, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 31/01/2022, 22:00

Tiếng gọi mùa xuân

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Xuân Nhâm Dần - 2022, có lẽ là mùa xuân đặc biệt nhất kể từ xuân 1975 trên đất nước ta. Vì đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tổn thất, những xáo trộn, đổ vỡ chưa từng có cho toàn xã hội.
Hình minh họa.

Cho dù vậy, trước thềm xuân, những hàng cây phải chặt bớt cành để tránh gió bão vẫn nẩy mầm tươi xanh theo tiếng gọi của quy luật tạo hóa mà “con quỷ” Delta không ngăn trở được. Một chồi non tí xíu lại khiến chúng ta tỉnh ngộ một điều lớn lao: A! Thì ra con người nhiều khi… thua những sinh vật bé mọn! Đừng tưởng con người là chúa tể muôn loài, muốn làm chi thì làm! Hãy quên quan niệm đó đi! Mà chẳng phải cha ông chúng ta ở mọi vùng quê xa khuất, từ thuở chưa có điện đài, càng chưa có internet với dự báo thời tiết, chỉ nhìn đàn kiến bỗng nhiên kéo nhau lên cao đã biết sắp có lụt to!...

Hẳn sẽ có bạn bảo: Việc đó thì ai chả biết! Vâng! Nhưng từ “biết” đến “thức tỉnh” để rồi điều chỉnh cách xử thế… lại là một chặng đường dài, có khi đi mãi không tới. Nếu đã thật sự “thức tỉnh” thì tại sao nhân loại vẫn đua tranh đối xử thô bạo tự nhiên, môi trường sinh thái bị phá hoại ngày một nghiêm trọng; Nhà nước Việt Nam cũng đã hơn một lần tuyên bố: Không phát triển bằng mọi giá!

Cho đến nay, sau mấy đợt dịch Covid-19 bùng phát, trong khi chưa (hoặc không thể) tìm được nguồn gốc của con vi-rút bí hiểm và tai quái này, nhiều nhà khoa học từ nhiều quốc gia đã nhận định: Dịch bùng phát là phản ứng của tự nhiên khi sự cân bằng bị phá vỡ. Khi tôi viết những dòng này, báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 06/11/2021, đã đăng bài “Virus là lời nhắc nhở về một cái gì đó đã đánh mất từ lâu” của Alan Lightman - nhà văn, nhà vật lý giảng dạy tại Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ); trong bài có đoạn nhận định về điều có thể gọi là “lợi ích” mà đại họa Covid-19 mang đến cho nhân loại: “…Chúng ta có cơ hội để nhận thấy: Ta đã sống quá nhanh. Ta đã bán rẻ đời sống bên trong của mình cho quỷ dữ để đổi lấy tốc độ, hiệu quả, tiền bạc, siêu kết nối, “tiến bộ” […] Ít nhất trong vài tháng, chúng ta có cơ hội sống chậm lại…” Và ông dẫn ra ba ví dụ rằng chính trong lúc “sống chậm”, thoát khỏi cuộc sống theo thời gian biểu, chúng ta sẽ gia tăng sự sáng tạo của mình. Như nhà phân tâm học nổi tiếng Carl Jung đã suy nghĩ và viết lách sáng tạo nhất khi rời thành phố Zurich (Thụy Sĩ) về vùng nông thôn; Hay nhà văn Gertrude Stein, khi bế tắc trong sáng tác, sẽ lang thang về vùng nông thôn nhìn ngắm những con bò!... 

Lại có thể sẽ có bạn bảo: Điều này, ai chẳng biết! Thì ông lão 83 tuổi như tôi, dù “cấm cung” nơi Cố Đô ít giao tiếp, lại chẳng có học hàm học vị chi mà từ hơn một năm trước cũng đã viết bài “Nhân loại cần chỉnh đốn cách sống sau Đại dịch Covid-19” (Báo Văn nghệ 3/2020). Vấn đề hóc búa của nhân loại chưa có lời đáp là chỉnh đốn, thay đổi cách sống thế nào đây, khi chiều hướng chạy theo tăng trưởng phát triển và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa khắp 5 châu đã thành quán tính, không có cách gì kìm hãm được. Và điều tất nhiên là môi trường sinh thái sẽ tiếp tục bị hủy hoại, sự cân bằng tự nhiên mà tạo hóa thiết lập tự ngàn xưa tiếp tục bị phá vỡ; Vi-rút Delta có thể sẽ hết sức công phá, nhưng rồi sẽ có dịch bệnh khác, thảm họa khác xảy ra!

Ngăn chặn hoặc hạn chế chiều hướng mà Tổng Thư ký Liên hiệp quốc trong một phát biểu về thảm họa môi sinh đã hình tượng hóa là “một mũi tên không có cơ hội quay ngược chiều” nhất thiết phải là chuyện đại sự ở tầm quốc tế và quốc gia. Ở thời đại này, không ai lại gạt bỏ mọi công cụ khoa học để chỉ đợi thấy đàn kiến bò lên cao mới lo chạy lũ. Cả thế giới hình như chỉ một Vương quốc Phật giáo Bhutan (thuộc vùng Nam Á) gần như không phát triển công nghiệp, độ che phủ rừng tới 72%, lượng khí thải carbon là âm (-), được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Những chuyển hướng tích cực ở tầm vĩ mô - quốc tế và quốc gia - có thể phải đợi hàng thập kỷ, nhưng con vi-rút thì bất thần “xuất quỷ nhập thần” xộc đến không có bức trường thành nào ngăn được, buộc con người phải thích ứng; trước hết bằng cách tự vệ - tự phát chạy thoát khỏi vùng dịch như chúng ta đã đau lòng chứng kiến. Cuộc “di tản” đặc biệt này có một tên gọi khác chạm đến tình cảm thiêng liêng của con người là trở về cố hương! 

Trong chiến tranh - nhất là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc - bao làng quê đã là nơi nương náu cho hàng triệu gia đình từ thành thị, nhà máy sơ tán về. Thảm họa dịch Covid, một lần nữa, nhắc nhở chúng ta: trong thế giới đua tranh theo xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, CỐ HƯƠNG - làng quê, gia đình thân thuộc vẫn luôn là nơi chốn để con người nương tựa, sống bình an, mặc dù chỉ là “rau cháo có nhau” như không ít lao động buộc phải trở về cố hương vừa qua đã tâm sự.

Thiên hạ là “bách tính”, và không mấy ai lại bỗng dưng từ bỏ điều kiện sinh hoạt văn minh mà trí tuệ nhân loại tích tụ cả ngàn năm mới đạt đến. Trước thềm xuân 2022, đã có hàng vạn người lao động trở lại các thành phố, các khu công nghiệp vì mưu sinh, do không phải vùng quê nào cũng có thể tìm được việc làm. Và như thế, đồng thời vẫn có hàng vạn con người đang trăn trở, lựa chọn “ra đi hay ở lại”. Bài toán khó khăn này có thể tìm được lời giải, khi sự chuyển đổi từ hai phía gặp nhau. Từ mỗi cá thể, mỗi gia đình, “ngộ” ra xu hướng chạy đua làm giàu, chỉ nhằm hưởng thụ vật chất cao sang không phải là cuộc sống hạnh phúc, dám chấp nhận cách sống giản dị, hòa điệu với thiên nhiên, gắn bó với gia đình… Nhưng mặt khác, từ phía Nhà nước, các địa phương, cho đến các cơ quan khoa học… cần phối hợp để phương hướng “ly nông mà không ly hương” sớm có điều kiện thực hiện. Thành tựu khoa học kỹ thuật và nhất là công nghệ số, tạo cơ hội “vàng” để người lao động ở các làng quê thoát cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và có thể “kiếm sống” nhờ công nghệ mới… Và như thế sẽ góp phần hạn chế quá trình đô thị hóa quá đà khiến môi trường sinh thái bị phá vỡ, như Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã cảnh báo (Thông điệp video nhân Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10/2021). 

Những chuyển đổi nói trên không chỉ là sự tái cơ cấu nền kinh tế mà còn là điều kiện tốt nhất để “tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm” theo lời kêu gọi của Chủ tịch nước trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2021. Chúng ta đều thấy trong quá trình đô thị hóa ồ ạt và công nghiệp hóa với tốc độ quá “nóng” đã kéo theo sự dịch chuyển dân cư khiến nhiều gia đình bị phá vỡ. Gia đình không chỉ là tế bào mà là nền móng của một xã hội, một quốc gia bình yên, hạnh phúc, văn minh. Chỉ cần hình dung một người chồng trẻ bỏ lại vợ con ở quê, vào trọ khu nhà “ổ chuột”, nam nữ tự do “giao lưu” và ngay cả những đôi vợ chồng trẻ cùng “đầu quân” vào các khu công nghiệp, phải gửi con cho ông bà, đã thấy biết bao lỗ hổng về xã hội, đạo đức, giáo dục ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng phẩm chất con người… 

Xu hướng chuyển đổi không hề dễ dàng nói trên thuộc về thì tương lai nên cũng có thể gọi đó là tiếng gọi của mùa xuân - một mùa xuân vĩnh cửu của nhân loại, không còn bị những thảm họa uy hiếp. Còn hôm nay, tiếng gọi mùa xuân trước mắt tôi là tiếng còi tàu - đoàn tàu hỏa từ phía Nam ra, sắp vượt qua đoạn đường lên dốc Bến Ngự vào ga Huế, rồi tiếp tục tiến ra phía Bắc, đưa những người con xa quê trở về đoàn tụ với gia đình những ngày lễ Tết. Trước thềm xuân này, những đoàn tàu, đoàn xe từ phía Nam ra Bắc không còn đông chật như các năm trước. Vì dịch Covid cản trở và cũng do một số lao động trở về cố hương mấy tháng trước đã tìm được cơ hội lập nghiệp ở quê nhà. Liệu có thể gọi đó là tín hiệu vui mùa xuân mới?

Tùy bút của NGUYỄN KHẮC PHÊ

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất