, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 11/05/2018, 16:51

Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo

Việc nuôi trồng thủy sản, trọng điểm là tôm và cá tra ở vùng ĐBSCL đặt ra yêu cầu lớn về hệ thống cung cấp năng lượng điện cho ngành.

Nhu cầu đầu tư điện lưới cho vùng nuôi tôm trọng điểm

Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản - Tổng Cục Thủy sản: trong năm 2017, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,514 tỷ USD, giá trị sản xuất đạt 211.808 tỷ đồng, chiếm 23,6% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. 

Vào năm 2017, ngành tôm và cá tra đã đạt 5,755 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm đến 67,6% toàn ngành thủy sản. Ngành tôm đạt tăng trưởng rất cao, tới 3,855 tỷ USD năm 2017, tăng đến 22,3% so với kim ngạch xuất khẩu năm ngoái.

Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm trọng điểm khi chiếm đến 92% diện tích nuôi tôm nước lợ và 83% sản lượng nuôi tôm nước lợ cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long - vùng nuôi tôm trọng điểm. Ảnh: Tổng Cục Thủy sản.
Đồng bằng sông Cửu Long - vùng nuôi tôm trọng điểm. Ảnh: Tổng Cục Thủy sản.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản - Tổng Cục Thủy sản cho biết, năng lượng, cụ thể là nguồn điện là đầu vào rất quan trọng cho ngành thủy sản, nuôi tôm, đặc biệt là đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Một vụ nuôi tôm thâm canh cần 50 - 200 triệu tiền điện/ha/vụ, chi phí chỉ chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất nhưng chỉ cần 1 vấn đề nhỏ về điện đầu vào sẽ ảnh hưởng lớn đến cả đợt sản xuất. Trong nuôi tôm, nuôi thâm canh, điện dùng để chạy bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc, vận chuyển....

Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam: tốc độ tăng thương phẩm của thành phần Nông – Lâm – Thủy tăng rất cao (năm 2016 tăng đến 77,29%). Điều này chứng tỏ việc sử dụng điện để phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu phục vụ nông nghiệp đã chuyển dịch tăng lên rất nhiều.

Trong năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng đã thực hiện thống kê điện năng tiêu thụ của các phụ tải nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đổng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có 4 tỉnh dành đến hơn 10% lượng điện năng tiêu thụ cho nuôi tôm công nghiệp là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre và Ninh Thuận.
 
Tích hợp nuôi tôm và năng lượng tái tạo
 
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam: Việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện, chưa đi vào chiều sâu (chỉ có tính chất định hướng, chưa chỉ rõ khu vực cụ thể và các cơ chế kiểm soát phát triển khu vực nuôi theo quy hoạch… ) và đồng thời việc thực hiện chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành như: hạ tầng cung cấp  điện, quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả và an toàn điện, quản lý môi trường…đang gây nhiều khó khăn cho việc cấp điện cho nuôi tôm.
Việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện
Việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện gây nhiều khó khăn cho việc cấp điện cho nuôi tôm. Nguồn: Tổng Công ty Điện lực miền Nam
Theo Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 -  Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Đối với nuôi tôm công nghiệp thì hệ thống lưới điện chưa được đầu tư nhiều, hiện chỉ có một số vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung mới được đầu tư lưới điện 03 pha và nâng cấp trạm biến áp để vận hành được máy móc thiết bị như vùng quy hoạch nuôi tôm trọng điểm tại các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh…. Một số vùng có diện tích nuôi tôm công nghiệp phân tán thì chưa được đầu tư, chi phí cho sản xuất quá cao do phải chạy máy bằng nhiên liệu xăng, dầu.
 
Việc nuôi tôm theo hình thức bán công nghiệp của các hộ dân chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, sử dụng nguồn điện từ ánh sáng sinh hoạt, dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện, chất lượng điện áp không đảm bảo.  
 
Mặc dù Tổng Công ty Điện lực miền Nam EVNSPC đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, song vẫn chưa đáp ứng đủ, do nhu cầu đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nuôi trồng và sản xuất mặt hàng này thời gian tới vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, việc huy động vốn lại gặp rất nhiều khó khăn mà riêng EVNSPC không thể thực hiện được.
 
Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt cấp điện cho các khu vực nuôi tôm ở miền Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long, việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng với quy mô phù hợp sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, giảm chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành nuôi tôm của khu vực.
 
Theo đó, Tổng Công ty Điện lực miền Nam hiện đang khảo sát nghiên cứu phương án tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt trong nuôi tôm. Ngoài ra, theo Hiệp hội Năng lượng mới và tái tạo Hàn Quốc KNREA, Hàn Quốc và mong muốn hợp tác với Việt Nam để: Phát triển tích hợp các hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo; hợp tác chuyển đổi sinh khối trong các nhà máy than cũ...
 
 
Các hệ thống điện mặt trời thí điểm cho nông nghiệp và thủy sản trên thế giới. Nguồn: Chương trình hỗ trợ năng lượng MOIT/GIZ.
Các hệ thống điện mặt trời thí điểm cho nông nghiệp và thủy sản trên thế giới. Nguồn: Chương trình hỗ trợ năng lượng MOIT/GIZ.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện trong nuôi tôm, Tổng công ty hiện đã triển khai Đề án: “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Bộ giai đoạn 2016-2018”. Triển khai thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng từ tháng 12/2016, giải pháp tiết kiệm điện được lựa chọn áp dụng là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, đồng thời thực hiện tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm kết hợp chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo oxy nuôi tôm để tiết kiệm điện.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn 2018-2019, Tổng công ty tiếp tục lập đề án triển khai thí điểm giải pháp mới: “Giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu - Giai đoạn thí điểm 2018-2019”. Giải  pháp được áp dụng: “Thay động cơ điện hiệu suất cao, bộ điều tốc kết hợp với thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt với trục động cơ”. Đây chính là sự kết hợp giữa mô hình mới và hai mô hình đã được chứng minh hiệu quả tại tỉnh Sóc Trăng.
 

Sáng nay, Hội thảo Tích hợp nuôi trồng thủy sản với các hệ thống năng lượng tái tạo - động lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã được Bộ Công Thương phốii hợp cùng Hiệp hội năng lượng Việt Nam, Tổng Cục Thủy sản, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tổ chức tại TPHCM. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Hiệp hội năng lượng mới và tái tạo Hàn Quốc (KNREA). 

 Ảnh: Uyên Linh

Uyên Linh

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất