, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/12/2021, 17:10

''Tiệm giặt là hạnh phúc''

DƯƠNG LINH
(hanoimoi.com.vn)
Là người khiếm thính, nhưng chị Lương Thị Kiều Thúy (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để trở thành giám đốc một công ty nhượng quyền xã hội và quản lý “Tiệm giặt là người điếc”.

Nhiều người đồng cảnh ngộ gọi vui đây là “tiệm giặt là hạnh phúc” vì không chỉ tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế mà còn giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống. Chị Thúy vinh dự là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam biểu dương tháng 12/2021.

Lương Thị Kiều Thúy (giữa) trao đổi với các học viên.

Nỗ lực vượt khó

Chị Lương Thị Kiều Thúy (sinh năm 1991) bị khiếm thính từ năm 10 tuổi. Nhưng không vì thế mà chị nản chí, buông xuôi trong cuộc sống. Chị luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Mơ ước trở thành một nhà báo, nhưng sau khi hoàn thành chương trình học, chị nhận ra rằng nghề báo không dành cho người khiếm thính.

Từ bỏ ước mơ, qua sự kết nối của một người bạn, chị Thúy biết đến công việc giặt là. Sau một thời gian học hỏi, tích lũy kiến thức, chị ấp ủ xây dựng mô hình giặt là, tạo cơ hội việc làm cho người khiếm thính và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững. Năm 2020, với ý tưởng mang tên “Giặt là sáng”, chị tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật và đoạt giải “Cánh Én vàng”. Tiếp đó, ý tưởng này đã giúp chị đoạt giải “Best Performance” do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.

Từ những thành công bước đầu đó, chị Thúy quyết định thực hiện kế hoạch mở cửa hàng giặt là riêng, dù gặp không ít khó khăn. Với sự kiên trì theo đuổi mơ ước, tháng 12-2020, “Tiệm giặt là của người điếc” mang tên Giặt Ký đã ra đời. “Tôi muốn chính người điếc, khiếm thính được làm chủ công việc của mình và cùng nhau tạo ra việc làm mới cho cộng đồng của mình”, chị Lương Thị Kiều Thúy chia sẻ.

“Tiệm giặt là của người điếc” hiện có hai cơ sở: Cơ sở ở số 7 đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) và cơ sở ở ngõ 41 đường Láng (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa). Khách hàng đến hai tiệm giặt không được nghe những lời chào đón thường thấy mà thay vào đó là nụ cười rạng rỡ cùng cử chỉ thân thiện, bởi nhân viên của tiệm đều là người điếc, khiếm thính. “Ban đầu, giao tiếp với khách hàng cũng gặp nhiều khó khăn, vì họ không hiểu chúng tôi nói gì. Nhưng rồi thông qua Zalo, Facebook, kết hợp viết và dùng ngôn ngữ ký hiệu, nên bây giờ trở ngại đó đã được xóa bỏ”, chị Thúy kể.

Từ cố gắng đó nên chỉ sau 1 năm, tiệm giặt là đầu tiên đã có nhiều khách quen giúp những người tham gia dần ổn định về việc làm, thu nhập. Hiện có tất cả 5 người điếc, khiếm thính trực tiếp làm việc và học nghề tại đây. “Doanh thu hằng ngày của cửa hàng đạt khoảng hơn 1,5 triệu đồng”, chị Thúy phấn khởi cho biết.

Những nụ cười hạnh phúc của Lương Thị Kiều Thúy cùng các nhân viên tại tiệm giặt.

Lan tỏa hạnh phúc

Ít người biết rằng, tiệm giặt là của chị Thúy không chỉ tạo việc làm cho nhiều người điếc, khiếm thính mà còn đào tạo nghề miễn phí cho rất nhiều người đồng cảnh ngộ, với mong muốn giúp các bạn thanh niên khuyết tật có định hướng về nghề bền vững.

Mới học nghề được 1 tháng tại tiệm giặt là, em Đỗ Thùy Linh chia sẻ: “Chị Thúy tận tình chỉ dạy cho em các kiến thức, kỹ năng. Được làm việc ở đây em thấy rất vui và hạnh phúc”. Còn em Lê Thu Ngân đã làm việc từ 1 năm trước lại coi tiệm giặt là như gia đình: “Chị Thúy là người hiểu tâm lý của người điếc và luôn coi chúng em như người thân. Rất nhiều kỹ năng sống em đã học được ở đây”.

Từ khi tiệm giặt là đầu tiên khai trương đến nay, đã có nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ. Mỗi khi nhận những lời khen quần áo sạch sẽ, thơm tho, chị Thúy và nhân viên cảm thấy rất hạnh phúc và thêm trân quý công việc.

Là khách gắn bó với cửa hàng từ những ngày đầu, chị Vũ Thị Bích (phố Kim Đồng, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) cho biết: “Tôi từng giặt đồ ở nhiều nơi khác, nhưng từ khi biết đến tiệm giặt này, tôi thấy nhân viên cũng như quản lý rất thân thiện, đồ giặt sạch, cẩn thận, giá cả hợp lý. Tôi rất khâm phục nỗ lực của các bạn ở đây. Và đặc biệt, mỗi khi đến tiệm, tôi được tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực, thấy cuộc sống tươi đẹp hơn rất nhiều”.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, chị Thúy cho biết, sẽ cố gắng phục vụ khách hàng tốt hơn và xây dựng mô hình nhượng quyền kinh doanh xã hội trên quy mô toàn quốc để dạy nghề cho người điếc, khiếm thính. Với chị, khi mọi người biết đến câu chuyện của tiệm giặt là điều may mắn, nhưng để phát triển thì cần năng lực thực sự, chứ không thể chỉ dựa vào may mắn. Chị tin tưởng khách hàng sẽ quay lại vì chất lượng dịch vụ chứ không phải vì ở đây có nhiều người khuyết tật.

Khát vọng của chị Thúy là tạo thêm được thật nhiều tiệm giặt là hạnh phúc. “Khi làm việc hết mình, được cống hiến giá trị, không bị bỏ rơi lại phía sau thì đó chính là hạnh phúc của chúng tôi. Và điều đó cũng làm tăng chỉ số hạnh phúc của khách hàng”, chị Lương Thị Kiều Thúy bày tỏ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất