, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 21/11/2022, 08:42

Tìm cho thương cảng Sài Gòn cổ cuộc sống mới

PGS.TS. KTS. NGUYÊN HẠNH NGUYÊN
LTS: Câu chuyện bảo tồn di sản hay bỏ đi để phát triển chưa bao giờ thôi xung đột, giữa việc gìn giữ dấu xưa, chạm khắc ký ức hay phải đổi thay cho phù hợp với nhu cầu đời sống mới. Hãy nhìn Singapore, khi đã nếm đòn từ tư duy càn lướt để phát triển bằng mọi giá, họ quay trở lại, trân trọng và thông minh trong ứng xử, tạo ra một chân dung mới cho không gian cảng cổ, lộng lẫy từ hoang tàn. Thương cảng Sài Gòn một thuở, được mặc định lớn hơn những cảng cũ ở Đảo quốc Sư tử, đi kèm tài nguyên bề thế, hiện đã và đang mất dần đi bởi sự lãng quên. Tại sao không ngoái đầu nhìn lại, phủi bụi thời gian trên báu vật, hồi sinh không gian thương cảng xưa để thúc đẩy kinh tế cho một Sài Gòn - TP.HCM văn minh, giàu có mà không thiếu sắc cổ đậm đà?
Hồi sinh không gian cảng cổ để thúc đẩy kinh tế đô thị.

Thương Cảng Sài Gòn đã có cách dây 160 năm (được thành lập ngày 22 tháng 2 năm 1860 dưới thời Pháp). Cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn cách biển 83km gồm 5 khu vực: khu Hàm Nghi dọc theo hữu ngạn sông Sài Gòn, có 3 cầu tàu dành cho tàu lưu hành nội địa; khu Nhà Rồng nằm trên đoạn Kinh Tàu Hũ, Kinh Tẻ có 3 bến dành cho tàu viễn dương; khu Khánh Hội có một bến đầu cũng dành cho tàu nội địa; khu Chợ Cá - khu 18 - có 3 cầu tàu và 2 bến đậu tàu nội địa. Quan trọng nhất là khu chính của thương cảng Sài Gòn, tất cả đều cho tàu viễn dương neo đậu.

Sự ra đời của thương cảng Sài Gòn gắn liền với sự mở mang toàn bộ hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp ở Nam Kỳ và toàn Đông Dương. Đây là thương cảng sớm nhất và vận chuyển lớn nhất Đông Dương, đứng thứ 7 trong số các thương cảng của người Pháp, lượng hàng hóa qua cảng vào khoảng 3.000.000 tấn, trong đó 2.000 tấn xuất – nhập hàng hóa tàu biển đi khắp nơi trên thế giới.

Trải qua gần nửa thế kỷ đô thị hóa, hệ thống cảng Sài Gòn bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc mở rộng đô thị kéo theo việc di dời các cảng ra khỏi trung tâm Sài Gòn đã xóa đi rất nhiều công trình kiến trúc công nghiệp làm nên một Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông. Có nhiều di sản kiến trúc dọc theo các khu vực cảng xưa đã bị phá hủy và thay thế mới bằng những cao ốc.

Thương cảng Sài Gòn năm 1866, 2 năm sau khi được xây dựng.

Bài học từ thương cảng Clarke Quay, Singapore

Trong thời kỳ thuộc địa, Boat Quay là trung tâm thương mại, nơi những người bật lửa sà lan vận chuyển hàng hóa ngược dòng đến các kho hàng tại Clarke Quay. Vào thời kỳ thịnh vượng nhất (từ giữa thế kỷ 19 đến nửa sau của thế kỷ 20), các thương nhân chen lấn để giành chỗ neo đậu bên cạnh Clarke Quay. Vào thời điểm này, sông Singapore cũng trở nên rất ô nhiễm. Chính phủ Singapore đã quyết định chuyển các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến một cơ sở mới hiện đại ở Pasir Panjang. Clarke Quay đã bị lãng quên dần và rất nhiều ngôi nhà mặt sông bị phá bỏ.

Trong những năm đầu sau khi giành được độc lập (năm 1963), do mong muốn một Singapore hiện đại, thoát khỏi sự nhếch nhác ở những khu phố người Hoa, người Ấn, ông Lý Quang Diệu (Lee Kwan Yew) gấp rút tiến hành các kế hoạch phát triển đô thị chóng mặt mà không chú trọng vào vấn đề bảo tồn. Chính sách “đập và xây” được thực hiện suốt từ những năm 60 đến 70 tại Singapore, những mảng tường di tích liên tục đổ xuống để nhường chỗ cho những hạ tầng cơ sở mới được dựng lên. Quy hoạch kiến trúc mới của Singapore được thực hiện theo 3 hướng chính: nhà ở, công nghiệp, và thương mại. Singapore có thể lấy lý do cần đất phát triển để phá bỏ những công trình xưa.

Khu cảng Clarke Quay trở thành một trong những thương hiệu mới của du lịch Singapore.

Nhưng tới năm 1983, Singapore chứng kiến mức sụt giảm đáng ngờ lượng du khách tới thăm là 3.5% so với năm trước. Đây là lần sụt giảm đầu tiên của nước này từ năm 1965. Với một nước có nguồn thu lớn dựa vào du lịch như Singapore, việc lượng du khách giảm là một chuyện đáng báo động. Sự sụt giảm đó kéo theo 2 mũi nhọn kinh tế khác là thương mại và đầu tư. 

Chính phủ đã thành lập Ban đặc trách du lịch (Tourism Task Force) để nghiên cứu vấn đề, và họ đã tìm ra được nguyên nhân: vào đầu thập niên 80, Singapore có kế hoạch xây dựng khu metro hiện đại ngay giữa lòng trung tâm (giống Sài Gòn bây giờ) và đã dẹp bỏ một phần khu vực kiến trúc đậm nét Á Đông ở khu Chinatown. Việc này làm giảm đi rõ rệt sự thu hút của Singapore với khách du lịch.

Cảng Clarke Quay xưa.

Năm 1986, chính phủ Singapore ban hành chính sách về Bảo Tồn (Conservation Master Plan) với những đánh giá công nhận các khu vực lịch sử của Singapore, bao gồm cả khu kiến trúc Á Đông đến khu kiến trúc Anh thuộc địa. Đã là công trình cần bảo tồn thì không phân biệt ai xây dựng, miễn là chúng có vai trò trong lịch sử phát triển chung.

Năm 1987, Hội Đồng Tái Phát Triển Đô Thị (Urban Redevelopment Authority) bắt đầu triển khai việc trùng tu và bảo tồn những công trình trong các khu vực lịch sử, tạo sự tin tưởng từ phía người dân về phía chính phủ trong việc giữ gìn những giá trị riêng của Singapore. Cảng Clarke Quay cũng là một trong những điểm trọng tâm được phục hồi. Chính phủ đã làm sạch sông Singapore và môi trường của nó. Các kế hoạch đã được thực hiện để cải tạo khu vực và biến nó thành một khu thương mại, dân cư và giải trí thịnh vượng. Các bản quy hoạch này đã xem xét nghiêm túc giá trị lịch sử của Clarke Quay, khiến các tòa nhà mới bắt buộc phải bổ sung cho đặc điểm lịch sử của khu vực và một số tòa nhà cũ nhất định phải được khôi phục.

Khu phố người Hoa ở Singapore trước khi bị đập đi.

Công ty Alsop Architects (sau này đổi thành Spark Architects) được giao nhiệm vụ thiết kế lại mặt tiền shophouse, cảnh quan đường phố và khu ăn uống ven sông trong hai giai đoạn phát triển. Bến cảng Clarke Quay mới được phục hồi đã thường xuyên thu hút hơn 2 triệu du khách mỗi năm và nhanh chóng trở thành một phần thương hiệu của Singapore. Dự án đã giành được Giải thưởng Kiến trúc Cảnh quan Thành phố năm 2007 và Giải thưởng Cảnh quan Châu Á, Phát triển Bờ sông Tốt nhất năm 2008.

Khu phố người Hoa được xây mới lại để phục hồi.

Thương cảng Sài Gòn “lớn” hơn rất nhiều

Từ kinh nghiệm của Singapore, với thương cảng Sài Gòn quy mô lớn hơn rất nhiều và tầm quan trọng của nó trong lịch sử cũng lớn hơn rất nhiều, thương cảng Sài Gòn nếu được phục hồi (một phần hoặc một vài đoạn quan trọng thí điểm) sẽ tạo ra một cú hích rất mạnh cho nền kinh tế thành phố.

TP.HCM cần quán triệt định hướng chung cho bảo tồn không gian các tuyến. Thứ nhất, bảo tồn quần thể kiến trúc chứ không chỉ bảo tồn tòa nhà; bảo tồn bối cảnh gồm kiến trúc và cảnh quan không gian chứa di sản, đưa di sản về đúng không gian văn hóa của nó.

Thứ hai, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, có thể chuyển đổi công năng, tái sử dụng công trình di sản công nghiệp sát bờ sông. Đây là mục tiêu đưa di sản đến với cộng đồng, cho cộng động được tiếp cận di sản bằng nhiều hình thức, tổ chức tham quan, các hoạt động xã hội… không nhất thiết phải tổ chức các hoạt động ngày xưa của di sản, cần tìm cho di sản có cuộc sống mới phù hợp với hơi thở của thời đại.

Thứ ba, kết nối các công trình di sản để tạo thành chuỗi di sản áp sát mặt nước. Xây dựng lại ký ức đô thị. Các công trình trong đoạn, tuyến có thể có những vai trò khác nhau, chức năng khác nhau nhưng đều có khả năng đóng góp vào không gian di sản bởi cảm nhận của một tuyến được kết nối liên tục sẽ đậm đặc ký ức hơn là những đoạn vụn, rời rạc. Hơn nữa, liên kết các công trình di sản thành tuyến, trục di sản bờ sông còn để tiện việc tham quan, quảng bá và tổ chức các hoạt động trong cộng đồng. Từ đó khoanh vùng di sản, tích hợp vào bản đồ du lịch chung của thành phố.

Song song với đó, nhiều hoạt động cụ thể cũng cần được triển khai. Trước hết là phục hồi công trình di sản cảng sông, phải gắn liền với lịch sử hình thành các khu vực đó, đồng thời mang lại hiệu quả khai thác trong thời gian tới. Có thể nói rằng hiện nay, hệ thống sông ngòi kênh rạch Sài Gòn xưa gắn liền với di sản đô thị không được quy hoạch đầu tư khai thác đúng mức nên chưa phát huy được giá trị của di sản. Các tuyến đường sông quanh các thương cảng xưa chưa có cầu cảng, hoặc có nhưng bị bỏ hoang, tháo dỡ, không có chỗ neo đậu thuyền nên các thuyền chở hàng, chở khách không thể cập bến đón trả khách. Chỉ một vài chỗ trên bến Bạch Đằng và cảng Khánh Hội đang khai thác bến tàu.

Sông Sài Gòn nhìn từ Thủ Thiêm.

Với từng vị trí, cần tập trung những công trình nổi bật và mỗi vị trí cần có tác động khác nhau. Với khu vực bến Bạch Đằng, Cột cờ Thủ Ngữ, cảng Khánh Hội, cần chỉnh trang hoàn thiện các công trình phục vụ đi kèm như bố trí nhà vệ sinh công cộng, ghế ngồi trong công viên, bổ sung cây xanh bóng mát, tạo điều kiện đi lại cho hành khách và khách tham quan. Với khu vực cảng Ba Son, cần nhanh chóng phục hồi cầu tàu và ụ tàu đưa vào đón khách, bố trí giao thông đi lại thuận tiện kết hợp với ga ngầm Metro và cầu Ba Son đã đưa vào khai thác hiệu quả trên toàn tuyến bờ Tây sông Sài Gòn. 

Tại khu Bến Bình Đông còn một số đoạn nhà kho, nhà máy xưa có thể cho phép chuyển đổi chức năng để tái sử dụng công trình công nghiệp theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những chức năng mới thay thế có thể là không gian đa chức năng: Thương mại, dịch vụ, tổ chức sự kiện… để có được sức sống mới cho đoạn cảng sông này. Nghiên cứu một số đoạn trên tuyến này bố trí các cầu tàu đưa đón khách du lịch, phục vụ vận chuyển đường sông từ bến Bạch Đằng lên Bến Bình Đông.

Đồng thời, chỉnh trang và tôn tạo cảnh quan hai bên bờ sông và tái hiện cảnh trên bến dưới thuyền. Tiếp tục nạo vét luồng lạch, làm sạch nguồn nước các kênh mương. Bổ sung cây xanh bóng mát, các lối đi bộ, đi dạo bờ sông, các điểm trông giữ xe thuận lợi. Phục hồi kiểu nhà shophouse điển hình: Có thể xét trên toàn tuyến để chọn những khu vực Quận 1, Quận 4, Quận 6, Quận 8, Bình Thạnh, nơi còn giữ được những đoạn phố áp sát mặt nước theo kiến trúc nhà ở kiểu shophouse của người Hoa để chỉnh trang, phục hồi một số đoạn đã bị hư hỏng. Kết hợp chỉnh trang cả kiến trúc và cảnh quan, bổ sung cầu tàu, bổ sung các điểm nhô ra mặt nước để tạo điều kiện tái hiện lại cảnh trên bến dưới thuyền.

Việc phục hồi các khu vực di sản này cần có quy hoạch các điểm trên bình diện tổng thể, sau đó từng bước đầu tư xây dựng dựa trên phục vụ du lịch, đón trả khách bằng tuyến xe buýt đường sông, lễ hội hoa hàng năm vào dịp Tết. Kết nối các điểm du lịch theo một chuỗi khám phá di sản hai bên bờ sông và gắn sản phẩm du lịch này vào chuỗi sản phẩm du lịch của thành phố. Hoàn thiện các đoạn cảnh quan dọc hai bờ sông để tổ chức du lịch trên sông hiệu quả hơn.

Đề xuất các bước thực hiện

1. Cần phải tập trung cho truyền thông di sản, đây là yếu tố tác động cộng đồng, làm thay đổi nhận thức cộng đồng về hoạt động tái hiện lại đô thị cảng xưa của Thành phố. Các ngành đều cùng hiểu rõ mục tiêu của chương trình này để khi triển khai sẽ được mọi người ủng hộ và cùng bảo vệ, quảng bá hình ảnh di sản.

2.Nhận diện và lập bản đồ di sản dòng sông: Rà soát lại các công trình có giá trị di sản. Lập bản đồ di sản để làm cơ sở xây dựng quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Có thể sử dụng “công cụ đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị” của nhà nghiên cứu đô thị Nahoum Cohen. Theo các tiêu chí: giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tinh thần… để có được bản đồ những di sản còn lại, những di sản đã mất nhưng cần phục hồi. Xác định Cụm công trình di sản, trục di sản và các công trình riêng lẻ có giá trị cần bảo tồn. Sự công nhận về di sản không chỉ đơn giản là vấn đề bảo vệ những công trình lịch sử của đô thị mà quan trọng hơn, phải bảo tồn toàn bộ môi trường lịch sử của di sản với vai trò quan trọng trong sự đa dạng của văn hóa, trong đó có cảnh quan thiên nhiên, không gian công cộng. Cần đặc biệt chú trọng việc thẩm định, xây dựng tiêu chí, đánh giá xếp hạng di sản thuộc về kiến trúc nghệ thuật hay trí tuệ con người và thừa nhận tầm quan trọng của nó.

3. Xây dựng kịch bản bảo tồn cả khu vực rộng lớn và kịch bản cho từng phân đoạn, tuyến để có cách ứng xử khác nhau. Kịch bản bảo tồn di sản sẽ cần sự tham gia đa ngành không chỉ du lịch, kinh tế hay văn hóa mà các ngành đều hưởng lợi từ di sản, vì vậy các ngành đều phải tham gia xây dựng nên câu chuyện tái thiết di sản này. Tìm kiếm cơ hội mới cho các đối tác trong lĩnh vực tư nhân trong việc bảo vệ di sản kiến trúc và đô thị dọc các tuyến mặt nước. Chuẩn bị xây dựng kịch bản hoạt động theo từng chức năng, kết nối các chức năng, các công trình tiện ích hỗ trợ, các hoạt động ban đêm, ban ngày.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất