, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/11/2022, 11:04

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: Xây dựng đại đô thị cần đánh giá tác động văn hóa

ĐẬU DUNG
Người làm văn hóa biết thông tin quy hoạch chậm. Những lưu ý tác động mà họ đưa ra đôi khi bị quên bẵng đi trong cái quy hoạch mang tên “phát triển” và “khát vọng”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói, chúng ta hãy nhìn vào những bài học nhãn tiền, để có một ứng xử văn minh hơn với văn hóa, với cái cốt nền của một đô thị có từ hàng ngàn năm như Sài Gòn - TP.HCM.
 
TS Nguyễn Thị Hậu.
 

“Mặt tiền”, “trạm trung chuyển”

Thưa tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Hậu, bà chọn Cần Giờ là điểm đến cho luận án tiến sĩ của mình trong những năm từ 1994 - 1997 và gắn bó, dành nhiều tâm huyết cho vùng đất này tới nay. Mới đây, tại di tích Giồng Cá Vồ, các nhà khoa học mới phát hiện thêm một quần thể mộ cổ hơn 2000 năm tuổi. Khi nghe thông tin đó, cảm xúc của bà ra sao?

TS Nguyễn Thị Hậu: Từ những phát hiện đầu tiên vào những năm 1976 - 1978, qua nhiều lần khảo sát và ba lần khai quật liên tục (1992, 1993 và 1994) và mới đây vào năm 2021 - 2022, các nhà khảo cổ học đã bước đầu phác dựng lịch sử Cần Giờ giai đoạn từ 3.000 đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay.

Vì khai quật trên một giồng đất, vị trí lại gần nhau nên kết quả giữa các lần không khác biệt nhiều quá. Tuy nhiên, là một người làm nghề, mỗi lần khai quật, phát hiện thêm những dấu tích khảo cổ, rồi mang chúng lên khỏi mặt đất là một điều rất thích thú, sung sướng. Kết quả khảo cổ học đã mở thêm một lớp trầm tích văn hóa lịch sử của Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.

Các di vật quý phát hiện trong đợt khai quật di tích Giồng Cá Vồ năm 2021. Ảnh: Viện Khảo cổ học.

Những phát hiện đó cho thấy bản sắc, đặc trưng của đô thị Sài Gòn - TP.HCM ra sao?

Cho thấy vị trí cửa biển và Sài Gòn - TP.HCM cũng tiếp thu được truyền thống không xa rời biển ấy. Nếu những nơi khác, người ta chọn sống ở những nơi có nước ngọt, đất đai có thể trồng trọt được, đường giao thông thuận lợi; thì với những kết quả thu được, có thể nhìn ra, nhóm cư dân Cần Giờ lại sống trên những giồng đất đỏ, trong vùng nước ngập mặn, không trồng trọt gì được. Thế mà, họ vẫn sống và bám trụ ở đó đến cả vài trăm năm như thế. Yếu tố bám biển, sử dụng đường biển để giao thương buôn bán ra khu vực Đông Nam Á và xa hơn là điểm khác biệt, cho thấy cách thích nghi với môi trường sống rất đặc thù so với các nhóm cư dân khác trong cùng thời đại kim khí. 

Những chỉ dấu cho thấy, khoảng 2.000 năm trước, khu vực Cần Giờ có thể là một “cảng thị sơ khai”. Cùng với cảng Bến Nghé thời Nguyễn, cảng Sài Gòn trong thế kỷ XX và hiện nay là hệ thống cảng biển của TP.HCM, tất cả thể hiện một đặc trưng mang tính chất lợi thế mà hầu như không có một đô thị biển nào ở nước ta có được. 

Huyện Duyên Hải (tỉnh Đồng Nai) được sáp nhập và trở thành huyện Cần Giờ của TP.HCM từ cuối năm1978. Gần nửa thế kỵ đã qua, hai bản sắc đó tổng hòa trong nhau như thế nào? 

Đưa huyện Duyên Hải từ Đồng Nai về lại TP.HCM là đúng. Vốn dĩ, thời nhà Nguyễn, khu vực này thuộc thành Gia Định; sau đó vì lý do chiến tranh nên mới thuộc Đồng Nai. Cuối năm 1978, TP.HCM đưa về lại vì đó là con đường đi ra biển, thông thương cho thành phố (TP) mà không phải qua một địa phận tỉnh khác. Hai là, TP cũng có nguồn lực để hỗ trợ và phát triển Cần Giờ. Tôi nhớ lúc đó, ở Cần Giờ, dân cư ít, rừng chưa được trồng, đời sống người dân nghèo nàn. Còn không có đường bộ, từ trung tâm TP.HCM xuống đó toàn đi bằng ghe, vạ vật một ngày hoặc hơn mới đến nơi. Sau đó, TP có động thái đắp đường, đưa thanh niên xung phong xuống trồng rừng, mang lại sinh khí mới cho vùng đất này. Tôi nghĩ, đó cũng là cách TP.HCM trở lại tiếp cận với biển mạnh mẽ trong thời bình

Nằm ở vùng cửa sông - vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, lại là “trạm trung chuyển” giữa hai lưu vực Vàm Cỏ - Đồng Nai hay là Tây - Đông Nam Bộ, Cần Giờ là nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa. Gần nửa thế kỷ, Cần Giờ và Sài Gòn - TP.HCM tổng hòa trong nhau; và tính chất biển mà từ đô thị Sài Gòn đến đô thị TP.HCM được phát triển liên tục từ đó tới giờ.

Bài học Thủ Thiêm

Không ít người vẫn hay gọi Sài Gòn - TP.HCM là vùng đất mới. Với phát hiện khảo cổ học ở di tích Giồng Cá Vồ lần này, luận điểm này hình như không còn đúng nữa?

Niên đại của Cần Giờ thực ra không xưa bằng Thủ Đức (khoảng 3.000 - 3.500 năm). Cái gọi là “đất mới” ấy, từ năm 1998, các nhà nghiên cứu đã lên tiếng rằng, ta không thể gọi TP.HCM là vùng đất mới được. Thông qua việc phát hiện bao nhiêu di tích trên địa bàn để thấy có những cộng đồng cư dân - hơn 2000 năm - 3000 năm trước - đã sống ở đây rồi. Có lẽ, nên từ bỏ tư duy xem đây là vùng đất mới. 

Phát hiện khảo cổ lần này nhắc lại một lần nữa tính lịch sử lâu dài, liên tục, không ngắt quãng của Sài Gòn - TP.HCM, nhắc lại đặc trưng biển đậm nét của đô thị mà các nhà khoa học từng chỉ ra nhưng không hiểu vì lí do gì mà nhiều người quên không nhớ.

Giồng Cá Vồ (ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa) nằm trong hệ thống 26 di tích ở rừng ngập mặn Cần Giờ, cách trung tâm TP.HCM gần 60km.

Gần đây, nóng chuyện TP.HCM đề xuất mở rộng khu vực phía Nam. Khi theo dõi các diễn đàn, hội thảo,… về chủ đề này, tôi thấy các nhà quy hoạch, các chuyên gia… phần lớn nói nhiều đến khía cạnh kinh tế mà “quên” mất hoặc không bàn kĩ tới yếu tố văn hóa - lịch sử của khu vực Cần Giờ. Bà có lưu ý gì không?

Đúng là với những quy hoạch của TP, những người làm văn hóa như tôi biết đến rất chậm. Không có những nghiên cứu văn hóa đi trước dự án quy hoạch về kinh tế thì khó mà không để lại hậu quả gì. Câu chuyện Thủ Thiêm là một bài học nhãn tiền. Chúng ta đã thực hiện quy hoạch mà không đả động gì đến văn hóa. TP nên nhìn Thủ Thiêm để rút kinh nghiệm.

Mà trước, trong đề tài khảo sát toàn bộ hệ thống di tích khảo cổ phục vụ quy hoạch kinh tế xã hội, trong đó có quy hoạch các đô thị, tôi cũng đã có những lưu ý rồi. Công trình đã hoàn thành, nộp cho TP, in thành sách, cũng đã phổ biến ra cộng đồng. Nhưng hình như tiếng nói của mình quá nhỏ bé chăng? Gần đây, có quy hoạch mới về đô thị biển, chúng tôi cũng có lên tiếng nhưng dường như cũng không nhận được sự chú ý và người ta vẫn cho rằng, khi thực hiện quy hoạch đó không làm ảnh hưởng tới các yếu tố về văn hóa hay môi trường. 

Theo quy định, chúng ta phải đánh giá tác động môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa nhưng tôi cũng không rõ, trong quy hoạch, người ta có làm hoặc làm một cách nghiêm túc, khoa học và đúng không? Với một vị trí như Cần Giờ, không chỉ là “mặt tiền” đi lại thông thương, mà còn có ý nghĩa về mặt quân sự, là rừng sinh thái, và một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa thì việc chúng ta xây ở đây những đại đô thị hay đô thị mới rất nhạy cảm.

Vừa rồi, trong một cuộc làm việc với huyện Cần Giờ, tôi có nói, Cần Giờ có một lễ hội rất quý là lễ hội Nghinh Ông - một trong những trọng điểm lễ hội ở vùng biển thu hút du lịch của TP. Chúng ta mở rộng và phát triển nhưng đừng quên ngư nghiệp không còn, dân bỏ nghề đi làm dịch vụ, lên bờ thì lễ hội dân gian này cũng mất. Đó là một ví dụ cho việc chúng ta cần đánh giá tác động về mặt văn hóa. Tôi không rõ, khi mở rộng khu Nam, người ta có làm cái thao tác này không?

Xin cảm ơn TS Nguyễn Thị Hậu.

Viện Khảo cổ học, Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM, và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vừa công bố kết quả khai quật di tích Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) sau 10 tháng khai quật (15/1- 21/10/2021) với diện tích 200m2, gồm 5 hố thăm dò và 1 hố khai quật. Tại đây, 185 mộ chum, 13 mộ đất cùng hàng trăm di vật quý bằng nhiều chất liệu: vàng, đá quý, thủy tinh, đá, nhuyễn thể... Nhiều di vật lần đầu tiên phát hiện tại di tích như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, vòng tay đá quý, hiện vật hình tù và, các loại hình mộ chum, di cốt... chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cùng lịch sử hình thành và phát triển TP.HCM cách đây trên 2.000 năm.

Giồng Cá Vồ nằm trong hệ thống 26 di tích ở rừng ngập mặn Cần Giờ, cách trung tâm TP.HCM gần 60km được phát hiện hơn 30 năm trước. Đây là một giồng đất đỏ, cao hơn bề mặt xung quanh khoảng 1,5m, nằm ở tả ngạn sông Hà Thanh và được bao quanh bởi rừng ngập mặn. 28 năm sau kể từ lần cuối cùng vào năm 1994, di tích này mới được khai quật trở lại.

Di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ được công nhận năm 2000, thuộc nhóm di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cần được bảo vệ. Nhiều di vật được khai quật tại Giồng Cá Vồ năm 1994 đang được trưng bày tại các bảo tàng: Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), Lịch sử Việt Nam (TP.HCM); Lịch sử - Văn hóa Nam bộ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) để minh chứng cho giai đoạn phát triển tiền - sơ sử trước Công nguyên.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất