, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 02/06/2023, 07:44

Tìm hướng đi cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Bài 2: Kỳ vọng về “dải lụa xanh” ven sông Sài Gòn

SƠN VINH
(phunuonline.com.vn)
Từ những năm 2011 - 2012, UBND TP.HCM đã có chủ trương phát triển các vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn để vừa duy trì mảng xanh, vừa làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa, việc duy trì các vườn cây ăn trái đã khó, việc phát triển càng khó hơn.

LTS: Đô thị hóa ở TP.HCM đang diễn ra ngày càng nhanh chóng. Những ruộng lúa, vườn rau dần nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Quy hoạch đất nông nghiệp, định hướng việc sản xuất nông nghiệp để giúp nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu bằng nghề nông đồng thời giữ mảng xanh cho phố thị là việc cần làm dù không dễ. 

>> Tìm hướng đi cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Bài 1: Bấp bênh nghề muối

Vùng ven sông Sài Gòn có đủ điều kiện để cây ăn trái phát triển nhưng hiệu quả kinh tế từ vườn thấp khiến diện tích vườn thu hẹp  - ẢNH: S.V.
Vùng ven sông Sài Gòn có đủ điều kiện để cây ăn trái phát triển nhưng hiệu quả kinh tế từ vườn thấp khiến diện tích vườn thu hẹp - Ảnh: S.V.

Khó giữ vườn cây trái 

Những ngày đầu tháng 4/2023, ông Đỗ Văn Tuấn - chủ vườn Tư Tuấn ở xã Trung An, huyện Củ Chi - tất bật chăm sóc vườn cây ăn trái rộng 3.200m2 để đón du khách dịp lễ 30/4 và dịp hè. Ông Tuấn có 2 vườn cây ăn trái rộng 2ha, trong đó có khu vườn nằm ở gần đường lớn được làm nơi cho du khách tham quan. Hằng năm, vào mùa cây ra trái (tháng 5 - 7), ông Tuấn bán vé 50.000 đồng/người để khách vào vườn tham quan, hái trái.

Ông Tuấn trồng cây ăn trái từ năm 1978. Những năm trước, vào mùa mưa, vườn hay bị ngập úng nhưng hiện giờ, nhờ có hệ thống đê bao nên đất vườn không bị ngập. Vườn ông có các loài cây như chôm chôm, măng cụt, dâu, mùa nào cũng trĩu quả, du khách rất thích thú. “Một mùa du lịch, gia đình tôi thu về khoảng 30 - 40 triệu đồng. Ở ngoại thành, mức thu nhập cỡ này là sống ổn. Nếu không làm du lịch, chỉ bán trái cây thì tôi chỉ thu về được 5 - 10 triệu đồng/mùa” - ông Tuấn nhẩm tính.

Từ 10 năm trước, vùng ven sông Sài Gòn có trên 3.300ha đất trồng cây ăn trái, tập trung ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và TP Thủ Đức. Đến nay, do tình trạng đô thị hóa, các vườn trái cây bị thu hẹp dần. Riêng xã Trung An, huyện Củ Chi nay còn khoảng 200 hộ có vườn nhưng chỉ có 21 hộ trồng cây ăn trái kết hợp làm du lịch.

Đại diện Hội Nông dân xã Trung An cho biết, các hộ làm vườn cây kết hợp du lịch đều có vườn nằm sát đường lớn. Những hộ có vườn nằm xa trục đường chính rất khó thu hút khách tham quan. Không thể phát triển kinh tế dựa vào vườn cây, nhiều hộ bán đất. Hiện tại, khoảng 50% vườn cây ăn trái do dân ở nơi khác đến mua đất, một số hộ bán vườn do con cái vào công ty, xí nghiệp, không có người chăm sóc vườn.

“Thu nhập không ổn định là một trong những nguyên nhân khiến người dân bán đất vườn. Vườn ở Củ Chi đạt năng suất nhưng không thể cạnh tranh về giá với trái cây từ miền Tây, còn làm du lịch thì phải theo mùa” - cán bộ Hội Nông dân xã Trung An nói.

Ông Đỗ Văn Tuấn đang chăm sóc vườn cây ăn trái để đón khách du lịch - ẢNH: S.V.
Ông Đỗ Văn Tuấn đang chăm sóc vườn cây ăn trái để đón khách du lịch - Ảnh: S.V.

Nghe chúng tôi hỏi về vườn cây ăn trái, bà Nguyễn Thị Mai - ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức - lộ vẻ tiếc nuối. Bà cho biết, trước đây, các vườn cây ăn trái rất phổ biến ở các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông nhưng nay đã không còn. Bà nói: “Nếu chỉ trồng cây ăn trái, thu nhập của chủ vườn chỉ dưới trung bình. Gia đình tôi cũng có 1,5ha đất do ông bà để lại. Năm 2014, thấy việc trồng cây không hiệu quả, chúng tôi bán đất, lấy vốn làm ăn. Hiện giờ, khu đất cũ của tôi là một biệt thự sân vườn hoành tráng”.

Ông Lê Văn Da - ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn - cho hay, rất khó chọn loài cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khoảng 10 năm trước, gia đình ông đã được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật mới và thử trồng một số loài cây như nhãn, xoài, chanh, mận nhưng hiệu quả kinh tế đều không như mong đợi. Nhà ông từng có 1,2ha đất vườn nhưng nay chỉ còn lại chừng 1.000m2, chủ yếu trồng cây để lấy bóng mát và lấy trái ăn trong gia đình.

Phải đưa vườn cây vào tour, tuyến du lịch

Vùng ven sông Sài Gòn có đủ điều kiện để cây ăn trái phát triển nhưng hiệu quả kinh tế từ vườn thấp khiến diện tích vườn thu hẹp  - ẢNH: S.V.
Vùng ven sông Sài Gòn có đủ điều kiện để cây ăn trái phát triển nhưng hiệu quả kinh tế từ vườn thấp khiến diện tích vườn thu hẹp - Ảnh: S.V.

Ông Võ Ngọc Đẹp - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM - cho biết, từ hơn 10 năm trước, UBND TP.HCM đã đặt mục tiêu xây dựng các khu nông nghiệp và khu dân cư nhà vườn ven sông Sài Gòn kết hợp làm du lịch sinh thái. Nhưng đến nay, quy hoạch các phân khu này vẫn theo kiểu “da beo”.

Theo ông, nếu phát triển được vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn thì TP.HCM sẽ có một dải lụa xanh ven sông. Điều này phù hợp với định hướng quy hoạch sông Sài Gòn là “mềm mại, xanh, thân thiện”. Vùng đất ven sông Sài Gòn hội đủ điều kiện để phát triển vườn cây ăn trái. Ngoài có thổ nhưỡng thích hợp, vùng ven sông còn có nguồn nước ngọt dồi dào, ổn định quanh năm, lại có hệ thống đê bao đã được xây dựng hoàn thiện, không lo ngập úng.

Ông cho rằng, ở TP.HCM mà trồng cây chỉ để bán trái thì chắc chắn không hiệu quả. Phải kết hợp nông nghiệp với du lịch. Hiện nay, có một số chủ vườn trái cây ở huyện Củ Chi làm được du lịch nhưng vẫn còn mang tính tự phát và làm theo hướng sản phẩm, tức là đến mùa có trái thì bán vé cho du khách tham quan, hái trái. Do mùa trái cây chỉ kéo dài khoảng 2 tháng nên nguồn thu chẳng đáng bao nhiêu. Trong khi đó, có thể khai thác các vườn cây này theo hướng mảng xanh, sinh thái kết hợp với tour du lịch.

Vườn cây trái ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Ven sông Sài Gòn,  nhiều vườn đã bị thay bằng biệt thự, nhà hàng ven sông - ẢNH: S.V.
Vườn cây trái ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Ven sông Sài Gòn, nhiều vườn đã bị thay bằng biệt thự, nhà hàng ven sông - Ảnh: S.V.

Ông Võ Ngọc Đẹp gợi ý: “Nếu có vườn ven sông Sài Gòn, có thể kết hợp du lịch đường sông từ trung tâm thành phố đến huyện Củ Chi. Trong đó, các vườn cây ăn trái sẽ là trạm dừng chân. Khi lượng khách đến vườn ổn định, chủ vườn sống được nhờ vườn thì họ sẽ duy trì và phát triển vườn. Vùng đất ven sông Sài Gòn không chỉ có ý nghĩa về mặt cảnh quan mà còn là vùng đất đậm dấu ấn lịch sử nên có thể khai thác tiềm năng du lịch”.

Ông Đỗ Văn Tuấn cho biết, do chưa có tour, tuyến cố định nên lượng khách đến vườn ông đều tự phát. Thỉnh thoảng, còn có hiện tượng tranh giành, chèo kéo khách giữa các vườn. Hơn nữa, vườn cây của ông và nhiều vườn khác ở Củ Chi hiện không được xây dựng cảnh quan, nơi lưu trú nên rất khó thu hút khách. Nếu người dân phối hợp được với các đơn vị du lịch xây dựng tour tham quan địa đạo kết hợp ghé vườn cây ăn trái thì chắc chắn sẽ thu hút khách. Khi có lượng du khách ổn định, chắc chắn bà con sẽ mở rộng quy mô các vườn cây ăn trái và không ai dại gì bỏ vườn. 

Nông dân rất muốn làm du lịch sinh thái

Xã Trung An có 2 ấp nằm ven sông Sài Gòn hiện còn nhiều vườn cây ăn trái là Bốn Phú và An Hòa. Bà con ở đây rất muốn phát triển vườn cây kết hợp làm du lịch sinh thái nhưng do nhiều nguyên nhân, số hộ làm du lịch vẫn ít.

Trước đây, Sở Du lịch và các công ty du lịch có đến địa phương khảo sát các vườn cây ăn trái để có hướng kết hợp làm du lịch nhưng đến nay, các vườn này vẫn chưa được đưa vào tour, tuyến.

Bà con nông dân ở xã Trung An rất muốn phát triển du lịch sinh thái để cải thiện thu nhập. Hội Nông dân xã cũng tích cực hỗ trợ, khuyến khích bà con nuôi trồng, sản xuất. Nếu làm được du lịch, đời sống bà con sẽ được nâng lên. Khi nông dân sống được nhờ các vườn cây thì chắc chắn họ sẽ giữ gìn và phát triển chúng.

Ông Lê Thanh Vũ - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, huyện Củ Chi

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất