, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 24/06/2023, 14:29

Tiêu thụ nông sản gặp khó, chính quyền lên kế hoạch làm cầu nối

TUẤN ANH
(nongnghiep.vn)
Nông sản của tỉnh Kon Tum đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, điều này đã buộc chính quyền địa phương lên kế hoạch làm cầu nối nhằm ổn định thị trường.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản được tỉnh Kon Tum hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh. 
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản được tỉnh Kon Tum hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh.

Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định

Hiện nay, tỉnh Kon Tum đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, khoai mì, cây ăn quả, mắc ca, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu… gắn chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 25.000ha cà phê, 75.000ha cao su, hơn 38.000ha khoai mì… Kon Tum cũng có hơn 9.400ha cây ăn quả, 1.000ha cây mắc ca, 500ha sâm Ngọc Linh, 900ha cây dược liệu…

Trên địa bàn đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến với 29 cơ sở quy mô vừa.  Trong đó, 8 nhà máy chế biến khoai mì, 12 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy chế biến mía đường, 3 cơ sở chế biến cà phê, 2 cơ sở chế biến dược liệu, 2 cơ sở chế biến nước giải khát, 1 nhà máy chế biến trái cây sấy. Còn lại chủ yếu vẫn là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Thực trạng này chỉ ra rằng, cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu, dẫn đến sản phẩm làm ra phải chịu cảnh bấp bênh về giá hoặc phụ thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường.

Kết nối tiêu thụ nông sản giúp nông dân ổn định đầu ra. Ảnh: Tuấn Anh.
Kết nối tiêu thụ nông sản giúp nông dân ổn định đầu ra. Ảnh: Tuấn Anh.

Có hơn 1ha khoai mì, gia đình anh Ksor Hiệp (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) cho biết, năm nào đến vụ thu hoạch khoai mì, gia đình cũng bị ép giá. “Tính toán lại trong 2 năm trồng, chăm sóc khoai mì thì thấy bị lỗ. Chúng tôi cũng tính đến việc bỏ khoai mì để chuyển sang trồng cây ăn quả nhưng chi phí đầu tư quá lớn, gia đình lại không có tiền”, anh Hiệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, hàng năm các thành viên của HTX thu hoạch khoảng hơn 1.000 tấn cà phê, chưa kể các loại cây ăn trái. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm luôn là bài toán khó của HTX trong nhiều năm qua. Đặc biệt thời điểm dịch bệnh Covid-19, nông sản gần như không tiêu thụ được, các thành viên gặp rất nhiều khó khăn.

“Năm nay, cà phê tiêu thụ ổn định hơn nhưng sản phẩm chế biến sâu lại gặp khó khi giá nguyên liệu thô tăng cao. Để bán được sản phẩm, HTX phải đi khắp các tỉnh thành chào hàng nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao”, ông Sáu cho biết.

Dồn lực kết nối tiêu thụ nông sản

Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ, Kon Tum đã và đang cập nhật và cung cấp thông tin những mặt hàng nông sản đến các tổ chức, cá nhân sản xuất biết để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chủ động điều chỉnh hoặc cân nhắc trong sản xuất, từng bước từ bỏ kiểu sản xuất chạy theo giá, có kế hoạch rõ ràng cho việc điều chỉnh quy mô, diện tích sản xuất, hạn chế được tình trạng cung vượt cầu.

Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.
Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong diễn biến mới nhất, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cụ thể, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc liên kết, phát triển chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Tổ chức sản xuất theo hướng đa giá trị, hiệu quả, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng ruộng. Giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản kết nối tiêu thụ. Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

Cây dược liệu đang được tỉnh Kon Tum đẩy mạnh kết nối tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh.
Cây dược liệu đang được tỉnh Kon Tum đẩy mạnh kết nối tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh.

Để giải bài toán về thị trường tiêu thụ, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở NN&PTNT hướng dẫn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền. Định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề xuất chỉ đạo các giải pháp nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tiêu thụ nông sản để đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế cao nhất cho người sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum: “Sở NN&PTNT cần thường xuyên liên hệ các doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu, từ đó định hướng, thông tin cho các huyện, thành phố để chỉ đạo tổ chức sản xuất các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hoàn thành trong tháng 7/2023”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất