, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 02/06/2023, 07:54

Tìm hướng đi cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Bài 3: Còn đâu vườn trầu 18 thôn xưa?

TUYẾT DÂN
(phunuonline.com.vn)
Vùng đất Hóc Môn xưa từng được gọi là 18 thôn vườn trầu (thập bát phù lưu viên) bởi dân trong 18 thôn của vùng này chuyên canh cây trầu và cung cấp trầu cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Nhưng nay, thật khó để tìm ra được vườn trầu ở đây...

LTS: Đô thị hóa ở TP.HCM đang diễn ra ngày càng nhanh chóng. Những ruộng lúa, vườn rau dần nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Quy hoạch đất nông nghiệp, định hướng việc sản xuất nông nghiệp để giúp nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu bằng nghề nông đồng thời giữ mảng xanh cho phố thị là việc cần làm dù không dễ. 

>> Tìm hướng đi cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Bài 1: Bấp bênh nghề muối

>> Tìm hướng đi cho nông nghiệp đô thị TP.HCM - Bài 2: Kỳ vọng về “dải lụa xanh” ven sông Sài Gòn

“Trồng trầu chơi thôi”

Phía sau cánh cổng nhà ông Đặng Quang Minh - 60 tuổi, ở mặt tiền đường Phan Văn Hớn, ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn - là khoảng vườn xanh mát, yên bình, trái ngược hẳn với cảnh ồn ào, bụi bặm bên ngoài. 

Ông Đặng Quang Minh tưới nước cho mấy luống trầu được gia đình trồng chủ yếu để lưu giữ kỷ niệm.

Ông Minh cho hay, vườn ông bây giờ chỉ còn chừng 2.000m2: “Ngày xưa, vùng này xanh bao la một màu lá trầu. Bây giờ, người nở ra, cất nhà cửa rồi làm đường sá nên vườn xưa không còn nữa”. Nay vườn ông Minh vẫn xanh nhưng là màu xanh của hàng chục cây chuối sứ, chuối nàng hương cùng hơn 500 gốc cau bọc quanh. Giàn trầu chừng 3 luống với khoảng 60 gốc nằm lọt thỏm ở một góc vườn. Ông Minh nói: “Nhà trồng đám trầu này chơi thôi, để giữ truyền thống của gia đình và vùng đất chứ giờ không ai làm kinh tế bằng cây trầu”.

Ông Minh nói, thật khó để quên một thời mà nhà này cách nhà kia luống trầu, hàng cau thẳng tắp, nông dân háo hức chăm bón để rồi cứ 1 tuần, 10 ngày lại đứng trước vườn ướm chừng đi sắm mấy chỉ vàng sau đợt thu hoạch. Đô thị hóa nhanh, mạnh trong khi trầu cau khó bán, người dân vùng Bà Điểm đành dọn bỏ vườn trầu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không quá lo kiếm tiền nhưng cũng không muốn phải kỳ công chăm sóc cây trầu, ông Minh trồng chuối để bán được cả lá lẫn trái, đủ tiền chợ mỗi ngày. 

Theo một cán bộ UBND xã Bà Điểm, có hơn 90% hộ trong xã từng trồng trầu, cau nhưng nay chia đất cho con cái xây nhà hoặc cất nhà trọ, nhà xưởng cho thuê.

Ông Minh trầm ngâm: “Sinh ra, lớn lên ở vùng chuyên canh trầu, cau, chứng kiến sự mất dần của nó, buồn dữ lắm, nhưng biết phải làm sao”. Theo ông, ngoài khó bán, giá thấp, việc trồng trầu cũng không đơn giản. Để làm vườn trầu, cần mua cây đóng nọc (cọc) cho trầu leo. Trước đây, người ta dùng cây trú, vừa bền, vừa dễ mua bởi Cần Giờ, Nhà Bè có rất nhiều trú. Nay, 2 vùng này cũng bị đô thị hóa. Người trồng trầu chuyển qua dùng cây le, cây tràm khoảng hơn 1 năm tuổi nhưng cũng khó mua. 

Bà Nguyễn Thị Cẩm - 85 tuổi, ở ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm - ngao ngán: “Mua 300 nọc hết 5 triệu đồng, tiền công cho thợ đóng nọc 430.000 đồng/ngày nhưng khi thu hoạch lại khó bán. Cây trầu lại “kén ăn”, chỉ chịu phân bò, phân ngựa; chủ vườn phải đặt mua phân từ huyện Củ Chi. Gian nan lắm”.

Bà Cẩm nhớ như in vườn trầu hơn 20.000m2 của gia đình, được trồng từ xưa, đến đời ông bà nội, ba má mình: “Bà nội với má ba tui mê dữ lắm, suốt ngày ở ngoài vườn nhổ cỏ, bón phân, cột ngọn, lật từng cái lá coi màu xanh đủ mướt chưa; hễ thấy đất chỗ nào còn trống, trồng được thêm dây trầu nào là cứ trồng, mệt quá mới vô hiên nằm ăn trầu”. 

Nhà bà Cẩm là một trong số ít hộ ở xã Bà Điểm còn vườn trầu hơn 1.000 cây. Mảnh vườn rộng phía sau từng là vườn trầu ngút mắt với mấy chục ngàn cây, nay bỏ hoang cho cỏ mọc do đất vướng quy hoạch. Bà và các em đều cao tuổi, chẳng biết làm gì với mảnh đất bởi con cháu đều đi làm trong công ty, chiều về phụ tưới hơn 1.000 cây trầu đã quý hóa lắm rồi.

“Qua cái thời trầu cau đếm lá, đếm trái tính tiền rồi nhưng cũng không nỡ phá bỏ hết. Ngày nào nhìn ra vườn cũng như thấy hình ảnh ông bà nên cứ giữ lại vậy” - bà Cẩm cười buồn. Thỉnh thoảng, bà cũng đón những vị khách muốn thăm vườn để tìm lại hương hình xưa cũ. Cũng có nhiều người ghé mua trầu, cau làm đám cưới, đám hỏi nhưng không nhiều người ăn cau trầu hay dùng cau trầu đãi khách như trước. 

Ở huyện Hóc Môn, trong khuôn viên khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, có khu du lịch 18 thôn vườn trầu với 5.000 - 6.000 cây trầu, cây cau. Theo một cán bộ UBND huyện, mỗi năm, khu du lịch này đón hơn 60.000 lượt khách tham quan. Đầu năm 2022, khi UBND huyện phát động phong trào tết trồng cây, nhiều nhà đã chọn trồng trầu như một sự hoài niệm.

Ở tuổi 85, bà Nguyễn Thị Cẩm nhìn vườn trầu để nhớ hình ảnh của bà nội, ba má mình.

Làm sống lại 18 thôn vườn trầu, được không?

Trong định hướng của UBND TP.HCM, các huyện ngoại thành - trong đó có Hóc Môn - sẽ được chuyển thành quận hoặc thành phố. 

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM - cần hết sức thận trọng với quan điểm cho rằng Hóc Môn nên xóa bỏ nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xây chung cư để bán:

“Cần thận trọng bởi nếu sai, sẽ khó sửa lại”. Ông cho hay, hiện nay, nhiều quốc gia đang phải cố sức phục hưng các vùng nông nghiệp bên ngoài đô thị. Ông băn khoăn: “Đất nông nghiệp của huyện này giảm nhanh, đất cũng không liền thửa nhưng số người làm nông còn khá nhiều, nếu bỏ nông nghiệp quá nhanh thì họ đi đâu, về đâu?”.

Theo ông, huyện Hóc Môn nên được định hướng trở thành vành đai nông nghiệp ngoại thành của TP.HCM. Có thể khai thác tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, bao gồm làm du lịch vườn có bóng dáng 18 thôn vườn trầu. Ông nói: “Việc giữ lại nông thôn trong đô thị còn tạo công ăn việc làm cho người yêu nghề nông truyền thống, để nông dân được hưởng thành quả của mình. Muốn vậy, cần xây dựng vành đai xanh bằng nông nghiệp chất lượng cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới”. 

Tiến sĩ sử học Lê Hữu Phước - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cho hay, từ thế kỷ XVII, vùng Hóc Môn có 6 thôn, sau đó có thêm 12 thôn, thành 18 thôn, là địa danh nổi tiếng với đặc sản trầu cau độc đáo và là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Năm 1997, huyện Hóc Môn được tách ra thành huyện Hóc Môn và quận 12. Chỉ trong 10 năm sau đó, những vườn trầu, hàng cau bị thay bằng nhà phố, cụm công nghiệp, khu dân cư mới. Vài năm qua, khi hạ tầng giao thông được đầu tư, tốc độ đô thị hóa của Hóc Môn càng chóng mặt hơn. 

Theo ông Lê Hữu Phước, việc huyện Hóc Môn trở thành quận hay thành phố không quan trọng, mà quan trọng là phải xác định Hóc Môn phát triển theo mô hình vùng đô thị sinh thái, vừa văn minh, hiện đại, vừa lưu giữ và phát huy các giá trị truyền thống đặc sắc. 

Theo định hướng của Đảng bộ, UBND huyện Hóc Môn, trong giai đoạn 2021 - 2030, huyện này sẽ phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, điểm nhấn là xây dựng huyện trở thành đô thị sinh thái của TP.HCM. Năm 2003, UBND TP.HCM đã có ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn lịch sử ở huyện này với diện tích 18 - 20ha, nằm một phần ở xã Bà Điểm và một phần ở xã Xuân Thới Thượng, dựa trên những nhà vườn sẵn có.

Ông Lê Hữu Phước cho rằng, việc triển khai dự án này không chỉ là lưu giữ một biểu tượng về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng mà còn lưu giữ chứng tích quý giá về thời kỳ khai phá, tạo dựng xóm làng của tiền nhân. “Nói cách khác, 18 thôn vườn trầu là hồn cốt, tinh hoa của huyện Hóc Môn và là một trong những biểu tượng nổi bật của Sài Gòn - TP.HCM”. 

Đến nay, dự án trên vẫn chưa được triển khai và nông dân vẫn loay hoay với đất bỏ hoang. Tiến sĩ Lê Văn Phước ưu tư: “Hiện tại, diện tích các vườn trầu ngày càng bị thu hẹp. Nếu chậm trễ triển khai, dự án này chắc chắn càng gặp khó và ý tưởng làm cho 18 thôn vườn trầu sống lại sẽ khó thành hiện thực”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất