, //, :: GTM+7

Tiền Giang: Nhiều giải pháp ngăn hạn mặn

ĐẶNG TUẤN

Những ngày cuối tháng 4, vùng chuyên canh sầu riêng lớn nhất Tiền Giang ở Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đìu hiu vì sản lượng xuất đi so với những năm trước giảm chỉ còn 1/5. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông thôn Việt, ông Út Hiệp – chủ vựa sầu riêng Út Hiệp – than: “Giá sầu riêng cũng giảm hơn một nửa, chỉ còn 50 - 60 ngàn đồng một ký. Cuối năm 2020, giá sầu riêng trái vụ một ký lên đến gần 120 ngàn đồng”.

Anh Phạm Đức Vũ bên gốc cây sầu riêng buộc phải đốn hạ.

Sầu riêng, nỗi buồn chung

Tại vườn của anh Phạm Đức Vũ ở xã Tam Bình thuộc huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, hàng loạt cây sầu riêng có tuổi đời hơn 15 năm bị đốn hạ. Cạnh những cây chết có đường kính chừng 40cm mà chủ nhân vẫn chưa kịp đào bỏ gốc là những cây sầu riêng con thân mới bằng ngón tay cái. Anh Vũ cho biết hạn mặn năm 2019 - 2020 kéo dài làm trên 50% diện tích sầu riêng ở vùng Tam Bình bị thiệt hại. Không dám đặt cược hết vào cây sầu riêng (loại cây khoảng 5 đến 6 năm mới cho trái), anh Vũ đã trồng xen canh sầu riêng với mít - loại cây được cho là chịu mặn tốt hơn sầu riêng - trong mấy công đất vườn nhà. Ở Tam Bình gần như nhà nào cũng trồng sầu riêng nên khi gặp sự cố, cả vùng bị ảnh hưởng. Theo lời nông dân ở Tam Bình, đất vườn trồng sầu riêng trước đây khoảng 1,5 tỷ đồng một công (1.000m2), giờ giá chỉ còn khoảng 1/2 đến 1/3 mà chẳng ai đến mua!

Tiền Giang có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, với hơn 13.500ha (chiếm 14,7% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh). Sầu riêng được trồng chuyên canh chủ yếu ở Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước với sản lượng thu hoạch mỗi năm hơn 277.000 tấn. Ở đây có thể trồng sầu riêng trái vụ với 2 giống chủ yếu là Ri6 và Monthong (Thái Lan).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, năm 2019 - 2020 độ mặn tăng cao vượt qua đỉnh mặn lịch sử năm 2016, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn so với cùng kỳ 2015 - 2016 từ 30 đến 45 ngày và lấn sâu vào nội đồng từ 3 hướng: cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Đặc biệt, hạn mặn trên sông Hàm Luông lấn rất sâu qua sông Tiền đoạn cù lao Ngũ Hiệp làm ảnh hưởng lớn đến khu vực vườn cây ăn trái của cả huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành. Để ứng phó hạn mặn, tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt các trạm bơm dã chiến trên vùng ngọt hóa Gò Công, phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập gồm đập ven kênh Nguyễn Tấn Thành, đập Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè và các cống trên quốc lộ 62 và triển khai đắp 9 đập nội vùng khác như đập Cầu Rượu, Kênh 1, Mương Đông, rạch Ông Hổ, kênh Thuộc Nhiêu, rạch Bảo Định, kênh Mỹ Lông - Bà Kỳ, kênh Ban Chón - Trường Gà, kênh Kháng Chiến và đập Bà Bèo, bố trí 10 thuyền bơm tổng công suất 22.000m3/giờ tại đập Bảo Định đến cầu Long Định để bơm rút hơn 11 triệu mét khối nước mặn; nạo vét 51 tuyến kênh bị cạn để cung cấp nước tưới, thậm chí vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ Mỹ Thuận về cấp cho người dân các huyện phía Tây phục vụ tưới cho cây ăn trái. Tuy đã chủ động phòng ngừa, ứng phó hạn mặn từ sớm nhưng do độ mặn cao, xâm nhập mặn sâu nên từ tháng 02/2020, các vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh bắt đầu suy kiệt, rụng lá và chết dần. Qua thống kê, diện tích sầu riêng bị thiệt hại là 4.459ha.

Giải pháp ngăn hạn mặn cứu vườn

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, ngoài việc đầu tư 45 tỷ đồng để lắp 8 đập ngăn mặn bằng thép ở huyện Châu Thành, Cai Lậy để giúp người dân giữ diện tích sầu riêng hiện có, tỉnh Tiền Giang đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân nhằm từng bước khôi phục vườn sầu riêng, cụ thể như hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp rửa mặn, hóa giải độc chất và bổ sung dưỡng chất cho đất cũng như kỹ thuật chăm sóc vườn cây sầu riêng theo quy trình 5 bước của Viện Cây ăn quả miền Nam…

Hiện nay, những vườn sầu riêng bị ảnh hưởng hạn mặn đã bắt đầu khôi phục, trong đó, các vườn bị ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%) đã phục hồi hoàn toàn, sinh trưởng tốt và có thể cho trái vào vụ kế tiếp. Các vườn cây bị ảnh hưởng trung bình (trên 900ha) bộ lá mới đã mọc lại…

Ông Út Hiệp (ngoài cùng bên trái) cho biết sầu riêng năm nay mất giá.

Chung tay cùng ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, một số nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra các giải pháp giúp chống hạn cho cây sầu riêng. Theo ông Võ Văn Hoàng Minh, Trưởng ban Kinh tế Xã hội Hiệp hội Nhựa TP.HCM, bên cạnh việc chủ động tích trữ nước trước thời điểm hạn mặn với các hệ thống mương dẫn nước, người dân có thể làm thêm hồ bê tông, mua các bồn nhựa, túi trữ nước lớn với mục tiêu trữ khoảng 120m3 cho mỗi công đất trồng sầu riêng. Đây là mức tối thiểu để dự trữ nước tưới cho 4 tháng khô hạn. Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang cho rằng đề xuất của ông Minh cũng là một giải pháp người dân có thể lựa chọn để chủ động thêm nguồn nước tưới. Tuy nhiên, theo ông Men, nếu trữ 120m3 là chưa đủ, vì thực tế bình quân mỗi công đất dân trồng từ 20 - 22 cây sầu riêng thì lượng nước tối thiểu một lần tưới phải là 100 lít (đối với cây từ 05 tuổi trở lên), đặc biệt là trong thời điểm hạn mặn. Ông Men bổ sung biện pháp đào kênh sâu, rộng bao quanh các công đất để trữ nước, chỉ đầu tư một lần, vừa phục vụ lâu dài, vừa tiện cho người dân khi tưới tiêu.

Bên cạnh việc tính toán đầu tư nhỏ lẻ của nhà nông, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho rằng các giải pháp căn cơ từ phía Nhà nước như đầu tư hệ thống đê bao và hoàn thiện mạng lưới thủy lợi chống hạn, mặn là quan trọng nhất. Trong thực tế, tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện một số biện pháp cấp bách như đắp các đập thép tạm ngăn mặn trên quốc lộ 62 đoạn từ cầu Kè đến cầu Kênh 12 (trên địa phận Long An) và trên các tuyến kênh rạch như Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười; sửa chữa, nâng cấp 81 công trình thủy lợi và đắp 17 đập, nạo vét 05 tuyến kênh nội vùng; khoan 16 giếng dự phòng cấp nước phục vụ sản xuất cho người dân xã Tam Bình, cù lao Tân Phong và xã Ngũ Hiệp thuộc huyện Cai Lậy… Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Long An đắp thêm 5 đập mới gồm Bến Kè, Bún Bà Của, Cái Tôm, Kênh 1, Kênh 2 và đến đầu năm 2022, Tiền Giang dự kiến sẽ khởi công xây dựng 6 cống ngăn mặn dọc Tỉnh lộ ĐT864 thay thế các đập tạm dọc sông Tiền với kinh phí 900 tỷ đồng. Khi hoàn thành, các cống này sẽ góp phần cung cấp đủ nước tưới cho 128.000ha ruộng lúa và cây ăn trái, đồng thời cung cấp nước ngọt cho hơn 1,1 triệu dân thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Long An trong mùa khô hạn.

Ngoài những giải pháp trước mắt nêu trên, mới đây, việc hỗ trợ Tiền Giang đầu tư xây dựng hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành (dài 19km, rộng 65m) qua huyện Châu Thành, Tân Phước làm hồ trữ nước ngọt với tổng kinh phí 400 tỷ đồng cũng đã được Trung ương phê chuẩn. Dự án này, thêm một lần nữa, mang lại nhiều hy vọng cho nông dân trong vùng…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất