo... mưu sinh, kiếm tiền. Đây có phải là sự nghiệt ngã, dưới góc nhìn của chị?

- Chúng tôi đều phải có phương án 2 cho mình. Tôi nghĩ nghề nghiệp nào cũng thế. Nói một cách thẳng thắn là, đến một lúc nào đó, chúng ta đều sẽ hết thời. Chúng ta phải nhường lại sàn đấu cho thế hệ trẻ. Điều quan trọng là, chúng ta phải luôn tính toán và nghĩ đến phương án tiếp theo cho cuộc sống của mình.

Cũng có nhiều vận động viên sẽ tiếp tục là huấn luyện viên. Trước đây và bây giờ, tôi vẫn dành thời gian đào tạo thế hệ trẻ kế cận cho bộ môn Wushu.

Trở về sau vinh quang, chị đối diện với đổ vỡ hôn nhân, chị một mình nuôi con, bán hàng online, và làm nhiều công việc để trang trải. Sự mạnh mẽ chị có được là từ Wushu, hay từ sóng gió cuộc đời?

- Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, khi bạn có bố mẹ ở phía sau và bên cạnh là 2 con, bạn sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua tất cả.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất