, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 20/01/2022, 10:17

Tìm lại Tết xưa trong kho lưu trữ

Trinh Nguyễn
(thanhnien.vn)
Từ các tư liệu tiếng Việt, tiếng Pháp và Hán Nôm, hình dung về tết xưa đã trở nên rõ ràng, sống động hơn.

Những câu chuyện văn hóa trở về

Họa sĩ Trịnh Lữ vẫn còn cảm thấy không khí của Tết Quý Tỵ 1953, một cái tết đông đủ và cả nhà cùng ra chùa Quán Sứ. “Sáng sớm, bố mẹ tôi bảo dậy mặc quần áo đẹp và đi ra chùa Quán Sứ. Lúc đó, tôi còn bé tí. Cả nhà cùng chụp ảnh, máy ảnh lúc đó chụp phim, nhưng tôi không nhớ ai là người chụp”, ông Trịnh Lữ nhớ lại. Bức ảnh đó được chú thích rất cụ thể tên những người trong gia đình ông Trịnh Lữ. Ông Trịnh Lữ cũng cung cấp tấm ảnh này cho triển lãm Tết xưa, do Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 tổ chức tại số 5 Vũ Phạm Hàm (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) từ ngày 14.1.

Tìm lại tết xưa trong kho lưu trữ - ảnh 1
Cô hàng hoa ngày tết Tư liệu

Triển lãm không chỉ kể câu chuyện đi lễ chùa đầu năm, nhiều câu chuyện đã quá quen với thế hệ của ông Trịnh Lữ cũng được trưng bày. “Bức này vẽ 2 nhân vật Lý Toét - Xã Xệ, anh béo - anh gầy. Họa sĩ Mạnh Quỳnh là tác giả bức này. Tôi cho là 2 nhân vật này ảnh hưởng 2 nhân vật truyện của Pháp nổi tiếng bấy giờ là Loren và Hardy, cũng một gầy một béo”, ông Trịnh Lữ cho biết.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học, cũng nhận ra bài viết của cha mình trong triển lãm. Đó là một bài viết bằng tiếng Pháp của cố GS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, trên tạp chí Indochine hồi 1942. “Bài Tết của ông Nguyễn Văn Huyên đăng trên Indochine, 1942, là một cảm hứng quan trọng cho triển lãm Tết xưa của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1”, ông Huy cho biết.

Tìm lại tết xưa trong kho lưu trữ - ảnh 2
Bức tranh Xuân với Lý Toét - Xã Xệ của họa sĩ Mạnh Quỳnh

Qua các tư liệu lưu trữ bằng hình, bằng văn bản, tết xưa được hình dung rõ nét hơn. Có thể gặp ở triển lãm các văn bản quy định về ngày nghỉ tết của thời Nguyễn, thời Pháp. Theo đó, triều Nguyễn quy định: “Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến mồng 8 đầu xuân mới làm việc để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng vẫn cho làm việc”. Thời Pháp thuộc, công sở được nghỉ 2 - 3 ngày tết, các trường học có lịch nghỉ khác nhau, tùy từng nhóm trường Pháp hay trường Pháp - Việt.

Những ưu đãi vật chất cũng được thể hiện qua các văn bản được trưng bày trong triển lãm Tết xưa. Văn bản của triều Nguyễn quy định ngày

mồng 1 thưởng cho các quan, ngày mồng 3 thưởng cho lính, và tiền cho các trạm dịch ở mức độ khác nhau. Người xem có thể thấy biên lai nhận tiền thưởng bằng hối phiếu của Nguyễn Văn Tứ. Biểu giá vé tàu Hà Nội - Huế và ngược lại giảm giá nhân dịp tết. Việc an ninh trong tết dưới thời Pháp cũng được đảm bảo. Trưng bày có văn bản của Công sứ Nam Định gửi Thống sứ Bắc kỳ về việc đảm bảo an ninh nhân dịp tết.

Tìm lại tết xưa trong kho lưu trữ - ảnh 3
Mua tranh tết Tư liệu

Giữ cái tốt, tiếp thu cái mới

Tại triển lãm, tư liệu ảnh tràng pháo, cây nêu cho thấy có những phong tục từng vô cùng quen thuộc nay đã trở nên hiếm hoi hoặc không còn. Những cách ứng xử như con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy 2 lạy mà cụ Phan Kế Bình mô tả trong cuốn VN phong tục sách nay ít ai thực hành.

Lại có những truyền thống tết vẫn được tiếp tục. Tại triển lãm, ông Nguyễn Đức Dũng, một người chơi hoa thủy tiên, đã giới thiệu với công chúng về thú chơi hoa thủy tiên tết xưa. Bàn trà, bộ dụng cụ tỉa hoa, những bát hoa thủy tiên do chính ông Dũng tỉa cũng được trưng bày. Gọt thủy tiên, chờ hoa nở đúng giao thừa, vì thế, không còn là câu chuyện xa xôi chỉ có trong sách.

Tìm lại tết xưa trong kho lưu trữ - ảnh 4
Bức hình gia đình họa sĩ Trịnh Lữ cùng đi lễ chùa Quán Sứ Gia đình ông Trịnh Lữ cung cấp

Tết xưa, với hơn 100 hiện vật hình ảnh, được Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 tập hợp từ cả tư liệu tiếng Việt, tiếng Pháp và Hán Nôm. “Phong tục tết nên được lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và chính tài liệu lưu trữ giúp được cho việc đó. Các hoạt động tết của ông bà ngày xưa được ghi chép lại, rồi bây giờ được đưa ra cho công chúng hiểu cách đây 2, 3, 4 thế kỷ, ông bà những người sinh ra các thế hệ người Việt hiện nay trên mảnh đất này đã ăn tết thế nào”, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ, nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc lại nhìn triển lãm từ góc nhìn phát triển. Ông Quốc cho rằng Tết xưa là triển lãm hay, ở đó không chỉ có người lớn gặp lại ký ức, mà còn có chỗ cho người trẻ khám phá. “Trẻ em đến đây chắc chắn sẽ hỏi rất nhiều. Tại sao trước đây coi đốt pháo là biểu hiện của niềm vui mà bây giờ lại cấm? Ta lại phải giải thích điều đó. Cuộc sống thay đổi, môi trường thay đổi, ta hội nhập với thế giới. Chính vì thế, việc làm này rất có ích nếu biết khai thác để cho các bạn trẻ có thể nhận thức được sự phát triển của xã hội. Làm sao để xã hội biết giữ cái tốt, tiếp thu cái mới”, ông Quốc nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất