Liên kết sản xuất theo chuỗi
So với cam, dứa thì cây nha đam mới có mặt trên “bản đồ” tiêu dùng của người Việt khoảng 10 năm nay. Nhờ được liên kết sản xuất theo chuỗi mà hiện nay, nha đam đã trở thành một trong 12 sản phẩm đặc thù tại tỉnh Ninh Thuận, đưa Ninh Thuận trở thành vùng nguyên liệu nha đam lớn nhất cả nước.
Hơn 10 năm trong nghề trồng nha đam, chưa lần nào bà Trương Thị Phượng (phường Văn Hải, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) phải nhờ “giải cứu” vì luôn có doanh nghiệp bao tiêu, đó là Công ty GC Food. Theo tinh thần hợp tác, Công ty GC Food hướng dẫn cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế và bao tiêu đầu ra; còn nông hộ tôn trọng thỏa thuận, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng như đã ký kết.
Chính nhờ có vùng nguyên liệu ổn định, nhà máy chế biến nha đam của Công ty GC Food luôn chạy hết công suất 35.000 tấn/năm, bán trực tiếp ra thị trường và cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất hóa mỹ phẩm, xuất khẩu tinh chất nha đam đi 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ…
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu hiện đang liên kết với nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu, tìm đầu ra cho nhiều nông sản. Đối với sầu riêng, Công ty Chánh Thu xây dựng nhà máy, kho lạnh tại các vùng sản xuất quy mô lớn như Đắk Lắk, Tiền Giang… Đối với dừa, bưởi, Công ty Chánh Thu liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy, kho lạnh tại Bến Tre, Tiền Giang.
Mới đây, để trái bưởi được chấp thuận tại thị trường Mỹ, Công ty Chánh Thu phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, các hộ dân liên kết áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chí xuất khẩu…
Hay như Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu liên kết với nông dân, trang trại để sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn GAP, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững xuất khẩu cho các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ngoài việc xuất khẩu thanh long tươi, Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu cũng đầu tư máy sấy khoảng 50 tỷ đồng để đa dạng hóa sản phẩm… HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long (Long An) có 69 xã viên, với hơn 120ha trồng thanh long tại Long An cũng đang liên kết, đóng gói sản phẩm nông sản cung cấp cho Công ty cổ phần Nafood Group, Nhà máy chế biến trái cây TaniFood (Tây Ninh) và một số siêu thị trong nước.
Cần quy mô lớn
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, giai đoạn từ năm 2013 - 2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 5% - 7%. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản chế biến xuất khẩu cũng tăng bình quân khoảng 8% - 10%/năm trong nhiều năm qua. Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng ngàn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, chủ yếu ở quy mô trang trại, hoạt động ở mức sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Từ năm 2018 đến nay, đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư hơn 30 dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp và hầu hết đã đi vào hoạt động, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Mỹ.
Khẳng định việc liên kết sản xuất ở quy mô lớn sẽ góp phần quan trọng cho đầu ra nông sản bền vững, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho rằng, nông dân cần tìm hiểu thị trường để có định hướng trồng đúng. Hiện, Bộ NN&PTNT đã có Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 - 2030 để định hướng cho nông dân, doanh nghiệp, địa phương phát triển vùng trồng. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng.
“Các địa phương nên thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nông dân trồng trọt theo đúng quy hoạch, định hướng của ngành chức năng. Đặc biệt, khuyến cáo nông dân về những rủi ro có thể gặp phải nếu trồng trọt “chạy theo phong trào”. Sắp tới, Cục Trồng trọt sẽ có nghiên cứu về những cây ăn quả chủ lực phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước… của từng khu vực”, ông Nguyễn Như Cường cho biết.
Theo các chuyên gia, để nông sản không còn phải lâm vào cảnh chờ “giải cứu”, chính người nông dân và Hội Nông dân, các HTX nông nghiệp phải hợp tác với doanh nghiệp chế biến nông sản. Hai bên cần đưa ra chiến lược hợp tác, liên kết rõ ràng, dựa trên nền tảng về thị trường và khả năng thực tế của nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Ngoài hỗ trợ nông dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX đầu tư chế biến, bảo quản nông sản nhằm góp phần làm giảm áp lực cho khâu tiêu thụ trái cây tươi. Đối với những diện tích mới trồng phát sinh không đúng theo chủ trương, ngành nông nghiệp cần tham mưu trình UBND tỉnh không hỗ trợ bất cứ hoạt động gì - từ cấp mã số vùng trồng, đầu tư hạ tầng, cho đến hình thành sản phẩm OCOP.
Thậm chí, có thể xử phạt nghiêm khắc với nông dân tự ý trồng sai quy hoạch. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ các HTX nông nghiệp đầu tư container lạnh để khi chưa bán được nông sản, nông dân có thể gửi tạm vào đó. Đây là kinh nghiệm hỗ trợ nông dân của nhiều nước nhiệt đới lân cận Việt Nam. Thông thường, kho lạnh trữ mát có thể giữ sản phẩm tươi được 3 tháng. Khi qua giai đoạn khó bán hoặc giá quá thấp, nông dân có thể mang sản phẩm ra bán với giá tốt hơn. Chi phí vận hành của container sẽ được bù lại khi nông dân bán được nông sản với giá tốt.
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2023, tỷ trọng giá trị công nghiệp chế biến nông sản trong GDP sẽ đạt trên 30%, tốc độ gia tăng giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7% - 8%/năm, trên 50% số cơ sở chế biến nông sản đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu.