, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/11/2022, 20:00

Tiến sĩ Trương Bình Nguyên: Tôi mong trả về cho đất rừng những loài bị “thất lạc”

BẢO AN
Đó là những những ngày hè, cuối tuần, đứa con trai lên 6 lên 7 được theo cha vào rừng.

Rừng hiện ra trong con như một thế giới của những “mật ngữ”. Còn với cha, rừng là sống còn, là nỗi thúc bách kiếm tìm mỗi ngày, khai thác, giữ gìn. Bởi một lẽ, chỉ có rừng mới giúp ông mang lại cái ăn, cái mặc, cái ở tươm tất hơn cho bà con, chủ yếu là người dân tộc. Đó là một bài toán: ông đi rừng cùng bà con, tuyển chọn những chủng giống cây tốt để đưa vào trồng rừng. Cùng với đó, ông hướng dẫn bà con cách gieo trồng, thu hoạch theo mùa những giống cây sinh lợi thành nguồn thực phẩm, một phần ăn, một phần đem đi đổi gạo, đổi gạch để xây nhà. Mùa Đông về, không còn sợ cái lạnh, cái đói bủa vây. Định canh định cư cũng từ đó mà ra. Cứ thế, bàn chân cha lặn lội khắp những cánh rừng, từ Bắc rồi đi dần vô Trung, đến Lâm Đồng thì cũng là lúc ông vừa đúng tuổi nghỉ hưu.

Con lớn lên, không còn “di cư” theo rừng với cha nhưng công việc con chọn lại gắn chặt với rừng, với dãy Lang Biang hùng vĩ. Chưa nói đến hàng triệu sự sống đang hiện diện, từ đa dạng nguồn gen đến sinh cảnh và cơ man các loài động thực vật quý hiếm, chỉ mỗi việc tìm cách giữ cho được đất rừng không bị suy thoái sinh học, không thất thoát cacbon sinh khối, cacbon trong lòng đất đã là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Nhưng không thể không làm.

Tiến sĩ Trương Bình Nguyên.

Cho đến ngày, khi đang còn công tác ở Viện Sinh học Đà Lạt, trong kế hoạch hợp tác đào tạo chuyển giao, nhiều cán bộ được đưa sang Đức học tập, nghiên cứu khoa học. Ai nấy chọn lấy những ngành học kỹ thuật, cơ khí; riêng Bình Nguyên - là cậu con trai hiền lành, lớn lên theo hành trình “du mục” của cha - cứ nhất quyết chọn… nấm. Như một “truyền nhân” của Albert Howard, người đã khăng khăng đi ngược với Fritz Haber và Carl Bosch (từng nhận giải Nobel cho công trình có liên quan đến quy trình Haber về cách sản xuất phân bón Ni tơ giá rẻ), tin vào mối liên hệ giữa rễ cây với loại nấm rễ cộng sinh trong lòng đất, vừa tận dụng quy trình phân hủy vừa tạo ra nguồn dinh dưỡng để trả về vòng tuần hoàn của hệ sinh thái. Về sau, chính Bình Nguyên đã vận dụng “nguyên lý” này để nghiên cứu và cho ra thành phẩm nấm “độc bản” của mình. 

Trở lại chuyện du học… nấm, tình cờ, vị chủ tịch hiệp hội nấm thế giới thời điểm ấy lại là người Đức, giáo sư F. Oberwinkler giới thiệu học viên Việt Nam duy nhất này đến các học viện, tiếp cận các dự án chuyên sâu về nấm. Và tất nhiên, Bình Nguyên lại được vào rừng, đúng hơn là về với rừng. Đến khi tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh tại Nhật, cũng không ngoài chủng nấm. Những ông thầy người Nhật tận tụy, sâu sắc, chân tình, có người đã bỏ cả tuổi trẻ chỉ để vào rừng, sống cạnh nấm, giờ họ lại bắt gặp một “chân truyền” đến từ Việt Nam.   

Về nước, Trương Bình Nguyên vẫn say mê, kể cả bao phen suýt trắng tay vì nấm. Nhưng sau những giờ lên lớp, lại lẳng lặng vô rừng. Lại học bài học ngày xưa của cha, tìm chìa khóa khoa học để mở toang cánh cửa kho báu của rừng, của tự nhiên. 

Khi Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương “dắt tay” tiến sĩ Trương Bình Nguyên lên một quảng đồi rộng, ông chỉ hai khu đất, một bên đất giáp với khu dân cư, cực kỳ đắc địa; một bên giáp… vực, rồi cho chọn. Vị tiến sĩ không một phút chần chừ, chọn ngay khoảng đất lớn sát vực. Vì sao không là “đất vàng”? “Vàng” với nhà phát triển bất động sản, còn với nhà khoa học, nhà sản xuất nấm thực thụ thì khoảng đất sát vực sẽ là nơi đối lưu của không khí sạch - một trong những nguồn dưỡng chất lý tưởng nhất cho chủng nấm hương bản địa Lentinula edodes. 

***

Cùng với loài Lentinula lateritia, Lentinula edodes là loại nấm đã được giới khoa học nhận định có thể đã tồn tại ở Việt Nam nhưng mãi đến mùa mưa năm 2008, trong chuyến thu mẫu trong rừng Lang Biang, ở độ cao 1.700m, tiến sĩ Trương Bình Nguyên cùng cộng sự đã phát hiện hơn 40 quả thể nấm trên một khúc gỗ nhỏ của cây lá rộng. Từ phân tích hình thái giải phẫu đến các dẫn liệu phân tích đoạn gen ITS rDNA đã xác định đây là giống nấm thuần chủng bản địa Lentinula ecodes. Tốc độ tăng trưởng của hệ sợi và khả năng hình thành mầm rất mạnh, chủng nấm này cho thấy sức sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nuôi trồng nhân tạo, cụ thể là trên cơ chất mùn cưa gỗ cao su. 

Và từ đây, giữa rừng xanh Lang Biang - một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học quốc gia - “nàng hương” Lentunia edodes đã được đánh thức, được đưa về phố thị, nhưng là phố gây rừng, rừng một góc trong phố. Ở đấy, nơi cái khoảng đất 5.000m2 đất giáp vực mà “ông nhà nước” trao tận tay nhà khoa học, một quy trình nghiên cứu, sản xuất được thiết lập. Khu nhà xưởng, khu sản xuất khoa học được lắp đặt có độ bảo hộ cao nhất, tránh những tác động tiêu cực bên ngoài. Nguồn không khí, nguồn nước phục vụ sản xuất đều được kiểm tra thường xuyên, liên tục để đảm bảo độ an toàn. Bởi nguyên liệu đầu vào là điều kiện quan trọng nhất của sản xuất phôi nấm.

 
 

Mùn cưa từ gỗ thông, nhưng chỉ là sau khi người ta hạ cây, lấy thân, ông lại gom hết phần cành thải ra, rồi đem nghiền. Hoặc từ cao su, để tránh việc bị sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong cao su lấy mủ, tiến sĩ Trương Bình Nguyên chỉ mua gỗ ở những vườn đã ngưng chăm sóc, khai thác nhiều năm. Ông mang về cho kiểm tra và xử lý các hoạt chất trước khi nghiền thành mùn, cho phối trộn với cám lúa mì nhập khẩu. Chỉ riêng công đoạn trộn này, với số lượng lớn, nếu không đảm bảo về sức chứa, kỹ thuật vận hành sẽ không đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật của nguyên liệu làm phôi nấm. Vậy là ông tiến sĩ nấm học đã mày mò kỹ thuật, dựa trên nguyên lý của chiếc máy khoan, ông chế thành máy trộn nguyên liệu với công suất hoạt động lớn.

Sau khi phối trộn kỹ, cơ chất sẽ được đóng thành các bọc nhỏ để tạo ra phôi nấm. Trước khi cấy giống, những bọc này được tiệt trùng bằng hệ thống hấp nhiệt hơi nước 100oC trong vòng 8 giờ. Phôi sau khi cấy nấm được chuyển vào kho ủ tối và “nuôi” trong nhiều tháng. Khi hoạt động ở quy mô nhỏ, công đoạn hấp bằng những nồi hấp nhỏ, vừa tốn điện mà năng suất lại rất thấp. Thế là lại tìm cách khắc phục, ông cho dựng một căn phòng kín, khử trùng, đưa hệ thống xả nhiệt vào trong, tạo độ ẩm để hấp các bọc phôi. Những phôi nấm đảm bảo chất lượng sẽ được chuyển giao cho các hộ dân liên kết tổ chức sản xuất. 

Những bọc phôi nấm hương hữu cơ sau khi hoàn thành “sứ mệnh” sản xuất lại tiếp tục trở thành nguồn phân bón chất lượng cao cho trồng trọt các loại cây dược liệu, hoặc là đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Việc này đồng nghĩa tận dụng phôi nấm sau thu hoạch để áp dụng vào nông nghiệp tuần hoàn - một trong những khía cạnh của xu hướng tương lai là kinh tế xanh - tuần hoàn. 

Điều đáng nói, cũng như sự thúc bách ngày trước với cha, nay con tiếp tục theo đuổi. Đó là các công trình nghiên cứu của tiến sĩ Trương Bình Nguyên đều gắn với mục tiêu ứng dụng, cụ thể là ông thành lập công ty để kết nối - chuyển giao công nghệ sản xuất cho các hộ dân ở huyện Lạc Dương, TP. Đà Lạt. Các hộ dân mua phôi nấm. Phía công ty dựng nhà nấm, hướng dẫn, theo dõi kỹ thuật tưới tiêu và ký hợp đồng thu mua nấm thành phẩm từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Nếu người dân tìm được các mối bán lẻ với giá cao hơn, công ty cũng sẵn sàng chấp thuận. Thậm chí, vị chủ tịch công ty còn cho chuyển hướng sang chế biến thành snack nấm, muối nấm, sắp tới sẽ là rượu nấm dưới dạng cô đặc; dành thị trường sản xuất nấm tươi cho bà con. 

Hiện, bình quân mỗi nhà nấm (50m2) thu về 7 triệu đồng/tháng, mỗi hộ dân trung bình có khoảng từ 3 - 4 nhà nấm, với thu hoạch cuốn chiếu theo từng nhà nấm, mang lại thu nhập cho mỗi hộ trên 20 triệu đồng/tháng. Đây chính là nguyên do cú “dắt tay” của ông chủ tịch huyện, vì mục tiêu mang lại công ăn việc làm, có nguồn thu nhập ổn định và góp phần cùng giữ nguồn dinh dưỡng sạch, tuần hoàn cho đất. 

***

Với tiến sĩ Trương Bình Nguyên, nó còn hơn thế, Lang Biang đã cho ông món quà Lentinula edodes, và ông muốn được trả ơn, đó là “tôi đang tìm cách, một ngày nào đó, tôi lại trả về cho đất rừng những loài đã bị “thất lạc” do con người truy bức, bằng các chủng tương đương, đạt độ tương thích. Chỉ có cách nương tựa vào rừng, con người sẽ cân bằng được sự sống, bảo tồn sức sống”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất