, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/02/2021, 10:14

Tiếng vọng từ Long Khốt

TRẦN THẾ TUYỂN

Mỗi lần về Long Khốt giỗ đồng đội, chúng tôi đều làm lễ thả hoa đăng trên dòng sông Long Khốt. Điều ấy có căn nguyên của nó, bởi dòng sông nhỏ sát biên giới này đã từng thấm đậm máu xương người lính Bộ đội Cụ Hồ; trong đó Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) là một trong những đơn vị có người ngã xuống nơi đây nhiều nhất.

Lễ hoa đăng trên sông Long Khốt.
Lễ hoa đăng trên sông Long Khốt.

Hồi ức người trong cuộc

Thiếu tướng Vũ Viết Cam là một người lính Bộ đội Cụ Hồ có nét riêng không lẫn vào đâu được. Nhớ lại, cuối năm 1972, từ Tiểu đoàn 31 tôi được bổ sung về Trung đoàn 174, lúc ấy mang phiên hiệu Trung đoàn 2 thuộc Công trường 5 ( Sư đoàn 5). Tôi gặp anh Cam tại sở chỉ huy Tiểu đoàn 6, khi đơn vị triển khai nhiệm vụ đánh cụm cứ điểm: từ Sóc Con Trăng đến Cà Vàng, Cái Cái...

Dáng “thư sinh” nhỏ thó, da trắng, môi hồng, lúc di chuyển, đôi tay vắt vẻo như con gái, không ai nghĩ anh Cam lại là một chỉ huy quân sự dũng cảm, mưu trí. Sau trận đánh chi khu Lộc Ninh, anh Cam được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó. Trung đoàn phó Cam được giao chỉ huy đánh Long Khốt, cứ điểm quân sự nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia được coi là cánh thép của địch nơi cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long. Đó là tháng 6 năm 1972, khi Trung đoàn vừa “chân ướt, chân ráo” từ miền Đông Nam bộ xuống chiến trường mới. Lính rừng không quen đồng nước nên dòng sông Long Khốt đã cuốn trôi hàng trăm chiến sĩ trẻ “Tân binh C” vừa từ hậu phương lớn bổ sung vào. Sau này viết 2 trường ca “Phía sau mặt trời” và “Gió thổi miền ký ức”, tôi đã viết: “Áo chiến sĩ phơi nhòe đêm trăng” là thế. Không chỉ có trận tháng 6 năm 1972, áo lính trận phơi nhòe đêm trăng mà sau này gặp lại anh Cam, khi anh là Thiếu tướng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội, người cựu chỉ huy Trung đoàn 174 nói trong nước mắt: “Chúng ta không chỉ đánh Long Khốt 2 lần. Đó là 2 trận lớn. Thực tế chúng ta đã đánh Long Khốt nhiều lần, suốt từ giữa năm 1972 đến tháng 4 năm 1975. Chính tôi là một trong những người đã chỉ huy các trận ấy và đúng như nhà thơ viết: Áo chiến sĩ phơi nhòe đêm trăng”...

Ngày 19/08/2019, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trung đoàn 174 ( Đoàn Cao Bắc Lạng ), vị tướng trận quê hương Thái Bình, một trong những chiến sĩ của Trung đoàn 174 “gốc” vượt Trường Sơn vào Nam bộ năm 1967, đưa cả cô giáo Oanh, vợ ông vào gặp mặt đồng đội. Đến đâu, gặp ai ông cũng không cầm được nước mắt. “Xây đền thờ liệt sĩ ở Long Khốt thì quý lắm rồi. Còn hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn hi sinh tại Đắc Tô - Tân Cảnh năm 1967 thì sao? Ai sẽ ghi danh những người chiến sĩ “thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc” ấy ? - Tướng Cam giãi bày.

Đền thờ Long Khốt và bia ghi danh liệt sĩ ở Đắc Tô

Có tới gần 2.000 liệt sĩ đã nằm lại chiến trường khu vực đồn Long Khốt. Đó là con số làm chúng tôi choáng váng. Năm 2008, đền thờ liệt sĩ đầu tiên được xây dựng tại Long Khốt do một nhóm CCB Trung đoàn 174 vận động tài trợ. Lúc đầu, dự kiến chỉ thờ các liệt sĩ của Trung đoàn 174. Nhưng quá trình sưu tầm tài liệu mới phát hiện ra không chỉ có hơn 600 liệt sĩ của Trung đoàn 174 mà còn hơn 1.000 liệt sĩ của Sư đoàn 5, Sư đoàn 8 và các đơn vị thuộc cấp trên tăng cường đã hi sinh tại đây trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

Đền thờ liệt sĩ Long Khốt (đầu tiên) được khánh thành 19 tháng 5 năm 2009 với sự tài trợ của các doanh nhân CCB: Lê Văn Kiểm, Hoàng Minh Sơn, Trình Tự Kha... và sự chung tay đóng góp của Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An; cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Vĩnh Hưng (Long An). Khởi nguồn trước đó, nhưng thực sự phải đến khi xây dựng đền thờ liệt sĩ, ngày 18 và 19 tháng 5 hằng năm mới trở thành lễ hội của nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Hưng nói riêng và vùng chiến khu Đồng Tháp Mười xưa nói chung nhằm tri ân, tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ. Đã hơn 10 năm nay, kể từ ngày xây dựng ngôi đền thờ liệt sĩ đầu tiên tại khu vực đồn Long Khốt, chúng tôi - CCB Trung đoàn 174 may mắn là người trong cuộc. Chính nơi đây là mảnh đất khơi nguồn để tôi viết nên hai tập trường ca với đôi câu thơ, sau này là cặp vế đối được khắc ghi tại nhiều đền thờ liệt sĩ trong cả nước: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia!”.

Năm 2017, từ tình cảm sâu nặng với đồng đội, những CCB Trung đoàn 174 đã khởi xướng xây dựng đề án “nâng cấp” khu vực đồn Long Khốt từ Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh thành Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Mảnh đất thấm đẫm máu xương của gần 2.000 liệt sĩ gắn liền với chiến công và sự hy sinh to lớn ấy phải được mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết đến như các vùng đất thiêng: Ngã ba Đồng Lộc; Hang Tám Cô; Thành cổ Quảng Trị; Truông Bồn, Chuồng cọp Côn Đảo; Nhà tù Phú Quốc...Trong dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt do Ban Liên lạc Truyền thống CCB Trung đoàn 174 tại TP.HCM khởi thảo đã ghi như thế.

Và, đáp ứng nguyện vọng của các CCB từng đánh trận nơi đây cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Vĩnh Hưng, ngày 17 tháng 5 năm 2019, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL đã ký quyết định công nhận Khu vực đồn Long Khốt là Di tích Lịch sử Quốc gia. Một lần, cùng các CCB Trung đoàn 174 về thăm lại chiến trường xưa Long Khốt, Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Sư đoàn trưởng về chính trị Sư đoàn 5; nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ bồi hồi đứng bên dòng sông Long Khốt và nói rằng, phải kêu gọi tài trợ để xây dựng lại đền thờ liệt sĩ Long Khốt cho xứng đáng với sự hy sinh của gần 2.000 liệt sĩ, cho xứng tầm quốc gia nơi cửa ngõ biên giới này. Ước nguyện ấy đã trở thành hiện thực, khi người đứng đầu Liên minh HTX Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Đồng Nai (Dona coop) - một doanh nhân - CCB đã từng có mặt tại chiến trường Campuchia vào cuộc. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, Đền thờ Liệt sĩ - hạng mục chính tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia khu vực đồn Long Khốt hoàn thành. Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ Long Khốt diễn ra trang trọng, ấm áp đúng dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập QĐNDVN. Đó là công trình của lòng dân; bởi không chỉ có số tiền hàng chục tỷ đồng đóng góp của nhà tài trợ mà còn có cả tâm trí, ước nguyện của các CCB, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Long An và Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Đặc biệt phải kể đến sự đồng thuận chí tình chí nghĩa của hơn 40 hộ dân đang sinh sống trên diện tích Khu Di tích. Tri ân liệt sĩ, chỉ trong vòng vài ngày, tất cả các hộ dân này đã thu dọn tài sản riêng, giao đất cho chính quyền để xây dựng Đền. Một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự tri ân đối với những người con đã hi sinh vì Tổ quốc.

Đêm trước khánh thành đền là lễ hoa đăng. Bên dòng sông Long Khốt, nơi hàng trăm chiến sĩ ta đã gửi lại thân mình, thay mặt những người trực tiếp đánh trận nơi đây, tôi đã đọc bài văn tế liệt sĩ:

“Hỡi ôi

Năm tháng qua đi, lòng người bày tỏ

Đất nước bốn ngàn năm lịch sử

Những chiến sĩ quên mình vì nước, vì dân.

Ngọn nến lung linh

Trái tim thổn thức,

Nước mắt ắp đầy dòng Long Khốt...

Các anh, các chị ơi,

Đêm nay nước mắt nhòe Long Khốt

Ngọn nến bập bùng lời tri ân

Đất rộng trời cao, có biết:

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”.

Các anh, các chị ơi,

Nơi tuổi Xuân gửi lại cánh đồng xa

Phía sau mặt trời là khoảng tối

Ngôi đền - mái ấm thân thương

Các anh chị hãy trở về, sương khói

Sưởi ấm vùng biên giới thiêng liêng

Sống anh hùng, chết vinh quang

Phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mãi mãi...”

Mắt tôi nhoè đi, như thấy đồng đội từ lòng sông bước lên, trang bị súng ống như ngày nào. Lao xao tiếng người, tiếng sóng vọng từ đất và trời Long Khốt. 

Vĩnh Hưng, đêm cuối năm 2020.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất